Dạy học trực tuyến cho học sinh lớp 1: Nhà trường, gia đình cùng chung sức

Hôm nay (19-2) là ngày thứ ba học sinh các trường tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn Hà Nội tiếp tục chương trình học kỳ II năm học 2020-2021 sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu theo hình thức trực tuyến. Ghi nhận chung, hầu hết học sinh đã quen với việc học trực tuyến nên có nền nếp, hiệu quả. Riêng với lớp 1, do các em còn nhỏ, còn nhiều bỡ ngỡ với hình thức học này, đòi hỏi nhà trường, gia đình cùng chung sức vượt khó.

Học sinh Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) được hỗ trợ tối đa khi học trực tuyến.

Giờ học linh hoạt

Ghi nhận chung, hầu hết nhà trường đều bố trí giờ học linh hoạt, phù hợp với lứa tuổi học sinh lớp 1 và điều kiện thực tế của gia đình học sinh.

Bà Phạm Thị Lệ Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho biết, toàn quận có 35 trường tiểu học. Hầu hết các trường bố trí thời gian buổi tối để dạy cho học sinh khối lớp 1. Giờ học thường bắt đầu từ 19h hoặc 19h30, tùy từng trường và không kéo dài quá 21h.

Gần 200 học sinh lớp 1 của Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) cũng được bố trí giờ học vào 19h hằng ngày. Theo bà Đinh Bích Ngọc, Phó Hiệu trưởng nhà trường, qua khảo sát thực tế và ý kiến của các bậc phụ huynh, nhà trường bố trí giờ học trực tuyến cho học sinh lớp 1 vào buổi tối nhằm thuận tiện để cha mẹ học sinh cùng hỗ trợ con học. Thời gian học mỗi ngày chỉ kéo dài tối đa 3 tiết, giữa các tiết học, giáo viên có thể bật nhạc, tổ chức chơi trò chơi, trò chuyện... để các con cảm thấy thoải mái và bớt nhớ bạn, nhớ trường. Việc không kéo dài thời gian học hằng ngày cũng nhằm tránh gây mệt mỏi, ảnh hưởng tới thị lực của học sinh khi tiếp xúc nhiều với máy tính.

Chung sức hỗ trợ tối đa

Chung sức hỗ trợ tối đa, tạo mọi điều kiện tốt nhất để khắc phục khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 là quyết tâm của các nhà trường và gia đình học sinh nhằm giúp học sinh lớp 1 hoàn thành chương trình giáo dục.

Cô Lê Bích Nguyệt, giáo viên lớp 1E, Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, nội dung chương trình, sách giáo khoa mới lớp 1 có khá nhiều điểm mới, học sinh lại còn nhỏ tuổi, nên giáo viên phải linh hoạt trong khâu soạn giáo án, tổ chức bài giảng trực tuyến. Các giờ dạy được xây dựng theo hướng mở, kết hợp giữa học và chơi để lôi cuốn học sinh.

Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng) Đinh Bích Ngọc thông tin thêm: Sự hỗ trợ của phụ huynh học sinh khi các con học ở nhà rất quan trọng, nhất là học sinh lớp 1. Trước khi tổ chức học trực tuyến, giáo viên thông báo, hướng dẫn từng phụ huynh trong lớp cách cài đặt phần mềm; sau mỗi buổi học cũng không quên dặn phụ huynh các công việc cần hỗ trợ con... Trong mỗi buổi học, giáo viên thường xuyên động viên, khích lệ học sinh để các con có thêm động lực học.

Còn bà Nguyễn Thị Huyền Dung, phụ huynh học sinh lớp 1I, Trường Tiểu học Kim Liên (quận Đống Đa), cho hay, dù công việc khá bận, nhưng hằng ngày gia đình đều phân công người lớn hỗ trợ con trong các tiết học. Do các con còn nhỏ, chưa quen các thao tác trên máy nên thường xuyên có bố, mẹ ở bên để hỗ trợ, nhắc nhở con việc bật, tắt mic, cách bấm nút biểu tượng cảm xúc khi muốn phát biểu, thể hiện sự đồng ý...

Là địa bàn có khá nhiều gia đình còn khó khăn, song các trường học ở huyện Mê Linh cũng đã tổ chức dạy học trực tuyến cho tất cả học sinh. Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mê Linh Nguyễn Văn Hậu cho biết, tỷ lệ học sinh lớp 1 học trực tuyến hằng ngày chiếm khoảng 95%. Một số học sinh thiếu thiết bị được hướng dẫn để học cùng bạn ở gần nhà. Các nhà trường đang tiếp tục rà soát điều kiện học tập của từng học sinh để có biện pháp hỗ trợ, quyết tâm giúp em vượt qua khó khăn để hoàn thành chương trình có chất lượng.

Ông Phạm Văn Đại, Phó Giám đốc phụ trách Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đánh giá: Qua kiểm tra, các nhà trường đều cơ bản thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Sở về việc tổ chức dạy học trực tuyến; quan tâm đến học sinh lớp 1 với nhiều giải pháp như chọn khung giờ học, tổ chức dạy học linh hoạt, có hình thức kiểm tra để kịp thời điều chỉnh cách thức tổ chức...

Để việc tổ chức dạy học trực tuyến hiệu quả, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội yêu cầu các nhà trường tiếp tục rà soát các điều kiện học tập của từng học sinh, có biện pháp hỗ trợ học sinh có khó khăn, tổ chức các hoạt động giáo dục kỹ năng, giáo dục thể chất, rèn luyện sức khỏe để học sinh được phát triển toàn diện.

Thống Nhất

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/giao-duc/991571/day-hoc-truc-tuyen-cho-hoc-sinh-lop-1-nha-truong-gia-dinh-cung-chung-suc