Đẩy lùi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tỉnh Cao Bằng
Sau hai năm thực hiện Tiểu dự án 2 Dự án 9 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tỉnh Cao Bằng đã có chuyển biến tích cực.
Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2015 - 2023, toàn tỉnh có 2.060 cặp tảo hôn, chiếm 6,62%, trong đó 994 cặp tảo hôn cả vợ, chồng; 35 cặp hôn nhân cận huyết thống, chiếm 0,11%. Tảo hôn chủ yếu xảy ra vùng đồng bào dân tộc Mông, Dao, Nùng, Tày, Sán Chỉ, Lô Lô. Tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống để lại những hệ lụy nghiêm trọng đến giống nòi, đời sống và sức khỏe. Tuy nhiên, sau hơn 2 năm thực hiện Tiểu dự án 2 Dự án 9 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS và miền núi và tổ chức thí điểm mô hình “Phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống” tại xã Thanh Long, huyện Hà Quảng thành công, đến nay tỉnh Cao Bằng đã nhân rộng ra 6 huyện. Để triển khai hiệu quả các huyện, thành phố trong tỉnh đã lồng ghép triển khai thực hiện đề án theo kế hoạch của tỉnh như xây dựng 4 mô hình tại các xã, các huyện có nhiều nguy cơ xảy ra tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Với mục tiêu chung của Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS”, tỉnh Cao Bằng phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng DTTS.
Để thực hiện tốt Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS”, các huyện cũng đã tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tư vấn tại các xóm, xã, các trường PTDT nội trú trên địa bàn tỉnh; cung cấp sổ tay tuyên truyền cho thành viên Ban chỉ đạo cấp huyện, xã, tổ tư vấn tại các xóm. Hiện nay, toàn tỉnh đã hoàn thành 6 cụm panô và đang triển khai xây dựng 18 panô tuyên truyền giảm thiểu tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống tại các huyện trên địa bàn tỉnh. Cấp phát 20.080 tờ rơi tuyên truyền, trong đó có 2.080 tờ phiên dịch bằng tiếng Mông, Dao. Bên cạnh đó, tư vấn về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được 34 vụ, can thiệp hoãn cưới được 16 vụ. Công tác tập huấn, bồi dưỡng, công tác kiểm tra, giám sát thường xuyên thực hiện ở các cấp.
Góp phần giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cũng đưa ra nhiều giải pháp, trong đó đẩy mạnh tập huấn, nâng cao nhận thức cho người dân. Đặc biệt, căn cứ Kế hoạch số 331/KH-BDT ngày 27/03/2023 của Ban Dân tộc tỉnh về thực hiện Tiểu dự án 2 về giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi thuộc Dự án 9 trong Chương trình Mục tiêu quốc gia theo quyết định số 1719/QĐ-TTg năm 2023, Ban Dân tộc tỉnh đã xây dựng kế hoạch tổ chức hội nghị tập huấn tuyên truyền về công tác giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh Cao Bằng năm 2023.
Trao đổi về vấn đề này, ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng cho biết, mục đích của tập huấn nhằm bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác dân tộc, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật tại địa phương nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại những nơi có nguy cơ cao xảy ra tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Cao Bằng. Việc này cũng góp phần chuyển đổi nhận thức, hành vi trong hôn nhân của đồng bào DTTS. Các nội dung tập huấn phù hợp với đối tượng tham gia, phù hợp phong tục tập quán, văn hóa truyền thống trong đời sống xã hội của đồng bào DTTS của địa phương.
“Thời gian tới, tỉnh Cao Bằng tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật liên quan đến hôn nhân gia đình, tảo hôn và kết hôn ở trẻ em; làm rõ những hậu quả, tác hại và hệ lụy do vấn nạn này gây ra. Cùng với đó, tỉnh Cao Bằng sẽ thực hiện có hiệu quả các dự án trong Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, giai đoạn 2021 - 2025, góp phần nâng cao đời sống, kinh tế - xã hội, hạ tầng cơ sở vùng đồng bào DTTS; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và thực thi nghiêm minh theo pháp luật trong công tác phòng, chống nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống”, ông Bế Văn Hùng chia sẻ.