Đẩy lùi tín dụng 'đen' bằng tài chính tiêu dùng chính thống
Là một kênh vốn chính thống, tín dụng tiêu dùng của các công ty tài chính được Ngân hàng Nhà nước cấp phép đã và đang góp phần đẩy lùi tín dụng 'đen', khẳng định được vai trò trong sự phát triển chung của thị trường tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam.
Từ chủ trương đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng chính thức
Theo ông Nguyễn Thành Phúc, Phó tổng giám đốc FE Credit, hiện nay, tín dụng “đen” nở rộ bằng nhiều hình thức tinh vi, đặc biệt chúng hoạt động dưới vỏ bọc là các công ty công nghệ phát triển các ứng dụng (app) cho vay. Nhiều người muốn vay các công ty tài chính chính thống qua app nhưng không thể phân biệt đâu là app cho vay uy tín.
“Do hoạt động cho vay được thực hiện qua ứng dụng nên rất khó để quản lý, kiểm soát và điều này gây ảnh hưởng đến các công ty tài chính chính thống. Nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến những biến tướng khó lường, tạo kẽ hở cho tín dụng ‘đen’ phát triển”, ông Phúc nhấn mạnh.
Lâu nay, tín dụng “đen” cũng như hoạt động không lành mạnh của các tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính không do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cấp phép đã để lại nhiều hệ lụy, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng tới hoạt động kinh doanh, tới uy tín của các công ty tài chính tiêu dùng chính thống.
Mặt khác, có nhiều người hiểu lầm rằng, công ty tài chính nào cũng được phép cho vay tiêu dùng, nhưng theo quy định hiện hành, chỉ công ty được NHNN cấp phép mới được cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng. Tuy nhiên, trên thực tế, không ít công ty tài chính bất chấp vi phạm pháp luật vẫn thực hiện cho vay và để lại nhiều hệ lụy.
Để hạn chế tình trạng trên, NHNN đã coi việc phát triển tài chính tiêu dùng là một trong những chủ trương lớn trong hoạt động của hệ thống ngân hàng. Phó thống đốc thường trực Đào Minh Tú cho hay, NHNN đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động tài chính tiêu dùng. Hệ thống khuôn khổ pháp lý về cho vay nói chung và tài chính tiêu dùng nói riêng được NHNN hoàn thiện, bổ sung phù hợp với đặc thù cho vay tiêu dùng, tạo điều kiện phát triển hoạt động này an toàn, lành mạnh.
Nhờ đó, tín dụng tiêu dùng của công ty tài chính chính thống đã tiếp cận được nhóm khách hàng “yếu thế” - là những người khó hoặc chưa tiếp cận được tín dụng ngân hàng, lịch sử tín dụng hạn chế, mức thu nhập trung bình hoặc thấp, kém ổn định, không có tài sản đảm bảo…, góp phần mở rộng khả năng tiếp cận tín dụng của khách hàng ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa; hạn chế tình trạng tín dụng “đen”, cho vay nặng lãi ở các địa bàn này, qua đó thực hiện chiến lược tài chính toàn diện, ổn định kinh tế, công bằng xã hội.
Tính đến nay, có 16 công ty tài chính được NHNN cấp phép hoạt động với 17 chi nhánh, 41 văn phòng đại diện và 74.000 điểm giới thiệu dịch vụ, phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng trên toàn quốc. Cuối năm 2022, dư nợ cho vay tiêu dùng của các công ty tài chính tiêu dùng đạt hơn 220.000 tỷ đồng, chiếm 8,5% dư nợ cho vay tiêu dùng của hệ thống và chiếm gần 1,9% dư nợ toàn nền kinh tế.
Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, phạm vi và quy mô hoạt động còn hạn chế…, dẫn đến chưa phát huy đầy đủ vai trò của loại hình tổ chức tín dụng chuyên biệt này.
“Phát triển tín dụng tiêu dùng là xu hướng tất yếu, song phải đảm bảo được sự lành mạnh, công bằng, minh bạch để bên đi vay cũng như bên cho vay luôn được an toàn”, ông Tú nhấn mạnh.
Ông Đinh Dũng Sỹ, Vụ trưởng Vụ Pháp luật, Văn phòng Chính phủ cho rằng, phát triển được tín dụng tiêu dùng chính thống thì tín dụng “đen” sẽ không còn đất để hoành hành và để hình thức cho vay chính thống này đến được với người yếu thế trong xã hội, điều quan trọng nhất là không cần cầm cố, thế chấp tài sản, còn cho vay bằng cách nào, kỹ thuật hay công nghệ gì… thì các công ty phải tự thiết kế sản phẩm cho phù hợp.
“Chẳng hạn, tại Đức, họ thành lập các tổ/hợp tác xã vay vốn để thúc đẩy cho vay tiêu dùng, cùng chịu trách nhiệm liên đới đến khoản vay của tất cả thành viên trong tổ/hợp tác xã vay vốn nên đảm bảo an toàn vốn, tỷ lệ nợ xấu thấp...”, ông Sỹ nói.
Trong quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, tài chính tiêu dùng là một nội dung quan trọng để thực hiện Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Rõ ràng, đây là chủ trương, giải pháp để giải quyết bài toán xóa đói, giảm nghèo của đất nước. Có thể nói, tài chính tiêu dùng có ý nghĩa nhân văn, ý nghĩa xã hội rất lớn.
