Đẩy mạnh các giải pháp số về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Trong bối cảnh công nghệ số ngày càng phát triển, nhiều ứng dụng, sản phẩm số góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được quan tâm triển khai góp phần hướng tới tiêu dùng bền vững.

Người tiêu dùng tham khảo thông tin nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm khô tại một siêu thị ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

Người tiêu dùng tham khảo thông tin nguồn gốc các sản phẩm thực phẩm khô tại một siêu thị ở thành phố Biên Hòa. Ảnh: H.Quân

Mới đây, vào tháng 2-2025, Trung ương Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vừa ra mắt ứng dụng (app) Người tiêu dùng trên thiết bị di động, máy tính bảng. Ứng dụng này nhằm giúp người dân có cơ hội tiếp cận với những quy định, chính sách, quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng được nhà nước bảo vệ.

Tăng tính tương tác hai chiều

Trong giai đoạn đầu, ứng dụng Người tiêu dùng cung cấp 10 nhóm tính năng chính, bao gồm: tư vấn và khiếu nại, khảo sát bình chọn, cảnh báo người tiêu dùng, hàng chính hãng, cẩm nang pháp luật, tra cứu sản phẩm, khuyến mãi, tin tức, phản biện chính sách, hoạt động của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam.

Bên cạnh đó, ứng dụng còn là cầu nối trong mối quan hệ giữa nhà sản xuất, nhà phân phối, nhà xuất khẩu để hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ liên quan đến lĩnh vực hoạt động của hội theo quy định của pháp luật. Tại ứng dụng này, người tiêu dùng cũng có thể nhận được các quà tặng, voucher… từ doanh nghiệp.

Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai Phạm Gia Hải cho biết, ứng dụng Người tiêu dùng thiết lập kênh tương tác 2 chiều về khiếu nại, tư vấn khiếu nại; cung cấp thông tin tuyên truyền về Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cung cấp các công cụ, tiện ích hướng tới minh bạch thông tin; cung cấp cho doanh nghiệp kênh chính thống thông báo về hàng chính hãng; hệ thống bình chọn, khảo sát cho doanh nghiệp.

Theo ông Hải, việc ứng dụng công nghệ thông tin mang lại nhiều tiện ích, góp phần nâng cao tính phản hồi, giảm các thao tác, thời gian khi khách hàng muốn phản ánh, khiếu nại liên quan đến sản phẩm, dịch vụ tiêu dùng. Điểm nổi bật của ứng dụng này là có thể thay thế các hình thức phản ánh trước đây như tổng đài một cách nhanh chóng kết hợp nhiều tiện ích, cũng như phát triển cơ sở dữ liệu về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong ứng dụng này.

Anh Thanh Tuấn (ngụ phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa) chia sẻ: “Trước đây, tôi từng phản ánh đến Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam về một số vấn đề liên quan đến chính sách khuyến mãi, hàng hóa không đảm bảo như quảng cáo bằng email. Việc phản hồi, xác minh phải tiến hành theo nhiều bước mất khá nhiều thời gian. Với việc ứng dụng mới Người tiêu dùng đi vào hoạt động, tôi tin tưởng ứng dụng này sẽ giúp tăng tính tương tác, rút ngắn thời gian phản hồi những khiếu nại từ người tiêu dùng để góp phần thúc đẩy tiêu dùng bền vững trong bối cảnh công nghệ, mạng xã hội ngày phát triển”.

UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15-3) năm 2024 trên địa bàn tỉnh. Theo Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Đồng Nai Phạm Gia Hải, trong chuỗi các hoạt động tuyên truyền về Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, hội sẽ lồng ghép, đẩy mạnh thông tin, giới thiệu về các ứng dụng số, trong đó có app Người tiêu dùng đến người dân, doanh nghiệp.

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa bằng công nghệ blockchain

Truy xuất nguồn gốc hàng hóa theo tiêu chuẩn quốc tế là xu hướng ngày càng được thị trường trong và ngoài nước yêu cầu. Trong đó, việc ứng dụng các blockchain về truy xuất nguồn gốc sản phẩm được nhiều doanh nghiệp, địa phương quan tâm.

Blockchain hay còn gọi là chuỗi khối là một công nghệ lưu trữ và truyền tải dữ liệu dưới dạng các khối thông tin liên kết với nhau. Tất cả các khối đều được mã hóa và ghi lại một cách an toàn, không thể thay đổi, giúp đảm bảo tính toàn vẹn và minh bạch trong mọi giao dịch.

Giao diện ứng dụng Người tiêu dùng của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vừa ra mắt.

Giao diện ứng dụng Người tiêu dùng của Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam vừa ra mắt.

Theo tiến sĩ Trần Quý, Viện trưởng Viện Phát triển kinh tế số Việt Nam (VIDE), trong bối cảnh nền kinh tế số, blockchain đóng vai trò như một cơ sở hạ tầng kỹ thuật số cốt lõi. Công nghệ này có thể được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, đối với lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, với khả năng truy xuất nguồn gốc sản phẩm một cách minh bạch, công nghệ blockchain đã giúp các doanh nghiệp nông nghiệp nâng cao giá trị sản phẩm xuất khẩu và giảm thiểu các rủi ro liên quan đến gian lận thương mại. Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, việc ứng dụng blockchain góp phần giúp giảm chi phí quản lý chuỗi cung ứng nông sản lên đến 15% và tăng giá trị xuất khẩu thêm 20%.

Tổng giám đốc Công ty TNHH STI Việt Nam (Hà Nội) Lê Anh Hưng - công ty hoạt động lĩnh vực tư vấn chuyên sâu về chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, chia sẻ nhiều địa phương, đơn vị hiện nay đã xây dựng các module (thành phần) về hệ thống truy xuất nguồn gốc điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong hoạt động truy xuất nguồn gốc. Đặc biệt, trong hệ sinh thái xúc tiến thương mại số có nhiều ứng dụng, module và một trong số đó có trụ cột liên quan đến truy xuất nguồn gốc. Qua đó, góp phần thúc đẩy ứng dụng công nghệ số vào hoạt động truy xuất nguồn gốc cho hàng hóa.

Hải Quân

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/chuyen-doi-so/202502/day-manh-cac-giai-phap-so-ve-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung-cbd1d3f/