Đây là nơi tạo ra tương lai hậu Samsung của smartphone
Có gì bên trong những phòng nghiên cứu và phát triển sản phẩm, nơi Samsung tiêu hàng tỷ USD để tìm ra sản phẩm lớn tiếp theo sau smartphone?
Bài viết là trải nghiệm của phóng viên Kristie Lu Stout, CNN khi tới Samsung Digital City, trung tâm nghiên cứu của Samsung.
Tôi đang đứng bên trong Thành phố kỹ thuật số Samsung, nơi có khoảng 35.000 nhân viên làm việc, ăn, chơi và sinh sống ở Suwon, Hàn Quốc. Nơi đây giống như một khuôn viên trường đại học với những công viên xanh, rất đông người trẻ tuổi, câu lạc bộ và quán cà phê. Ngoài ra còn có một khu ăn uống đồ sộ, nơi mọi thứ, từ pizza đến kim chi, đều miễn phí.
Nói cách khác, đây là một môi trường làm việc rất thoải mái.
Văn hóa khủng hoảng và sự sáng tạo không ngừng
Tuy nhiên Samsung, nhà sản xuất smartphone, TV và chip nhớ lớn nhất thế giới, luôn ở trong chế độ khủng hoảng. Một phần, đó là văn hóa công ty. Chủ tịch Samsung Lee Kun-hee từng viết rằng một công ty thành công cần duy trì "độ nhạy cảm cao với khủng hoảng", nghĩa là ngay cả trong thời điểm tốt đẹp nhất cũng phải lường trước những sự thay đổi.
Lúc này Samsung đang gần với khủng hoảng. Doanh số smartphone toàn cầu giảm, gây áp lực cho ngành kinh doanh lớn nhất của Samsung Electronics. Căng thẳng leo thang giữa Hàn Quốc và Nhật Bản có thể khiến chi phí sản xuất của công ty tăng vọt. Nhà lãnh đạo thực tế của Samsung, Lee Jae-yong, con trai của chủ tịch Lee, phải đối mặt với một bản án vì tội nhận hối lộ.
Dưới sức ép từ nhiều phía, Samsung rất mong muốn tìm ra sản phẩm đột phá tiếp theo sau smartphone hoặc chip nhớ để đảm bảo cho sự phát triển trong tương lai của công ty.
Trong 3 năm gần nhất, tập đoàn Samsung đã rót khoảng 22 tỷ USD vào các lĩnh vực như 5G và tự động hóa, trong đó Samsung Electronics là công ty được đầu tư nhiều nhất. Phần lớn quy trình nghiên cứu, phát triển của công ty được bắt đầu từ các phòng thí nghiệm tại Digital City.
Samsung không phải công ty duy nhất có một phòng nghiên cứu bí mật. Những đối thủ lớn của họ: Apple, Huawei, Google hay Amazon đều có các đơn vị như vậy. Tuy nhiên, Samsung có tiếng là luôn thử nghiệm mọi công nghệ có thể, và thường là sớm hơn đối thủ.
Đó là chiến lược tốt, nhưng cũng dẫn đến nhiều thất bại. Đầu năm nay, khi Samsung vội vàng ra mắt chiếc điện thoại gập Galaxy Fold, người ta đã phàn nàn về bản lề bị lỗi và màn hình dễ hỏng. Samsung đã phải hoãn ra mắt, điều chỉnh thiết kế và gần nửa năm sau mới chính thức bán chiếc Fold.
Đối với một công ty được xây dựng trên văn hóa khủng hoảng, chu kỳ phát minh, thất bại và lặp lại liên tục đó được đưa vào DNA.
“Chúng tôi tin rằng khủng hoảng là cơ hội cho sự phát triển trong tương lai”, CEO và Chủ tịch Samsung Electronics, ông Hyun-Suk Kim nói.
Tương lai sau smartphone của SamsungThiết bị đầu tiên chúng tôi được tiếp xúc là dự án Buồng lái kỹ thuật số của Samsung. Buồng lái kỹ thuật số được công bố lần đầu tại CES 2018, nhưng đây là phiên bản 2.0. Samsung cho biết họ có thể tung sản phẩm ra thị trường đầu năm 2020.
Bên trong là 6 màn hình trải dài, biến nó thành một bảng điều khiển nhìn rất hiện đại. Thay vì dùng một tablet lớn như trong xe Tesla, Samsung đã chọn trải nghiệm bảng điều khiển ngang giống truyền thống.
Những tính năng của buồng lái này bao gồm gương điện tử với tính năng AR, giúp làm nổi bật mọi đối tượng di chuyển xung quanh, ngay cả khi trời mưa. “Chúng có thể phát hiện người đi bộ hoặc xe đạp, để lái xe nhận biết sớm nhất có thể nhằm tránh tai nạn”, Phó chủ tịch Samsung Taejung Yeo mô tả.
