Đẩy lùi thực phẩm bẩn

Câu chuyện vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn còn diễn biến phức tạp và ngày càng khó kiểm soát. Bên cạnh việc siết chặt quản lý, ngăn chặn và đẩy lùi thực phẩm bẩn, thực phẩm không rõ nguồn gốc của lực lượng chức năng, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ sở sản xuất, kinh doanh chính đáng và chính người tiêu dùng.

Vi phạm gia tăng

Thời gian qua, tình trạng đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu, sản xuất, chế biến; kinh doanh, vận chuyển, tàng trữ tôm, các sản phẩm tôm có chứa tạp chất trở thành "vấn nạn" khá phức tạp trên địa bàn các tỉnh, thành phố trong cả nước. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý nhiều vụ việc về các hoạt động vi phạm trên tại một số địa bàn trọng điểm các tỉnh, thành phố ven biển và biên giới. Trước thực trạng này, Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389 quốc gia) vừa có công văn 18/BCĐ 389-VPTT về việc tăng cường kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh tôm có tạp chất.

Lực lượng QLTT vận động người dân tham gia giám sát kinh doanh thực phẩm

Lực lượng QLTT vận động người dân tham gia giám sát kinh doanh thực phẩm

Chỉ tính riêng từ đầu tháng 7, nhiều trường hợp vi phạm liên quan đến thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ đã bị lực lượng Quản lý thị trường (QLTT) các địa phương phát hiện, xử lý. Đơn cử, đầu tháng 7, lực lượng chức năng tỉnh Bình Phước đã thu giữ hơn 1 tấn trái cây nhập lậu từ nước ngoài, bao gồm các loại: đào, lê, táo, nho, cam, me, mận không có hóa đơn, chứng từ với trị giá gần 50 triệu đồng. Đoàn kiểm tra đã tiến hành xử phạt và tiêu hủy theo quy định. Mới đây Cục QLTT tỉnh Quảng Nam đã phát hiện và thu giữ 10 tấn (200 bao) đường kính trắng do nước ngoài sản xuất và 500 kg (10 bao) nếp không rõ xuất xứ tại một cơ sở buôn bán nông sản, thực phẩm trên địa bàn tỉnh. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở không xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa.

Siết chặt quản lý

Ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) khẳng định: "An toàn thực phẩm là vấn đề được cả hệ thống chính trị quan tâm vì ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người dân. Vì thế, việc bảo đảm chất lượng thực phẩm là công việc thường xuyên, lâu dài của các bộ, ngành, nhiều lực lượng chức năng và của toàn xã hội".

Bên cạnh việc kiểm tra, kiểm soát và xử lý vi phạm, lực lượng QLTT phối hợp với chính quyền địa phương tuyên truyền nâng cao nhận thức cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, tác hại của việc sử dụng thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm an toàn thực phẩm, không vì lợi ích cá nhân trước mắt mà gây hại cho người dân và cả nền kinh tế.

Tổng cục QLTT cũng chỉ đạo các Cục QLTT địa phương vận động nhân dân tham gia giám sát, phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không đảm bảo an toàn để kịp thời xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Đồng thời, lực lượng chức năng cũng sẽ tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong thanh tra, kiểm tra nhằm bảo đảm xử lý kịp thời, minh bạch các vụ việc vi phạm về an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và tạo lòng tin cho người tiêu dùng.

Hiện Bộ Công Thương đang trong quá trình hoàn thiện hệ thống thông tin an toàn thực phẩm quốc gia phân ngành Công Thương nhằm cung cấp những thông tin mở, tin cậy, cập nhật về an toàn thực phẩm để phục vụ yêu cầu công tác quản lý nhà nước của ngành Công Thương trên cả nước.

Nguyễn Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/day-lui-thuc-pham-ban-122398.html