Đây là lý do vì sao bạn xem phim là 'khung hình chuẩn', nhưng khi chơi game thì trông lại rất tệ
Bạn đã bao giờ thắc mắc tại sao chơi game cần số khung hình/giây cao hơn nhiều so với xem phim chưa?
Tốc độ khung hình "tiêu chuẩn" của ngành điện ảnh từ những năm 1930 đã là 24 khung hình/giây (FPS). Được áp dụng từ thời đại phim nhựa, nhưng những phim điện ảnh thời nay đa số vẫn theo chuẩn khung hình này, dù công nghệ đã cải tiến rất nhiều. Chỉ có một số ít bộ phim điện ảnh hiện nay được quay ở số khung hình cao như 48fps (như trilogy The Hobbitcủa Peter Jackson) - và đã nhận được khá nhiều ý kiến trái chiều.
Chuẩn khung hình 24fps phổ biến đến mức định dạng đĩa Blue-ray của các bộ phim vẫn được áp dụng; thậm chí các dòng TV hiện đại vẫn có chế độ định dạng cinema 24p.
Sở dĩ tốc độ 24fps vẫn phổ biến như vậy trong phim điện ảnh là vì cảm nhận thị giác mà nó mang lại. Cảm nhận của chúng ta về chuyển động trong phim thực tế được tạo ra bởi rất nhiều khung hình tĩnh được chiếu với tốc độ cao, nhằm đánh lừa bộ não về sự dịch chuyển của vật thể. Tình cờ, 24fps lại nằm ở khoảng tốc độ khung hình vừa đủ nhanh để khiến hình ảnh không tạo cảm giác "giật, lag", nhưng cũng không quá nhanh đến mức hiển thị quá rõ mọi chuyển động.
Kết quả là, tốc độ 24fps khiến chúng ta nhìn vật thể chuyển động với chút cảm giác mờ nhòe rất đặc trưng, tạo cảm giác thoải mái và nghệ thuật về mặt điện ảnh.
Chưa kể, 24fps còn phù hợp về mặt kinh tế và kỹ thuật của thời đại trước, và phần nào đó giúp tiết kiệm chi phí và tài nguyên xử lý cho các bộ phim có kỹ xảo nặng thời nay.
Đối với game, đó lại là một câu chuyện khác.
Khi xem phim, chúng ta chỉ tiếp thu hình ảnh và thông tin một cách bị động. Tuy nhiên, khi chơi game, chúng ta có thể tương tác với môi trường và đồ họa. Sẽ luôn có một độ trễ nhất định giữa việc chúng ta di chuyển chuột và để thông tin đó hiển thị lên màn hình khi chơi game, nên mọi hiệu ứng mờ nhòe, giật hình sẽ dễ nhận ra hơn. Chưa kể, đối với các game hành động với hiệu ứng chuyển cảnh liên tục, nhiều đối tượng di chuyển cần quan sát một cách đồng thời, bộ não sẽ tự động nhận thức hình ảnh ở một tốc độ cao hơn so với khi xem phim.
Chính vì lẽ đó, việc chơi game ở tốc độ khung hình thấp dưới 30fps sẽ khiến cho game thủ cảm thấy vô cùng khó chịu và có cảm giác "giật, lag", bởi vì mỗi tích tắc trong một pha combat bị bỏ qua hoặc giật hình đã đủ khiến họ phải "trả giá".
Ngoài ra, việc trình chiếu từng khung hình tĩnh của phim và game cũng khác nhau do tiến trình tạo dựng và xử lý hình ảnh. Đối với hình ảnh trên phim, những hiệu ứng mờ chuyển động (motion blur) là tự nhiên và do máy quay ghi lại, hoặc đối với các cảnh quay kỹ xảo thì hiệu ứng motion blur được thêm vào làm tăng cảm giác chân thật. Đối với những cỗ máy xử lý kỹ xảo trị giá cả gia tài thì việc xử lý thêm motion blur không có gì là khó. Tuy nhiên, với game, mỗi khung hình là khung hình hoàn toàn tĩnh, được tạo dựng bởi máy tính, không hề có hiệu ứng motion blur "nghệ thuật". Việc thêm motion blur vào game không chỉ khá tốn kém, mà còn có thể khiến những cỗ máy chơi game thông thường không thể xử lý nổi. Không có motion blur, hiển nhiên là hình ảnh trong game trông sẽ có phần rời rạc hơn hẳn ở những khung hình thấp.
Nguồn: Tổng hợp