Dạy lịch sử bằng di sản
Hoàng thành Thăng Long là một trong những nơi hữu ích để dạy cho học sinh các lứa tuổi về lịch sử, nhất là trong điều kiện có khá nhiều di vật, tư liệu sống động về nhiều thời kỳ. Nhiệm vụ giảng dạy bên ngoài nhà trường này đã được các cán bộ, nhân viên của Trung tâm bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long phối hợp khá tốt với nhiều trường học tại Hà Nội, ở các cấp học khác nhau.
NDĐT – Hoàng thành Thăng Long là một trong những nơi hữu ích để dạy cho học sinh các lứa tuổi về lịch sử, nhất là trong điều kiện có khá nhiều di vật, tư liệu sống động về nhiều thời kỳ. Nhiệm vụ giảng dạy bên ngoài nhà trường này đã được các cán bộ, nhân viên của Trung tâm bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long phối hợp khá tốt với nhiều trường học tại Hà Nội, ở các cấp học khác nhau.
Để những bài học không “khô như ngói”
Khác với học tập trong trường, học tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long về những dữ liệu lịch sử đối với học sinh từ cấp tiểu học đến THPT khó hơn nhiều. Trên lớp giáo viên chỉ cần soạn bài theo giáo án, theo chương trình, và giảng dạy theo sách giáo khoa. Còn ở ngoài thực địa, các cô chú cán bộ, nhân viên của Trung tâm phải xây dựng chương trình sao cho đầy đủ kiến thức đối với một nội dung nào đó, lại phải hấp dẫn, sinh động và gắn với những hoạt động thực tế dành cho các bạn nhỏ đang ở tuổi thừa năng lượng, ưa tìm hiểu này.
Các chuyên đề giáo dục lịch sử đã được các phòng, ban chuyên môn của Trung tâm xây dựng phù hợp với từng cấp học, gắn các bài học lịch sử vào chương trình tìm hiểu di sản, với các chủ đề như: Kể chuyện Hoàng thành Thăng Long; Lịch sử triều Lý, Trần, Lê; Nhân vật sự kiện: Hai vị Tổng đốc Thành Hà Nội; Di tích cách mạng chống Mỹ cứu nước trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long; Khám phá lịch sử thành - hào Cổ Loa, kiến trúc Thành Cổ Loa...
Bài học của các em cũng có cả các bộ tài liệu, bảng hỏi, phiếu hoạt động cụ thể, kèm slide sinh động, gắn với chương trình Em làm nhà khảo cổ, Em tìm hiểu Di sản và các chuyên đề giáo dục ở cả hai khu di tích để các em học tập, tìm hiểu và tiếp thu các kiến thức một cách chủ động, sáng tạo.
Ngoài ra, theo Trung tâm, sức hấp dẫn lớn nhất nằm ở các sự kiện mà Trung tâm tổ chức hằng năm như Tết Việt, Tết Đoan Ngọ, Vui tết Trung Thu, Thi Đình, triển lãm Trò chơi dân gian Việt Nam... Những chương trình này không chỉ thu hút đông đảo khách tham quan mà còn có sức hấp dẫn lớn với nhiều em nhỏ, cũng như các đoàn học sinh của các trường phổ thông tại Hà Nội đến tham quan, đặc biệt là tại những khu vực tương tác và trải nghiệm dành riêng cho học sinh các cấp. Các em có thể tự mình tham gia nhiều hoạt động tương tác như tô tranh dân gian, vẽ gốm, in tranh dân gian, dập hoa văn hiện vật, dán quạt, làm diều, viết thư pháp, đào khảo cổ, làm bỏng, đóng xôi oản lá mít, bắn nỏ..., vừa thỏa thích sáng tạo, vừa rèn luyện sự khéo léo, chăm chỉ.
Không chỉ xây dựng chương trình suông, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học tên tuổi như GS Lê Văn Lan, GS. TS Trịnh Sinh, PGS. TS Tống Trung Tín… cùng các nghệ nhân như Nghệ nhân Lân Tuyết, Ánh Tuyết..., cũng đã được mời đến cố vấn, trò chuyện, giao lưu cùng các em nhỏ.
Những phản hồi tích cực
Sau một năm thực hiện, dự án này đã cho thấy những phản hồi rất tích cực từ phía nhà trường và các phụ huynh. Trong năm học 2018 - 2019, đã có 19.086 học sinh tham gia chương trình giáo dục di sản tại Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa (trong đó tại Hoàng thành Thăng Long là 17.847 em và tại Cổ Loa là 1239 em). Bên cạnh đó số lượng học sinh tham quan tự do cũng rất đông, ở cả hai khu di tích là khoảng gần 100.000 em.
Bà Hoàng Thanh Thủy, Hiệu trường trường THCS Nguyễn Trường Tộ, một trong những trường hợp tác với Trung tâm bảo tồn di sản Hoàng thành Thăng Long trong năm học 2018-2019 cho biết, trong năm học vừa qua, nhà trường đã lồng ghép nội dung giáo dục và tham quan di sản Hoàng thành Thăng Long vào nhiều môn học cũng như hoạt động của học sinh. Chẳng hạn như tham quan tìm hiểu Hoàng thành Thăng Long cho học sinh khối 6,7,8, dâng hương, tham quan, kết nạp Đoàn viên tại Hoàng Thành với khối 9, tham gia các hoạt động như vẽ quạt giấy, in tranh, trò chơi dân gian, xin chữ, chụp ảnh lưu niệm , ảnh kỷ yếu cuối cấp…tại di sản.
Trường cũng tổ chức một số cuộc thi vẽ tranh về chủ đề “ Thủ đô em yêu”, “ Các di sản của Hà Nội”, đưa các đề tài trang trí hoa văn thời Lý, Trần, tranh dân gian…. vào các tiết mỹ thuật. Một số hoạt động ngoại khóa của trường như Lễ hội bánh chưng, Hội Chợ quê, tọa đàm lịch sử, giao lưu với các nhà nghiên cứu, GS sử học… đều sử dụng các áp phích, tranh vẽ, tư liệu hoặc lồng ghép nội dung liên quan đến di sản….
Ông Nguyễn Xuân Lý, đại diện trường THPT Tân Lập, Đan Phượng cho bíet, các chương trình giáo dục gắn với di sản của Trung tâm đã góp phần lan tỏa thông điệp bảo vệ di sản trong cộng đồng. Đối với trường THPT Tân Lập, từ đầu năm nhà trường đã lên kế hoạch tham gia các chương trình giáo dục tại các di tích, trong đó có Hoàng thành Thăng Long.
Còn bà Nguyễn Thị Vân Trang, Hiệu trưởng trường phổ thông liên cấp Ngôi sao cho biết, chương trình giáo dục gắn với di sản đã góp phần giúp các em tìm hiểu di sản, lịch sử, góp phần tăng cường mối liên kết giữa di sản với nhà trường, với gia đình và nâng cao trách nhiệm của cộng đồng với di sản, và cũng bao hàm cả thông điệp bảo vệ di sản gửi tới tương lai.
Mong muốn chung của các thầy cô là Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long tăng thêm các buổi trao đổi sau các chương trình tham quan để củng cố kiến thức, kéo dài thời gian tham quan hơn, thêm các chương trình trò chơi, tương tác để tăng sức hấp dẫn với trẻ nhỏ… Và nhiều thầy cô cũng bày tỏ mong mỏi những di tích lịch sử khác của Hà Nội cũng xây dựng các chương trình tương tự để các em có thêm nhiều thông tin, kiến thức hữu ích cho môn học của mình.
Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/41752602-day-lich-su-bang-di-san.html