Đẩy lùi tình trạng bạo lực gia đình ở vùng biên
Những năm gần đây, trước thực trạng bạo lực gia đình ở địa bàn biên giới vẫn còn diễn biến phức tạp, BĐBP Nghệ An đã chủ động tham mưu, phối hợp với cấp ủy, các đoàn thể địa phương tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nhân dân về phòng chống bạo lực gia đình. Qua đó, góp phần kéo giảm tình trạng bạo lực gia đình, gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống văn minh trên địa bàn.
Hơn 1 tuần nay, chị Vi Thị Cúc, ở bản Phồng, xã Tam Hợp, huyện Tương Dương phải đưa con trốn về nhà mẹ đẻ ở cùng bản... Ký ức về những trận đòn oan, gần đây nhất là trận đòn “thập tử nhất sinh” của người chồng giáng xuống, khiến chị sợ hãi, không dám trở về ngôi nhà của mình. Chị Lương Thị Thắm, hàng xóm của chị Cúc chia sẻ: Chị Cúc thường sang tâm sự bị chồng đánh đập, bạo hành, nhiều lúc chị Cúc còn bị đánh đến ngất đi, may mà được con trai phát hiện, hô hoán để người dân xung quanh biết, đến đưa đi cấp cứu mới qua khỏi.
Câu chuyện của chị Cúc lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng bạo lực gia đình còn diễn ra ở các địa bàn miền núi, biên giới nước ta. Theo báo cáo của Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An, từ năm 2008 đến năm 2018, tỉnh Nghệ An xảy ra 7.990 vụ bạo lực gia đình. Riêng địa bàn miền núi Nghệ An, số vụ bạo hành phụ nữ không ngừng tăng lên, chỉ tính riêng tại bản Phồng, xã Tam Hợp, bản có 160 hộ dân sinh sống, 5 năm qua đã xảy ra 11 vụ bạo lực gia đình, cơ quan chức năng cũng đã kịp thời xử lý vi phạm hành chính 5 vụ.
Bạo lực gia đình diễn ra bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Đa số xảy ra ở những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chồng hay nghiện rượu, nhiều nạn nhân và đối tượng bạo hành đều có nhận thức pháp luật hạn chế. Như trường hợp của chị Cúc, đã bị chồng bạo hành nhiều lần, chồng chị cũng đã được cán bộ địa phương và cán bộ BĐBP tuyên truyền, vận động, nhưng vẫn chưa từ bỏ được hành vi bạo hành vợ. Anh Viêng Văn Liêm, Trưởng bản Phồng cho biết: “Ban quản lý thôn, bản đã phối hợp với Đồn Biên phòng Tam Hợp tổ chức tuyên truyền, vận động đối với các trường hợp thường xuyên xảy ra bạo lực gia đình. Chúng tôi khuyến cáo những người chồng không nên uống rượu nhiều, dẫn đến có những hành động mất kiểm soát. Tuy nhiên, trong địa bàn bản, ở một số gia đình vẫn còn xảy ra tình trạng chồng uống rượu về đánh đập vợ, gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự trên địa bàn”.
Để làm tốt công tác phòng ngừa bạo lực gia đình, BĐBP Nghệ An đã chủ động tham mưu, phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân, nhất là kiến thức về bình đẳng giới cho các cặp vợ chồng, từ đó, nâng cao nhận thức, ngăn chặn hành vi bạo hành diễn ra tại cộng đồng.
Câu lạc bộ Phụ nữ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới bản Nam Sơn, xã Môn Sơn, huyện Con Cuông được thành lập cách đây 3 năm đã thu hút 30 hội viên tham gia. Định kỳ mỗi tháng câu lạc bộ sinh hoạt 1 lần. Chủ đề sinh hoạt hàng kỳ được lựa chọn phù hợp với cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày của chị em. Điển hình như cuộc sinh hoạt tháng 10 vừa qua, ngoài các hội viên, buổi sinh hoạt còn thu hút sự tham gia của những người chồng, với sự hướng dẫn, giúp đỡ của cán bộ Đồn Biên phòng Môn Sơn. Bằng nhiều hình ảnh thực tế, gần gũi với đời sống thường ngày, chị em đã được cán bộ Biên phòng chia sẻ kiến thức về phòng chống bạo hành trong gia đình; quyền và nghĩa vụ của các thành viên để tiến tới xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Chị Quang Thị Vân, Bí thư Chi bộ bản Nam Sơn, xã Môn Sơn cho biết: Chủ đề hoạt động của câu lạc bộ hàng kỳ được Ban chủ nhiệm lựa chọn phù hợp với đời sống thực tế của chị em, nội dung chủ yếu tuyên truyền về chủ quyền, an ninh biên giới và nhiều nội dung như phòng chống bạo lực gia đình, phòng chống tệ nạn, duy trì bản sắc văn hóa dân tộc.
Đến nay, trên địa bàn xã biên giới Mơn Sơn đã thành lập được 3 Câu lạc bộ Phụ nữ bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, dưới sự hướng dẫn của các cán bộ đồn Biên phòng, với mục tiêu xây dựng và bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia. Chị Vi Thị Lý, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Môn Sơn cho biết: Để nâng cao nhận thức cho hội viên, các câu lạc bộ đã tuyên truyền về vấn đề bạo lực gia đình, các nội dung được các câu lạc bộ cụ thể hóa trong các nội dung chương trình hoạt động các kỳ sinh hoạt. Qua đó, nhận thức của hội viên được nâng lên rõ rệt. Trong thời gian tới, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã tiếp tục phối hợp với Đồn Biên phòng Môn Sơn làm tốt công tác tuyên truyền, đồng thời, xây dựng mạng lưới tuyên truyền viên cơ sở để bồi dưỡng các kỹ năng tuyên truyền, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Cùng với đó, BĐBP phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ phụ nữ ở địa bàn biên giới. Điển hình là Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” với các hoạt động hỗ trợ cây, con giống, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chị em phụ nữ, nhằm chia sẻ khó khăn, động viên họ nỗ lực phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống.
Sau nhiều lần có hành vi bạo lực với vợ con, được cán bộ địa phương và cán bộ Biên phòng tuyên truyền, vận động, anh La Văn Lỳ, ở bản Phồng, xã Tam Hợp, đã nhận thức được việc làm sai trái của mình, quyết tâm sửa chữa và cùng vợ chăm lo phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Đồn Biên phòng Tam Hợp cũng đã trích kinh phí hỗ trợ giống gà sinh sản, giúp gia đình anh có nguồn con giống để phát triển sản xuất. Anh La Văn Lỳ chia sẻ: “Được cán bộ địa phương và cán bộ Biên phòng tuyên truyền, em thấy hành vi của mình đối với vợ con là sai, từ nay về sau, em sẽ tập trung làm ăn, cùng vợ vun đắp gia đình hạnh phúc, chăm lo cho con cái học hành”.
Dù còn nhiều khó khăn, nhưng công tác tuyên truyền đang cho thấy những hiệu quả rõ nét, tác động tích cực đến công tác phòng, chống bạo lực gia đình ở địa bàn biên giới. Các thông tin được chuyển tải đến người dân, làm thay đổi từ nhận thức cho đến hành vi, từ đó, đã giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình ở các bản làng vùng cao, biên giới. Từ đó, giúp chị em phụ nữ hiểu được quyền lợi của mình, biết cách bảo vệ bản thân trước các hành vi bạo hành, góp phần xây dựng gia đình hạnh phúc.