Làm sao phân biệt công ty tài chính chính thống?
Chỉ công ty tài chính được NHNN cấp phép mới được cung cấp dịch vụ cho vay tiêu dùng.
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Trưởng đại diện Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tại TP.HCM cho rằng, để thúc đẩy cho vay tiêu dùng chính thống, hạn chế tín dụng “đen”, bên cạnh mở rộng quy mô, số lượng…, cũng cần tăng cường công tác tuyên truyền để tăng mức độ nhận diện công ty tài chính tiêu dùng chính thống.
“Cần công bố rộng rãi danh sách các doanh nghiệp tín dụng tiêu dùng được cấp phép; tăng cường truyền thông về nghĩa vụ người đi vay, về rủi ro trả nợ không đúng hạn… để người dân nắm bắt và có niềm tin hơn; các công ty tài chính nên đẩy mạnh hơn nữa việc quảng bá hình ảnh, các sản phẩm, dịch vụ chính thống, hợp pháp để gia tăng sự nhận diện thương hiệu…”, ông Minh khuyến nghị.
Luật sư Trương Thanh Đức, Giám đốc Công ty Luật ANVI cho biết, tính đến nay, mới có 16 công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép và thông tin này được đăng tải trên website của NHNN, nếu là hoạt động cầm đồ thì có thì có 2 loại giấy phép gồm giấy đăng ký kinh doanh và giấy phép của cơ quan công an. Trong khi đó, trên thực tế, có hàng ngàn công ty tài chính cung cấp các loại dịch vụ tài chính từ cho vay, cầm đồ đến cho thuê tài chính… mà chưa được quản lý, kiểm soát chặt chẽ, nên dễ dẫn đến hiểu lầm về hoạt động cho vay tiêu dùng chính thống. Về tên gọi doanh nghiệp, công ty tài chính luôn có tên gọi là công ty tài chính và hiện tại, chỉ 16 công ty tài chính được cấp phép là được dùng tên gọi này, còn các công ty tài chính khác đều vi phạm.
“Bất kỳ tổ chức nào không được NHNN cấp phép mà sử dụng cụm từ công ty tài chính, hoặc các cụm từ, thuật ngữ khác trong tên của tổ chức, chức danh, hoặc trong các phần phụ thêm của tên, chức danh, hoặc trong giấy tờ giao dịch, chương trình quảng cáo… nếu sử dụng cụm từ, thuật ngữ có thể gây nhầm lẫn cho khách hàng về việc tổ chức của mình là một tổ chức tín dụng là vi phạm Điều 5, Luật Các tổ chức tín dụng quy định về sử dụng thuật ngữ liên quan đến hoạt động ngân hàng”, ông Đức chia sẻ.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, để phân biệt công ty tài chính tiêu dùng chính thống, cần phân định rõ công ty tài chính do NHNN cấp phép theo Luật Các tổ chức tín dụng và công ty tài chính hoạt động theo Luật Doanh nghiệp, trong đó có cầm đồ. Những công ty này hầu hết đều vi phạm quy định tại Điều 5, Luật Các tổ chức tín dụng mà chưa bị xử lý.
“Cả nước hiện có 84 tổ chức tín dụng với dư nợ hơn 2,4 triệu tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay tiêu dùng chiếm tỷ lệ nhỏ, chưa đến 2%. Mặc dù còn khiêm tốn cả về số lượng lẫn dư nợ tín dụng, song vẫn cần có sự phân biệt rõ ràng công ty tài chính chính thống để tránh sự nhầm lẫn không đáng có”, ông Hùng nói.
Hiện thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam còn tồn tại nhiều vấn đề: Nhiều công ty tài chính chưa được NHNN cấp phép nhưng vẫn cung cấp các dịch vụ tín dụng; kiến thức và kỹ năng sử dụng tài chính của một bộ phận người dân còn chưa cao, chưa biết cách tiếp cận và sử dụng các dịch vụ tài chính chính thống; quy định đối với các phương thức cấp tín dụng trên nền tảng online chưa được ban hành đầy đủ...
Bởi vậy, NHNN khuyến nghị các công ty tài chính phải đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin ở trên 3 góc độ: Phát triển hệ thống chấm điểm tín dụng, đánh giá chính xác điểm tín dụng của khách hàng; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới như dữ liệu lớn (Big Data), máy học (Machine Learning)… để tăng hiệu quả và tốc độ xử lý tín dụng, đổi mới quy trình cung cấp tín dụng theo hướng thuận tiện nhất cho khách hàng; thực thi các nguyên tắc của một tổ chức tài chính bền vững, đẩy mạnh cho vay có trách nhiệm.
“Cần phân biệt bản chất hoạt động công ty tài chính tiêu dùng được NHNN cấp phép, quản lý và công ty tài chính khác, trên cơ sở đó đánh giá và làm rõ các vấn đề có thể phát sinh, đề xuất biện pháp quản lý hiệu quả, chặt chẽ hơn. Đây là một trong những giải pháp thiết thực ngăn ngừa tín dụng đen”, Phó thống đốc Đào Minh Tú nhấn mạnh.