Dạy liên kết ngoại ngữ trong trường công: Thiếu cơ chế giám sát chặt chẽ?

Một trường mầm non để được thành lập đòi hỏi đủ thủ tục giấy tờ liên quan đến cơ sở vật chất, giáo viên, hiệu trưởng, chủ trường nhưng người điều hành các công ty liên kết ngoại ngữ, những đơn vị thao túng thị trường dạy liên kết tại hàng trăm trường lại không có yêu cầu gì về mặt chuyên môn.

Bài học nhãn tiền

Dạy học liên kết trong trường công đang là chủ đề nóng gây tranh cãi, đặc biệt là việc đưa giáo viên nước ngoài vào dạy trong trường công. Làm sao để đảm bảo chất lượng giảng dạy và chuẩn mực giáo viên là điều mà phụ huynh cùng cả xã hội quan tâm. Tình trạng thật giả lẫn lộn, giáo viên nước ngoài không đủ bằng cấp theo quy định vẫn vào các trường công giảng dạy là điều gây nên bức xúc trong xã hội.

Đơn cử, tại Nghệ An, mới đây Sở GD&ĐT Nghệ An đã công bố tên 10 trung tâm vi phạm và buộc dừng hoạt động liên kết dạy chương trình tiếng Anh tăng cường trong trường học. Lý do, vừa qua Sở đã thành lập tổ thẩm định để rà soát và yêu cầu các trung tâm phải cung cấp đầy đủ các chứng chỉ quốc tế, văn bản gốc theo quy định đối với giáo viên dạy liên kết ngoại ngữ. Kết quả, có 10 trung tâm cung cấp bản scan nhưng không có bản gốc. Do đó, Sở đã yêu cầu những đơn vị này dừng việc liên kết dạy tiếng Anh tăng cường trong các trường.

Trong khi đó, tại Thanh Hóa, một nữ giám đốc đã bị bắt vì làm giả hồ sơ, tài liệu để làm thủ tục mời, bảo lãnh, đề nghị cấp giấy phép lao động và cấp thẻ tạm trú cho 30 người nước ngoài nhập cảnh và ở lại Việt Nam trái phép. Điều đáng bàn, những cá nhân này sau khi nhập cảnh vào Việt Nam đã tham gia giảng dạy ngoại ngữ tại các trung tâm và trong các trường học.

Thực tế cho thấy, công tác quản lý, giám sát dạy liên kết ngoại ngữ không được siết chặt nên tình trạng sai phạm trong giảng dạy chưa được phát hiện kịp thời. Các tiết dạy gần như được “thả nổi” thiếu sự giám sát, chính vì vậy, những sai phạm vừa qua được phát hiện tại Nghệ An, Thanh Hóa chỉ là hạt cát nhỏ.

Vừa đá bóng vừa thổi còi

Câu hỏi đặt ra lúc này, có nên đặt niềm tin vào nhà trường trong việc giám sát quản lý việc dạy liên kết ngoại ngữ. Hay cần có một cơ chế khác chặt chẽ hơn. Bởi, tình trạng vừa đá bóng, vừa thổi còi trong quản lý dạy học liên kết ngoại ngữ dẫn đến thực trạng bao che, dung túng cho cái sai. Thậm chí, lãnh đạo nhà trường còn được trích % tiền thù lao quản lý từ việc dạy thêm liên kết, vậy họ có đủ dũng cảm để tố sai phạm xảy ra trong chính nhà trường của mình.

Anh Trần Trung Dũng ở Bắc Từ Liêm cho rằng, việc chèn thời khóa biểu dạy liên kết ngoại ngữ vào giờ chính khóa là sai, vậy mà các nhà trường vẫn làm. Điều này cho thấy việc tổ chức dạy liên kết ngoại ngữ rất khó để đặt niềm tin vào sự công minh của lãnh đạo các nhà trường.

Việc xếp các tiết liên kết chèn vào các tiết dạy chính khóa là hoàn toàn sai quy định, vì chương trình giáo dục phổ thông hiện nay quy định rất rõ, học sinh được học 2 buổi/ngày, mỗi ngày 7 tiết. Không những thế, nếu xếp chèn các môn liên kết vào tiết chính khóa thì sẽ rất khó thực hiện vì những học sinh không đăng ký học lẽ ra phải được ngồi lại chính lớp học của mình, thì có thể phải ra ngoài” - phụ huynh này phân tích.

Hiện nay, việc dạy liên kết ngoại ngữ không dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ ở từng nhà trường mà có những đơn vị đã phát triển lên quy mô rất lớn khi liên kết với hàng trăm trường, đơn cử như đơn vị Ismart, Tiếng Anh Bình Minh. Với quy mô như vậy, các đơn vị này phải trực tiếp điều hành hàng nghìn giáo viên và hàng trăm nghìn học sinh. Khoán trắng cho các trung tâm này đào tạo, đánh giá học sinh liệu có đảm bảo là vấn đề đặt ra lúc này.

