Dạy kỹ năng sống cho trẻ: Vừa thiếu lại vừa yếu
Từ vụ cháu bé lớp 1 (Hà Nội) tử vong do bị nhốt trên ô tô, đến vụ 3 trẻ mầm non (Hà Nam) bị phỏng nặng khi đang học kỹ năng mềm đã dấy lên mối lo ngại về việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ hiện nay
Sau vụ cháu bé lớp 1 tử vong do bị "nhốt" trên ô tô, mọi người mới nháo nhào đi tìm hiểu thông tin, kiến thức kỹ năng thoát hiểm trên ô tô. Hiện nay chuyện đưa rước học sinh bằng ô tô ngày càng thông dụng nhưng kiến thức kỹ năng mềm này hiện đang là "lỗ hổng" ở các em học sinh.
Sang đến vụ 3 trẻ mầm non bị phỏng nặng khi đang học giờ "kỹ năng phòng chống cháy nổ". Nguyên nhân do cô giáo đốt cồn để dạy kỹ năng cho trẻ, gió từ cửa sổ lớp học tác động khiến ngọn lửa cồn tạt vào người học sinh.
Rất nhiều bạn đọc Báo Người Lao Động đã bày tỏ sự lo lắng và bất an trước việc trang bị kỹ năng sống cho trẻ của các trường hiện nay vừa thiếu lại vừa yếu. Bạn đọc Nguyễn phân tích: "Kỹ năng sống phải có trình độ mới dạy được, nếu dạy sai thì rất tai hại. Cần phải hiểu rằng kỹ năng sống về phòng cháy chữa cháy (PCCC). Có 2 loại: kỹ năng thoát hiểm khỏi đám cháy và kỹ năng chữa cháy. Ở từng lứa tuổi, người dạy kỹ năng sống sẽ lựa chọn bài hướng dẫn cho phù hợp. Ở phường tôi từng tổ chức một chương trình tuyên truyền về PCCC lồng ghép trong một chương trình thiếu nhi, khi cán bộ phòng cháy đến nhìn thấy sự hiện diện của các em thiếu nhi đã quyết định thay đổi nội dung chương trình. Vị cán bộ này cho biết các em nhỏ không thể hướng dẫn bài PCCC, bởi một cháu nhỏ không thể mang nổi một bình chữa cháy thì sao mà tuyên truyền; chỉ có thể tuyên truyền nội dung phù hợp với các em như sự nguy hiểm và cách thoát khỏi đám cháy, cách làm sao để không bị ngạt khói…".
Bạn đọc Phương Nguyên viết: "Bây giờ nhiều trường đã đưa rước học sinh bằng ô tô, nên rất cần trang bị kỹ năng sống cho trẻ những kiến thức mềm có liên quan đến ô tô. Ngoài ra, kỹ năng dạy cho trẻ biết bơi cũng rất cần thiết, cần được lưu tâm".
Nhiều ý kiến khác của bạn đọc như: Cần phải chọn lựa nội dung dạy phù hợp. Lứa tuổi mầm non chỉ nên dạy kỹ năng sống thông thường như: phụ giúp ba mẹ; ông bà tự rửa chén, tự xếp đồ, sắp xếp đồ đạc đơn giản cho gọn gàng, bỏ rác vào thùng rác, không vứt rác bừa bãi nơi công cộng, chấp hành luật giao thông ngay cả khi đi bộ…; Nhà trường phải thẩm định và quản lý được những nội dung đưa vào giảng dạy kỹ năng mềm, người dạy cần người am hiểu; nếu kiêm nhiệm cần được tập huấn trước khi dạy.
Một năm học mới lại sắp bắt đầu, trước nhu cầu thiết thực từ cuộc sống, dư luận đang dồn sự quan tâm đến chất lượng dạy kỹ năng sống cho học sinh trong thời gian tới. Bạn đọc có email: thanh.pecc3@gmail.com mong Bộ GD-ĐT quan tâm và có giải pháp hiệu quả trong việc trang bị kiến thức kỹ năng sống cho các em học sinh; đừng để con trẻ phải học kỹ năng sống từ những người không có kỹ năng giảng dạy. Bạn đọc Nguyentung0871@gmail.com thì hy vọng ngành giáo dục dành nhiều thời gian hơn và có nhiều chương trình dạy kỹ năng sống phù hợp với từng lứa tuổi học sinh để phụ huynh yên tâm và con trẻ có thể chủ động khi có sự cố.