Đẩy lùi bạo lực gia đình

Hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) các cấp đã và đang có nhiều hoạt động để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) trên cơ sở giới, các hoạt động vì phụ nữ yếu thế.

 Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Huế chia sẻ những nguyên nhân gây nên bạo lực gia đình trong thời gian gần đây

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân TP. Huế chia sẻ những nguyên nhân gây nên bạo lực gia đình trong thời gian gần đây

Kịp thời vào cuộc

Chị M.T, xã Phong Hiền, huyện Phong Điền, sinh được hai con gái. Cũng chính vì lý do đó mà chồng chị thường xuyên say xỉn và đánh đập chị. Sau khi nắm được thông tin, Hội LHPN xã đã kịp thời vào cuộc, tuyên truyền và yêu cầu chồng chị M.T chấm dứt việc hành hung vợ con.

“Sợ xấu hổ với mọi người nên tôi đành cam chịu. Sau khi nắm được kiến thức về pháp luật, được cán bộ hội động viên, tôi đã mạnh dạn phản kháng. Cũng nhờ đó mà chồng tôi cam kết không gây ra BLGĐ nữa, tu chí làm ăn”, chị M.T, cho biết.

Bà Nguyễn Thị Tâm, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Phong Hiền cho biết: Giải quyết các vụ việc liên quan đến BLGĐ, cần phải vừa mềm vừa cứng. Bên cạnh việc chỉ ra cái sai, dùng lý lẽ, kiến thức pháp luật để răn đe những người gây ra bạo lực, chúng tôi cũng nhẹ nhàng khuyên răn, tâm tình để họ hiểu được cái sai và chấm dứt hoàn toàn cái sai đó. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động liên quan tới xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con ngoan để thu hút hội viên, chồng con hội viên cùng tham gia.

Sau khi được Hội LHPN tỉnh “giải cứu” vì bị chồng đánh đập và được đưa về Trung tâm Công tác xã hội và Quỹ bảo trợ trẻ em, chị C. ở Quảng Điền đã dần phục hồi. Trong thời gian chị lánh nạn ở đây, hội LHPN các cấp phối hợp với cơ quan chức năng gặp gỡ chồng chị để khuyên nhủ và có hướng giải quyết thỏa đáng. Nhận thấy cái sai của mình, chồng chị C. đã cam kết chấm dứt hoàn toàn việc bạo hành đối với chị và đón chị về nhà. Đến nay, hai vợ chồng chị C. đã sống hòa thuận và không còn xảy ra tình trạng BLGĐ.

 Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ về thực trạng BLGĐ và một số mô hình phòng, chống BLGĐ hiệu quả trên địa bàn tỉnh

Đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao chia sẻ về thực trạng BLGĐ và một số mô hình phòng, chống BLGĐ hiệu quả trên địa bàn tỉnh

Cùng chung tay

Để công tác phòng, chống BLGĐ được hiệu quả, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các ban, ngành liên quan triển khai đồng bộ nhiều hình thức, cách làm hay. Các nhóm phòng, chống bạo lực gia đình ở cơ sở cũng được thành lập. Mỗi nhóm từ 3 - 5 thành viên, bao gồm trưởng thôn/tổ, công an viên, thành viên tổ tự quản, cán bộ hội LHPN, cán bộ hội cựu chiến binh, đoàn thanh niên, nhân viên y tá cấp thôn, tổ. Nhóm phòng, chống BLGĐ do UBND cấp xã ra quyết định thành lập, đồng thời ban hành quy chế hoạt động của nhóm phòng, chống BLGĐ đảm bảo tính hợp pháp, hợp lý. Thiết lập đường dây nóng để đảm bảo việc thông tin liên lạc giữa nạn nhân và các thành viên nhóm phòng, chống BLGĐ khi có vụ việc xảy ra.

Việc xây dựng mô hình phòng, chống BLGĐ tại các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được triển khai, nhân rộng mang lại hiệu quả tích cực, góp phần giảm thiểu tình trạng BLGĐ. Hiện, có 21 mô hình phòng, chống BLGĐ, ngoài ra, còn có 179 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững; 287 nhóm phòng, chống BLGĐ; 680 địa chỉ tin cậy ở cộng đồng và 267 đường dây nóng triển khai hoạt động tại các tổ dân phố với sự tham gia tích cực của Nhân dân, cán bộ cấp thôn, xã bảo vệ nạn nhân, kịp thời hòa giải đối với các vụ việc có phát sinh mâu thuẫn nhằm hạn chế những xung đột có thể dẫn đến BLGĐ.

Nhiều trường hợp có biểu hiện dễ dẫn đến bạo lực đã được các thành viên trong câu lạc bộ, nhóm phòng, chống BLGĐ phát hiện, tuyên truyền, vận động, giải thích và nhắc nhở kịp thời. Ngoài việc phát huy hiệu quả trong can thiệp, hỗ trợ, hòa giải kịp thời khi có vụ việc xảy ra, các mô hình phòng, chống BLGĐ còn đổi mới hình thức sinh hoạt, thu hút các thành viên tham gia, duy trì hoạt động hiệu quả, góp phần xây dựng gia đình tiến bộ, hạnh phúc, đảm bảo an ninh trật tự ở các địa phương.

Bà Hoàng Thị Phương Hiền, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Các biện pháp phòng, chống, phê phán, lên án hành vi BLGĐ đã và đang triển khai ở cộng đồng ngày càng phát huy hiệu quả. Số vụ bạo lực gia đình có xu hướng giảm, nhận thức của người dân đang dần thay đổi theo hướng tích cực, phụ nữ được trang bị kiến thức và cũng ý thức hơn về việc tự bảo vệ bản thân trước vấn nạn BLGĐ.

Hội LHPN tỉnh tích cực phối hợp với các ban, ngành để đẩy mạnh truyền thông nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi về phòng, chống BLGĐ trên cơ sở giới, các hoạt động vì phụ nữ yếu thế. Tổ chức nhiều hội thi, diễn đàn ý nghĩa với hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú nhằm cung cấp kiến thức, kỹ năng tổ chức cuộc sống gia đình, giáo dục tiền hôn nhân, nuôi dạy con, tuyên truyền chính sách dân số, mất cân bằng giới tính khi sinh, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em…

Với sự lan tỏa tích cực của công tác tuyên truyền xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh và sự đa dạng của các hình thức truyền thông phòng, chống BLGĐ, năm 2023, toàn tỉnh có 37 vụ bạo lực gia đình xảy ra ở 34 hộ được phát hiện (giảm 12 vụ so với năm 2022). Nạn nhân bị BLGĐ chủ yếu là nữ 28/37 người.

Bài, ảnh: Thảo Vy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/chinh-tri-xa-hoi/an-sinh-xa-hoi/day-lui-bao-luc-gia-dinh-146090.html