Đẩy mạnh các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng dịp cuối năm
Để nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó công tác tuần tra, kiểm soát được đặt lên hàng đầu.
Cuối năm dương lịch và chuẩn bị đón tết Nguyên đán thường là thời điểm các đối tượng thường hay lợi dụng để khai thác, vận chuyển trái phép các loại lâm sản, động vật hoang dã. Để quản lý, bảo vệ rừng, lực lượng kiểm lâm tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp, trong đó công tác tuần tra, kiểm soát được đặt lên hàng đầu.
Vườn Quốc gia Hoàng Liên rộng hơn 24.000 ha, bị chia cắt mạnh bởi núi đá cao, có hàng chục thôn, bản nằm trong vùng đệm, vùng lõi. Do vậy, việc khai thác rừng trái phép có nguy cơ xảy ra bất cứ lúc nào. Đặc biệt trong dịp tết Nguyên đán thường xảy ra tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán và sử dụng lâm sản, các loài cây, cành cây có nguồn gốc từ rừng tự nhiên để làm cảnh (cành, gốc cây vân sam, đỗ quyên, mận rừng…), động vật hoang dã. Thời điểm này cũng là cao điểm mùa khô hanh nên lực lượng kiểm lâm luôn trong tư thế chủ động, sẵn sàng ứng phó với nguy cơ cháy rừng.
Ông Trần Quốc Nam, Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Hoàng Liên cho biết: Chúng tôi thực hiện chế độ trực 24/24h tại 6 trạm kiểm lâm địa bàn, 14 chốt ở các khu vực trọng điểm có nguy cơ cháy cao để kịp thời phát hiện, ứng phó khi cháy rừng xảy ra; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân; tổ chức kiểm tra, kiểm soát người ra - vào rừng tại các chốt bảo vệ rừng và khóa, chốt chặn tại vị trí “nút thắt”, cửa ngõ vận chuyển lâm sản ra khỏi rừng; tuần tra, kiểm soát lưu động vòng ngoài, cửa rừng, đường mòn, lối mở, các tuyến đường liên thôn, liên xã thường phát sinh hành vi vận chuyển, tàng trữ lâm sản.
Tổ Kiểm lâm cơ động và phòng cháy, chữa cháy rừng có nhiệm vụ ngăn chặn, xử lý các điểm, tụ điểm vận chuyển, mua bán lâm sản và bày bán cành vân sam, cây cảnh có nguồn gốc tự nhiên phát sinh trên địa bàn.
Huyện Văn Bàn có gần 142.000 ha rừng, trong đó diện tích rừng tự nhiên chiếm hơn 65%, tỷ lệ che phủ rừng của Văn Bàn cao nhất tỉnh (67,76%). Địa phương có 7 xã giáp ranh với các huyện: Than Uyên, Tân Uyên (Lai Châu) và Văn Yên, Mù Cang Chải (Yên Bái), tổng chiều dài khoảng 115 km.
Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ và phòng cháy, chữa cháy rừng, nhất là tại các khu vực giáp ranh, hằng năm, huyện đã ký kết và thực hiện quy chế phối hợp tuần tra, kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm quy định về bảo vệ rừng với các huyện giáp ranh của tỉnh bạn.
Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Văn Bàn Nguyễn Công Tưởng cho biết: Với diện tích rừng lớn, địa bàn hiểm trở, để kịp thời phát hiện, ngăn chặn những vụ việc vi phạm Luật Lâm nghiệp, nhất là trong đợt cao điểm tết Nguyên đán, hạt đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân không vào rừng khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng trái phép và phân công 100% lực lượng trực xuyên tết.
Theo nhận định của Chi cục Kiểm lâm tỉnh, những tháng cuối năm 2024, tình trạng chặt phá, khai thác rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật tiềm ẩn nguy cơ cao. Do đó, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đề nghị các cơ quan, đơn vị, chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Lâm nghiệp và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Lâm nghiệp để người dân hiểu rõ và nghiêm túc thực hiện; thường xuyên kiểm tra, rà soát các địa bàn, khu vực trọng điểm có nguy cơ xảy ra tình trạng cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng trái pháp luật để nắm bắt, ngăn chặn, xử lý kịp thời ngay từ cơ sở.
Tổ chức thực hiện phương án phòng cháy, chữa cháy rừng; chủ động về lực lượng, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ” đảm bảo kịp thời khống chế nhanh nhất các trường hợp cháy rừng, không để xảy ra cháy lớn.
Lực lượng kiểm lâm chú trọng tham mưu xem xét, xử lý trách nhiệm của tổ chức, cá nhân để xảy ra tình trạng cháy rừng, chặt phá, khai thác và lấn chiếm đất rừng tại địa phương; điều tra, làm rõ đối tượng vi phạm đối với các vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng, hủy hoại rừng để răn đe giáo dục, phòng ngừa; chủ động phối hợp với chính quyền địa phương, lực lượng công an, dân quân các xã và chủ rừng duy trì hoạt động, thực hiện các quy chế, phương án bảo vệ rừng đã được ký kết...
Ngoài sự nỗ lực của lực lượng chức năng, người dân cũng cần nâng cao ý thức, trách nhiệm, nói “không” với động vật rừng có nguồn gốc từ tự nhiên để làm thực phẩm.