Dạy lái xe, đâu chỉ dạy cầm vô lăng
Kỹ năng lái xe, đạo đức người lái xe là nền tảng mà mỗi người lái xe đều cần phải có trước khi ngồi sau tay lái.
Thông tin về 83 giáo viên tại các trường dạy lái xe ở TP HCM dùng các văn bằng, chứng chỉ giả khiến ai cũng giật mình. Các văn bằng chuyên môn, chứng chỉ sư phạm giả là do các cá nhân giáo viên dạy thực hành tự mua qua mạng, nộp cho cơ sở đào tạo lái xe.
Chỉ riêng Trường Dạy lái xe Thống Nhất (quận 10, TP HCM), mỗi năm đào tạo gần 3.000 học viên, tỷ lệ đậu 90%. Nhưng khi kiểm tra, cơ quan chức năng phát hiện 29/33 giáo viên sử dụng văn bằng, chứng chỉ giả. Một con số khiến ai cũng bức xúc!
Có người cho rằng, các văn bằng, chứng chỉ, như chứng chỉ nghiệp vụ sư phạm chỉ là phụ, quan trọng người thầy phải có kinh nghiệm lái xe, có tay nghề sẽ dạy thực hành tốt. Đây là tư duy hoàn toàn sai lầm.
Bởi lẽ, chắc chắn giáo viên dạy lái xe sẽ không chỉ dạy các học viên của mình về kỹ năng lái xe, cách xử lý tình huống xảy ra trên đường. Họ còn phải có nghiệp vụ về sư phạm theo quy định, có tư cách đạo đức để truyền đạt những điều mà dù pháp luật chưa quy định thì mỗi người lái xe đều phải tuân thủ, ứng xử với mỗi tình huống nhất định phù hợp với văn hóa giao thông chung.
Kỹ năng lái xe, đạo đức người lái xe là nền tảng mà mỗi người lái xe đều cần phải có trước khi ngồi sau tay lái. Bởi, đằng sau tay lái không chỉ là bản thân người lái xe, mà còn là tính mạng của những người tham gia giao thông khác.
Ở một khía cạnh khác, giáo viên dạy lái xe là những người thầy, mà yêu cầu đối với những người thầy trước hết là sự trung thực, không giả dối. Không trung thực, giả dối thì không có đủ tư cách để đi dạy người khác.
Ai dám chắc những học viên từng được 83 giáo viên dùng bằng giả kia giảng dạy, hướng dẫn sẽ không gây ra những vụ tai nạn đáng tiếc? Rồi trong những vụ tai nạn đã xảy ra, liệu thủ phạm có phải là người đã từng theo học 83 giáo viên kia hay không?
Có thể nói, để xảy ra thực trạng trên là do nhiều cơ sở đào tạo dạy lái xe đã buông lỏng việc xác minh. Điều này xuất phát từ nhu cầu người học lái xe tăng, áp lực bổ sung đội ngũ xe tập lái, giáo viên dạy thực hành để tăng lưu lượng đào tạo...
Trong khi đó, các quy định hiện hành không yêu cầu các Sở GTVT xác minh đối với văn bằng, chứng chỉ của giáo viên dạy thực hành lái xe. Việc tuyển dụng và tập huấn do cơ sở dạy lái xe chủ động thực hiện, nên họ phải có trách nhiệm đảm bảo tiêu chuẩn đội ngũ giáo viên dạy thực hành.
Bởi vậy, cần phải xử lý nghiêm việc làm hoặc sử dụng văn bằng giả nói trên để tình trạng này không còn tiếp diễn. Ngoài ra, cơ quan chức năng cần kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các trường thiếu trách nhiệm để lượng lớn giáo viên sử dụng văn bằng giả. Nói gì đi nữa, họ không thể không có trách nhiệm trong việc này.
Chúng ta chắc đã từng nghe thông điệp: “Trước tay lái là sự sống, hãy lái xe bằng cả trái tim”. Người thầy dạy lái xe vì thế không chỉ dạy học viên cầm vô lăng mà còn truyền thông điệp đến học viên lái xe có trách nhiệm, có văn hóa, đạo đức nữa.
Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/day-lai-xe-dau-chi-day-cam-vo-lang-d456688.html