Đẩy mạnh áp dụng giải pháp số để nâng chất phục vụ người dân
Trao đổi với PV Báo SGGP, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết, nỗ lực của thành phố hướng đến mục tiêu thấu hiểu người dân hơn nữa, từ đó cung cấp dịch vụ số và chăm sóc người dân tốt hơn.
Tại hội nghị ASOCIO Digital Summit diễn ra tại Seoul, Hàn Quốc mới đây, TPHCM được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng ASOCIO 2023 cho hạng mục Chính quyền số xuất sắc. Trao đổi với PV Báo SGGP, Giám đốc Sở TT-TT TPHCM Lâm Đình Thắng cho biết, nỗ lực của thành phố hướng đến mục tiêu thấu hiểu người dân hơn nữa, từ đó cung cấp dịch vụ số và chăm sóc người dân tốt hơn.
Tiếp cận dịch vụ công thuận tiện hơn
* PHÓNG VIÊN: Giải thưởng Chính quyền số xuất sắc có ý nghĩa như thế nào đối với TPHCM nói riêng và Việt Nam nói chung trong bối cảnh hiện nay, thưa ông?
- Ông LÂM ĐÌNH THẮNG: TPHCM là thành phố lớn nhất nước, một trong những đô thị phát triển nhanh nhất Đông Nam Á với mật độ người dân đông, đô thị hóa phát triển mạnh mẽ. Việc xây dựng chính quyền số giữ vai trò quan trọng, giúp thành phố đổi mới phương thức hoạt động, tối ưu hóa hiệu suất quản lý của nhà nước và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận dịch vụ công thuận tiện. Giải thưởng Chính quyền số xuất sắc là sự ghi nhận những nỗ lực không ngừng của hệ thống chính quyền, cán bộ công chức, viên chức và người dân TPHCM trong việc đồng hành triển khai Chương trình chuyển đổi số thành phố
Giải thưởng còn là động lực mạnh mẽ giúp TPHCM tiếp tục đổi mới, phát triển, áp dụng các giải pháp số trong việc quản lý thành phố và cung cấp dịch vụ phục vụ người dân. Đặc biệt là việc nâng cao uy tín của TPHCM và Việt Nam trong cải cách hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài và hợp tác quốc tế.
- TPHCM là địa phương đầu tiên ban hành Chương trình chuyển đổi số TPHCM. Thành phố cũng chú trọng đầu tư và nỗ lực xây dựng hạ tầng số, gồm: hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin (CNTT), dữ liệu. Đến nay, thành phố đã có hạ tầng số hiện đại, đáp ứng nhu cầu phát triển của chính quyền số. TPHCM cũng đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của chính quyền, tập trung nâng cao hiệu quả và chất lượng dịch vụ công cho người dân. Trong lĩnh vực cung cấp dịch vụ công, thành phố nỗ lực triển khai nhiều giải pháp cải thiện chất lượng dịch vụ mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp. Chẳng hạn, TPHCM đã đưa toàn bộ quy trình thủ tục hành chính lên môi trường số, liên thông giữa các cơ quan hành chính và đẩy mạnh các dịch vụ công trực tuyến các lĩnh vực giúp giảm thiểu thời gian và chi phí sử dụng dịch vụ. Cùng với đó là việc thay đổi phương thức tiếp nhận, xử lý kiến nghị người dân hiệu quả bằng việc liên thông kết nối trên 700 đơn vị; cung cấp 1 cổng thông tin, app và tổng đài 1022 duy nhất cho người dân.
Thành phố cũng tăng cường khai thác và sử dụng hiệu quả dữ liệu, ứng dụng trí tuệ nhân tạo giúp công tác quản trị điều hành thành phố nhanh, ra quyết định hiệu quả hơn. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức và người dân, doanh nghiệp, đã tạo sự đồng thuận và ủng hộ của xã hội đối với việc chuyển đổi số thành phố. Từ kết quả của giải thưởng, Sở TT-TT tiếp tục tận dụng, phát huy trong thời gian tới, trong đó có việc triển khai Cổng tiếp nhận và giải đáp thông tin cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức trên địa bàn TPHCM (cổng 1022) trên tất cả lĩnh vực liên quan đời sống văn hóa, xã hội của thành phố một cách hiệu quả.