Trong khi việc dạy học và đánh giá học sinh là điều không hề đơn giản, đòi hỏi người lãnh đạo phải có chuyên môn, nghiệp vụ. Đối với những đối tác tham gia giảng dạy tại hàng trăm trường với đủ các cấp học từ mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở với nhiều chương trình khác nhau thì việc quản lý chắc chắn là thách thức lớn.

Dư luận có quyền đặt câu hỏi liệu các nhà quản lý của các trung tâm liên kết dạy học trong nhà trường có xuất thân từ nhà giáo hay chỉ là tay ngang, không được đào tạo chính quy trong môi trường sư phạm mà chỉ là những cá nhân xuất thân từ các trường mang tính thương mại, kinh doanh. Nếu không có chuyên môn sư phạm thì làm sao chỉ đạo, điều hành trong việc tổ chức dạy học và đánh giá học sinh” - anh Trần Trung Dũng thắc mắc.

 Dạy học liên kết cần giám sát chặt chẽ, tránh bị thao túng, bắt tay rồi buông lỏng quản lý.

Dạy học liên kết cần giám sát chặt chẽ, tránh bị thao túng, bắt tay rồi buông lỏng quản lý.

Cần công khai, minh bạch

Trước nhiều vấn đề dư luận đặt ra, phóng viên Báo Nhà báo & Công luận đã trao đổi với bà Bùi Thị An (Nguyên Đại biểu Quốc hội). Bà An cho rằng, trước hết chất lượng của dạy liên kết ngoại ngữ trách nhiệm chính là của hiệu trưởng và lãnh đạo các nhà trường. “Nếu phát hiện sai phạm thì phải kỷ luật hiệu trưởng” - Bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Theo bà Bùi Thị An, cần phải đánh giá toàn diện về dạy liên kết ngoại ngữ, trước hết có cần thiết hay không và cách thức dạy học như thế nào phù hợp. Tại sao phải ký hợp đồng với công ty bên ngoài, câu hỏi này phải được trả lời rõ ràng, minh bạch. Có phải giáo viên mình thiếu hay yếu chất lượng. Nếu tiếp tục hiện tượng này, các cơ quan chức năng cần vào cuộc. “Vấn đề giáo dục là vấn đề quốc sách, chất lượng giáo dục ảnh hưởng đến nguồn nhân lực sau này nên phải quản lý rất chặt” - Bà Bùi Thị An nhấn mạnh.

Bà Bùi Thị An cho rằng, cần xem lại các đơn vị tổ chức dạy học liên kết có đủ điều kiện không. Những đơn vị liên kết với hàng trăm trường càng phải giám sát chặt. Cần làm rõ chất lượng của các đơn vị liên kết. “Chuyên môn của giáo viên như nào, tư cách đạo đức của họ ra sao, liệu có vấn đề gì đằng sau các hợp đồng liên kết, có chuyện không lành mạnh đằng sau sự bắt tay của nhà trường và các đơn vị liên kết không” - Bà Bùi Thị An đặt câu hỏi.

Bà Bùi Thị An còn cho rằng, các nhà trường cần công khai, minh bạch đơn vị mình lựa chọn, công khai hồ sơ của đơn vị đó lên website của nhà trường để phụ huynh và xã hội giám sát. “Việc các nhà trường giấu thông tin, không công khai lên hệ thống website là cần chấn chỉnh. Bởi, nhiều vấn đề phức tạp mà một mình nhà trường chưa hẳn đã nắm và quản lý tốt. Sự giám sát của toàn xã hội sẽ giúp nhà trường thực hiện tốt hơn trách nhiệm quản lý của mình” - vị này nêu ý kiến.

Như vậy, có thể thấy xung quanh việc quản lý việc dạy học liên kết, trong đó có liên kết ngoại ngữ đang có nhiều vấn đề cần thiết phải được mổ xẻ, đặc biệt là vấn đề quản lý, giám sát việc thực hiện giảng dạy, đánh giá chất lượng giảng dạy. Số tiền phụ huynh bỏ ra cho việc học liên kết lớn hơn gấp nhiều lần với học chính khóa. Tuy nhiên, cái mà học sinh nhận được là chất lượng thì đang rất mơ hồ. Thậm chí, nhiều phụ huynh đăng ký cho con theo học chỉ là chiều lòng giáo viên chủ nhiệm và nhà trường. Do vậy, siết chặt quản lý hoạt động liên kết ngoại ngữ là điều cần làm trong bối cảnh hiện nay.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/day-lien-ket-ngoai-ngu-trong-truong-cong-thieu-co-che-giam-sat-chat-che-post269988.html