Đẩy mạnh các động lực tăng trưởng để đạt mục tiêu GDP cao hơn
Năm 2025, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6,5-7% và phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao hơn ở mức 7-7,5%; tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4,5%. Đại biểu Quốc hội Nguyễn Việt Hà (Đoàn Tuyên Quang) trả lời phỏng vấn Thời báo Ngân hàng xung quanh vấn đề này.
2025 là năm có ý nghĩa rất quan trọng trong việc phấn đấu đạt kết quả cao nhất các mục tiêu, chỉ tiêu của kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; Là năm tăng tốc, bứt phá, lấy phát triển để ổn định, đồng thời tập trung củng cố, chuẩn bị tốt các yếu tố nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng, phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2026-2030. Đây là một trong những cơ sở quan trọng để Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 khoảng 6,5-7% và phấn đấu tăng trưởng cao hơn, từ 7-7,5%. Nếu đạt được mục tiêu này, theo ước tính, GDP bình quân đầu người sẽ đạt khoảng 4.900 USD, Việt Nam sẽ xếp hạng 31-33 thế giới về quy mô GDP. Do đó, đây sẽ là dấu mốc quan trọng để củng cố vị thế kinh tế của Việt Nam trong khu vực và trên thế giới.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó lường, triển vọng kinh tế toàn cầu và các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc dự báo còn nhiều khó khăn; giá năng lượng, giá vàng, thị trường tài chính và chuỗi cung ứng toàn cầu đang chịu tác động khó lường từ những xung đột kéo dài; quy mô, sức chống chịu của nền kinh tế nước ta còn khiêm tốn, năng lực cạnh tranh còn hạn chế, động lực tăng trưởng mới còn chưa rõ ràng. Những điều này đặt ra khó khăn, thách thức nhưng cũng tạo ra cơ hội lớn để nước ta phát triển kinh tế - xã hội, đạt mục tiêu tăng trưởng GDP mà Chính phủ đề ra.
Hiện nay, Chính phủ đang tiếp tục tập trung nguồn lực để ưu tiên đầu tư công, đây là động lực quan trọng để kích thích tăng trưởng. Công tác hoàn thiện thể chế, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh được quan tâm, những điểm nghẽn đang được tháo gỡ sẽ góp phần giải phóng tối đa những động lực tăng trưởng. Với tư duy đổi mới “vừa quản lý chặt chẽ, vừa kiến tạo phát triển, huy động tối đa các nguồn lực phát triển, tạo không gian phát triển mới”, chắc chắn sẽ tạo ra sự đột phá mạnh mẽ, khả thi cho mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025.
Theo bà, những thách thức nào sẽ là lớn nhất đối với Chính phủ để đạt được mục tiêu tăng trưởng cao hơn (7-7,5%)?
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn (7-7,5%), một trong những nhiệm vụ giải pháp chủ yếu Chính phủ đề ra là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, tiếp tục làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống, thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới. Tôi cho rằng, thách thức lớn nhất đối với Chính phủ là thúc đẩy tăng trưởng kinh tế năm 2025 theo hướng nhanh và bền vững trên cơ sở tăng cường năng lực nội sinh. Điều này chịu ảnh hưởng rõ rệt từ tốc độ tăng năng suất lao động xã hội, trong khi các năm trước đây không đạt được chỉ tiêu này. Chính vì vậy, việc phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo cũng là một trong những giải pháp chủ yếu trong năm 2025 được Chính phủ đề ra.
Với các động lực tăng trưởng chính thì chính sách tiền tệ luôn được điều hành linh hoạt, triển vọng tích cực cho hoạt động sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam, tiêu dùng nội địa tiếp tục cải thiện hay tăng trưởng đầu tư tư nhân đều đang được kỳ vọng sẽ giúp Việt Nam duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ trong năm 2025 và đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP cao hơn.
Chính phủ cũng dự kiến CPI bình quân năm 2025 ở mức 4,5%. Bà có nhận xét gì về khả năng kiểm soát lạm phát của Việt Nam?
Năm 2025 hoạt động sản xuất kinh doanh các doanh nghiệp trong nước được đánh giá tốt hơn, thị trường xuất khẩu được dự báo tiếp tục tăng trưởng khá như năm nay. Việc phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng số, cải cách, thể chế… tiếp tục được nhận định sẽ là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, lạm phát sẽ được kiểm soát tốt, đảm bảo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.
Việc Chính phủ đưa ra nhiệm vụ đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm sẽ là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng GDP, song cũng là áp lực tăng giá đối với nhiều loại vật tư nguyên liệu, hàng hóa liên quan gây tăng áp lực lạm phát. Do vậy song song với mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ cũng đưa ra mục tiêu giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo tôi, việc điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời hiệu quả, đồng bộ, phối hợp hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác; việc tính toán cẩn trọng về vay nợ công; việc tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là đối với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu; không điều chỉnh giá nhiều mặt hàng trong cùng thời điểm… là các giải pháp cần quan tâm để duy trì ổn định giá cả, kiểm soát lạm phát.
Bà có thể chia sẻ thêm về những giải pháp điều hành chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ mà Chính phủ có thể áp dụng trong năm 2025 để đạt được các chỉ tiêu kinh tế - xã hội?
Để thực hiện tốt mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ cần tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn, vực dậy thị trường vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp vay vốn để phục hồi, phát triển sản xuất kinh doanh; Thực hiện chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; tính toán kỹ lưỡng các tác động, hiệu quả khi điều hành lãi suất, tỷ giá; ổn định hệ thống tín dụng, kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, nợ xấu; kiểm soát rủi ro của thị trường chứng khoán, vàng, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp.
Chính phủ đã có quan điểm nhất quán về việc ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Do đó, cần tập trung, quyết liệt trong công tác điều hành giá, triển khai các giải pháp ổn định giá cả thị trường; cung ứng dồi dào hàng hóa, bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu, tránh tăng giá cùng lúc. Các thời điểm và mức điều chỉnh học phí, giá dịch vụ khám chữa bệnh cũng cần được đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng.
Để tối ưu hóa giải pháp này thì chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ và kiểm soát giá phải được phối hợp đồng bộ, hiệu quả. Từ đó đặt ra yêu cầu, đòi hỏi sự phối hợp sát sao giữa các bộ, ngành trong việc chia sẻ, cung cấp thông tin, nhất quán trong mục tiêu chính sách, đánh giá tác động, mức độ ảnh hưởng của chính sách... nhằm đạt được mục tiêu cao nhất là hoàn thành các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025.