Samsung không phải công ty duy nhất tham vọng chiếm lĩnh thị trường xe hơi thông minh. Tuy nhiên, Samsung cho thấy tốc độ ấn tượng khi nhanh chóng chiếm thị phần trong lĩnh vực này. Sau khi mua lại Harman International vào năm 2016, họ chỉ mất 2 năm để trở thành nhà cung cấp hệ thống giải trí số 1 trên xe hơi. Đây là thị trường trị giá khoảng 5 tỷ USD, theo Strategy Analytics.
Samsung cũng đang cố gắng tạo khác biệt bằng cách kết nối công nghệ xe hơi với nhiều thiết bị khác. Trong buồng lái kỹ thuật số, người lái xe không chỉ truy cập được bản đồ, phát nhạc, mà còn có thể kiểm soát nhiệt độ phòng khách ở nhà, thậm chí nhìn thấy những gì đang có trong tủ lạnh.
Ngay khi bước vào Học viện Công nghệ Tiên tiến Samsung (SAIT), tôi nhận thấy Roboray, robot hình người có khả năng đi bộ của Samsung. Không còn trong quá trình phát triển, giờ đây nó trở thành linh vật cho nhóm nghiên cứu bộ khung máy cho con người.
Còn được gọi là Hệ thống hỗ trợ dáng đi hay GEMS, đây là một bộ khung mà người dùng có thể mặc lên người để đi lại dễ dàng, cân bằng hơn. Young-bo Shim, người đứng đầu Phòng thí nghiệm Cơ điện tử SAIT tin rằng thiết bị này sẽ giúp ích rất nhiều cho người lao động chân tay nặng nhọc, người khuyết tật và người già.
Mất khoảng một phút để buộc hệ thống qua quần và lên hông của tôi. Nó rất nhẹ, chỉ hơn 2 kg. Các bộ phận chứa cảm biến và động cơ được đặt vào hai bên hông và sau lưng. Sau vài bước, tôi bắt đầu cảm nhận được công dụng của thiết bị.
Những cảm biến đo và dự đoán dáng đi của tôi sau vài bước. Và sau đó, theo một cách rất tinh tế, tôi cảm thấy một lực nâng từ dưới chân, hướng tôi tiến về phía trước, từng bước một. Cảm giác lực nâng rõ hơn khi tôi chạy nước rút hay chạy lên cầu thang. Ngược lại, hệ thống GEMS cũng có thể làm bước chân nặng hơn, như thể bạn đang đi bộ trong bể bơi vậy.
"Với người cao tuổi, bài thể dục tốt nhất là đi bộ. Vì vậy, hệ thống này còn được thiết kế để giúp mọi người tăng cường vận động cơ bắp khi đi bộ", ông Shim nói.
Đối với Samsung, chăm sóc sức khỏe không phải lĩnh vực mới. Giống nhiều đối thủ, họ nhận ra cơ hội trong việc kết hợp giữa y học và công nghệ. Chỉ riêng ngành công nghiệp sản xuất khung hỗ trợ vận động đã có trị giá gần 6 tỷ USD, theo Abi Research.
Ở một góc khác của khu phức hợp SAIT, tôi vào Phòng thí nghiệm chăm sóc sức khỏe di động. Tại đây, nhóm phát triển đang nghiên cứu những ứng dụng để đo huyết áp, chỉ số khó đo hơn nhiều so với nhịp tim. Họ còn phát triển thiết bị đo nồng độ glucose, và cũng không phủ nhận thông tin về thiết bị có thể đo điện tâm đồ (ECG).
Đó không phải những sáng tạo duy nhất của Samsung. Tại C-Lab, trung tâm khởi nghiệp bên trong Samsung, hàng loạt thiết bị khác đang được thai nghén. Đó có thể là chiếc máy in không dùng mực in trực tiếp lên giấy ghi chú, camera tầm nhiệt và tìm người mất tích cho lính cứu hỏa, hay kính tăng cường thị lực cho những người mắt kém.
Đối với CEO Hyun-Suk Kim của C-Lab, trung tâm này đang tạo ra thứ văn hóa khác biệt cho Samsung. Thay vì chỉ làm việc theo một chiều từ trên xuống, C-Lab khuyến khích sự sáng tạo ở tất cả các cấp độ của công ty.
"Đổi mới là công việc của chúng tôi", ông nói. "Lý do Samsung thành công là sự đổi mới".
Nguồn VTC: https://vtc.vn/day-la-noi-tao-ra-tuong-lai-hau-samsung-cua-smartphone-d499775.html