“TPHCM là một trong những đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện thay đổi cách làm việc, tiếp xúc với người dân thông qua chuyên mục trên mạng xã hội. Toàn bộ ý kiến, cảm xúc của người dân hàng ngày trên môi trường số được thành phố ghi nhận một cách nhanh chóng và kịp thời có giải pháp điều hành tốt hơn. Với phương thức tiếp cận mới, kịp thời đã tạo nên sự minh bạch, tăng sự tin cậy và đồng thuận của người dân vào chính quyền thành phố”
Giám đốc Sở TT-TT TPHCM LÂM ĐÌNH THẮNG
Hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số
* Vậy TPHCM có giải pháp gì để đổi mới phương thức cung cấp dịch vụ công và các tiện ích cho người dân, doanh nghiệp, sớm đạt được mục tiêu xây dựng TPHCM thành đô thị thông minh?
- TPHCM sẽ tiếp tục đẩy mạnh triển khai và hoàn thiện các nền tảng số liên thông kết nối, ứng dụng trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn trong việc nâng cao chất lượng các dịch vụ thủ tục hành chính (TTHC) công và các dịch vụ công khác trong lĩnh vực quản lý đô thị, văn hóa, xã hội… Song song với việc hoàn thành các mục tiêu chính quyền số, TPHCM sẽ đẩy mạnh việc thúc đẩy kinh tế số, xã hội số giúp tăng cường sự linh hoạt, hiệu suất và sự kết nối trong mọi lĩnh vực của đời sống, từ doanh nghiệp đến giáo dục, y tế, và chính trị, tạo ra môi trường số một cách hiệu quả hơn cho cộng đồng. Đồng thời, triển khai các chính sách, giải pháp hỗ trợ người dân, doanh nghiệp chuyển đổi số trong việc ứng dụng công nghệ số, giúp đỡ những người nghèo, hoàn cảnh khó khăn để không ai bị bỏ lại phía sau trong tham gia hành trình chuyển đổi số của thành phố.
* Việc hoàn thiện môi trường pháp lý phục vụ cho quá trình xây dựng chính quyền số hiện vẫn chưa theo kịp nhu cầu xã hội, đặc biệt trong các lĩnh vực mới, TPHCM sẽ khắc phục ra sao?
- Đúng là quá trình xây dựng chính quyền số tại TPHCM cũng còn nhiều yếu tố cản trở rất lớn. Đó là, hành lang pháp lý trong triển khai ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) chưa đầy đủ. Cơ sở dữ liệu quốc gia còn đang trong quá trình hoàn thiện chia sẻ. Việc chia sẻ, mở dữ liệu của cơ quan nhà nước, của doanh nghiệp đang được triển khai, nhưng vẫn chưa mang lại hiệu quả như mong muốn. Trong khi đó, việc bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư trên mạng và công tác tuyên truyền, hướng dẫn tổ chức, cá nhân khai thác sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Người dân, doanh nghiệp vẫn còn tâm lý e ngại, chưa tin tưởng việc giải quyết TTHC trên môi trường mạng… Do đó, TPHCM đã kiến nghị Chính phủ; kiến nghị và chủ động phối hợp các bộ, ngành liên quan triển khai ứng dụng CNTT, chia sẻ dữ liệu từ Trung ương đến địa phương; việc quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng nhằm bảo vệ dữ liệu cá nhân, thông tin riêng tư; việc quảng cáo trên internet… Việc này nhằm từng bước tháo gỡ, giải quyết các khó khăn để đáp ứng yêu cầu triển khai chuyển đổi số, xây dựng đô thị thông minh.
* Trình độ nhân lực cũng là một vấn đề lớn sẽ được TPHCM giải quyết như thế nào để phục vụ cho xây dựng chính quyền số đáp ứng yêu cầu thực tiễn, thưa ông?
- Để giải quyết bài toán trình độ nhân lực phục vụ cho xây dựng chính quyền số, TPHCM đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp. Trong đó, thành phố tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ, công chức các kiến thức về chính quyền số, chuyển đổi số; kỹ năng sử dụng các phần mềm, ứng dụng CNTT; kỹ năng giao tiếp, ứng xử với người dân, doanh nghiệp trong môi trường số. TPHCM cũng tập trung thu hút, trọng dụng nhân tài, đặc biệt là nhân tài trong lĩnh vực CNTT; xây dựng văn hóa đổi mới, sáng tạo, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành; xây dựng môi trường làm việc chuyên nghiệp, năng động, sáng tạo, khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức đổi mới, sáng tạo, ứng dụng CNTT trong công việc.