Đây là lý do người dân KHÔNG NÊN tích trữ nước muối sinh lý và thuốc ho gây khan hiếm hàng
'Các mặt hàng này trong nước sản xuất được nên chủ động, nước muối sinh lý, thuốc ho hay nước sát khuẩn mỗi chai mua về không dùng hết ngay mà phải vài tuần. Chỉ nay, mai hàng lại ùn ùn về', một chủ hiệu thuốc cho hay.
Theo ghi nhận của PV, trong sáng nay tại nhiều cửa hàng bán thuốc xuất hiện tình trạng người dân tranh thủ mua nước muối sinh lý, thuốc ho... khiến cho tình trạng khan hàng xảy ra.
Trao đổi với chúng tôi, anh Nguyễn T, chủ của 3 ki ốt trong chợ thuốc Hapulico cho biết, đây là hiện tượng tâm lý đám đông cho rằng do F0 tăng cao, nhiều người lo lắng mua dự trữ. Nhưng, cảnh xếp hàng mua nước muối sinh lý, thuốc ho... chỉ xảy ra ở các cửa hàng nhỏ lẻ.
Theo anh T. rút kinh nghiệm như các làn sóng khan khẩu trang, hiện nay kit xét nghiệm nhanh cũng đã bão hòa.
"Cách đây vài hôm bán ra 68 nghìn đồng/ kit cũng không có mà bán, hôm qua Bộ Y tế có chỉ thị yêu cầu niêm yết giá, không đầu cơ găm hàng, nhiều người buôn nhỏ lẻ không ôm hàng nữa. Hôm nay tôi đang bán ra có 52 nghìn đồng/ kit, nếu ai mua buôn thì mới lấy về bán. Như vậy cách đây vài hôm nhà nào ôm vào sẽ vỡ nợ, các công ty nhập hàng từ nước ngoài về ồ ạt rồi".
Trở lại vấn đề nước muối sinh lý, thuốc ho, chủ cửa hàng cho hay, chỉ ngày mai sẽ khác: "Tâm lý người dân sợ hết hàng nên mua về dự trữ. Lưu ý, các mặt hàng này trong nước sản xuất được nên chủ động, nước muối sinh lý, thuốc ho hay nước sát khuẩn mỗi chai mua về không dùng hết ngay, mà phải vài tuần. Chỉ nay, mai hàng lại ùn ùn về",anh T cho biết, hiện tại ở cửa hàng anh không thiếu, cũng không hạn chế số lượng.
Cấm găm hàng, đầu cơ
Trước nhu cầu của người dân tăng cao về test xét nghiệm, Bộ Y tế yêu cầu các địa phương xử lý nghiêm tình trạng đầu cơ, 'găm' hàng 'thổi' giá, bán giá bất hợp lý; Cơ sở kinh doanh phải niêm yết giá bán test xét nghiệm COVID-19...
Để khắc phục tình trạng khan hiếm trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên thị trường; đảm bảo chất lượng sản phẩm với giá thành hợp lý, ngày 3/3/2022, Bộ Y tế có công điện số 286/CĐ-BYT gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo quyết liệt các nội dung, cụ thể:
Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị sản xuất, nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn chủ động hoạt động sản xuất, kinh doanh để đáp ứng nhu cầu sử dụng trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19 và đảm bảo bình ổn giá trang thiết bị y tế theo nội dung tại Công văn số 854/BYT-TB-CT ngày 23/02/2022 của Bộ Y tế.
Đồng thời, khẩn trương chỉ đạo cơ quan chức năng, quản lý thị trường tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá bán và bán đúng giá niêm yết, kiểm tra và ngăn chặn các hành vi lợi dụng tình hình khan hiếm trang thiết bị y tế trên thị trường để đầu cơ, găm hàng, mua gom hàng hóa hoặc lợi dụng dịch bệnh để tăng giá bán giá các trang thiết bị y tế phòng chống dịch COVID-19 bất hợp lý; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan phải đăng tải giá trúng thầu bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại địa phương; danh sách số lưu hành, giấy phép nhập khẩu trang thiết bị y tế bị thu hồi trên cổng thông tin điện tử của tỉnh, thành phố và các cơ quan truyền thông của tỉnh, thành phố.
Đồng thời, chỉ đạo Sở Y tế giao nhiệm vụ cho các bệnh viện, trạm y tế, nhà thuốc, đại lý bán lẻ thực hiện niêm yết giá bộ xét nghiệm SARS-CoV-2 và đảm bảo chất lượng cung ứng sản phẩm này đến người dân.
Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện các nội dung trên; đồngthời, tổ chức thanh tra, kiểm tra để phát hiện sớm các tổ chức, cá nhân vi phạm và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trên địa bàn.
Đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19
Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu trang thiết bị y tế về việc đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19.
Theo đó, để sẵn sàng và đảm bảo cung cấp trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đề nghị các đơn vị ổn định hoạt động sản xuất, kinh doanh, chuẩn bị kế hoạch và phương án đảm bảo nguồn cung trên nguyên tắc đảm bảo chất lượng sản phẩm; đồng thời chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu để phục vụ sản xuất, nguồn hàng nhập khẩu trang thiết bị y tế phòng, chống dịch COVID-19, đặc biệt đối với bộ xét nghiệm SARS-CoV-2, Máy đo nồng độ bão hòa oxy trong máu SpO2....
Đảm bảo giá bán ra phù hợp với với các chi phí đầu vào, không bán qua nhiều cấp trung gian, tăng giá bất hợp lý để đảm bảo bình ổn giá bán trên thị trường; yêu cầu các nhà phân phối, bán lẻ thực hiện niêm yết giá, không gom hàng và tăng giá; không bán cho các đơn vị thu mua, đầu cơ để tăng giá khi nhu cầu trong nước đang tăng cao, gây khan hiếm thị trường. Bộ Y tế cũng đề nghị các đơn vị nâng cao trách nhiệm doanh nghiệp đối với cộng đồng, đạo đức kinh doanh, không được nâng giá, trục lợi trong các hoạt động cung ứng phòng, chống dịch.