Đẩy mạnh các hoạt động về sở hữu trí tuệ trong giai đoạn hiện nay

Việc khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động sáng tạo, xác lập, quản lý, khai thác, phát triển tài sản trí tuệ (TSTT), hỗ trợ về sở hữu trí tuệ (SHTT) trên địa bàn tỉnh được đẩy mạnh. Các hoạt động như tuyên truyền, tư vấn, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân có nhu cầu và có kết quả nghiên cứu, sáng tạo thực hiện các thủ tục đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp, góp phần tạo sự chuyển biến trong nhận thức của nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn về tầm quan trọng của việc xác lập, phát huy và bảo vệ TSTT.

Hằng năm, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với các sở, ban, ngành triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, tập huấn về SHTT để nâng cao nhận thức cho người dân, các tổ chức sản xuất, kinh doanh; các hoạt động hỗ trợ về SHTT từ các cơ quan nhà nước.

Từ năm 2022 đến nay, tổ chức 27 hội nghị tập huấn, chương trình tuyên truyền, phổ biến liên quan đến xây dựng, quảng bá và phát triển thương hiệu cho các sản phẩm đặc sản của tỉnh và TSTT khác; các đối tượng tham gia là cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp đã và đang có ý định nộp đơn đăng ký nhãn hiệu; hiệp hội, hợp tác xã, người sản xuất, kinh doanh sản phẩm đặc sản, chủ lực, đặc trưng của địa phương. Thành lập và đưa vào vận hành Trạm khai thác thông tin và dịch vụ sở hữu công nghiệp (Trạm IPPlatform) tại tỉnh với mục tiêu phục vụ và hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh các hoạt động về bảo hộ và thực thi quyền SHTT; xây dựng chuyên mục SHTT tuyên truyền trên 100 tin, bài trên Báo Cao Bằng, Đài Phát thanh và Truyền hình Cao Bằng, bản tin KH&CN, trang điện tử Sở KH&CN; xuất bản 500 cuốn tài liệu phổ biến kiến thức về SHTT. Qua đó, các sản phẩm của tỉnh tiếp cận được người tiêu dùng, khẳng định được danh tiếng và chất lượng sản phẩm, nâng cao giá trị, hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh.

Đến nay, toàn tỉnh có 87 đơn đăng ký sở hữu công nghiệp (SHCN) được nộp tại Cục SHTT, trong đó có 1 đơn sáng chế, 2 đơn kiểu dáng công nghiệp, 84 đơn nhãn hiệu; có 24 văn bằng bảo hộ đã được cấp (1 bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp, 23 giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu). Giai đoạn 2022 - 2024, hoạt động đăng ký bảo hộ SHTT của tỉnh có bước tiến tăng trưởng gấp trên 3 lần so với các năm trong giai đoạn trước (năm 2022 có 41 đơn, năm 2023 có 46 đơn).

Sở hữu trí tuệ khuyến khích sự sáng tạo, nỗ lực, cống hiến tạo ra những sản phẩm chất lượng.

Sở hữu trí tuệ khuyến khích sự sáng tạo, nỗ lực, cống hiến tạo ra những sản phẩm chất lượng.

Phó Giám đốc Sở KH&CN Nông Thành Thân cho biết: Thực hiện chiến lược SHTT đến năm 2023 và Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh, Sở tham mưu UBND tỉnh đề xuất đặt hàng Bộ KH&CN hỗ trợ triển khai 2 nhiệm vụ cấp quốc gia thuộc Chương trình phát triển TSTT đến năm 2030, gồm: quản lý, khai thác, phát triển giá trị chỉ dẫn địa lý “Cao Bằng” cho sản phẩm cây trúc sào và chiếu trúc sào tỉnh gắn với liên kết sản xuất bền vững, hướng đến thị trường xuất khẩu được phê duyệt trong danh mục nhiệm vụ đặt hàng bắt đầu thực hiện từ năm 2024; tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Lợn đen Lục Khu - Hà Quảng” dùng cho các sản phẩm thịt lợn đen được nuôi trên địa bàn huyện Hà Quảng. Triển khai các nhiệm vụ KH&CN sử dụng ngân sách Nhà nước cấp tỉnh với 10 dự án, trong đó tập trung với nhiệm vụ xây dựng và xác lập mới quyền bảo hộ SHTT (thông qua nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể) đối với 7 đặc sản, gồm: miến dong Án Lại, miến mỏ Tĩnh Túc, bún khô Hưng Đạo, củ hà thủ ô đỏ và các sản phẩm từ hà thủ ô đỏ Cao Bằng, nấm hương Cao Bằng, quả thanh long Nguyên Bình; các sản phẩm của làng rèn Phúc Sen; 2 dự án hỗ trợ tăng cường khai thác, phát triển đối với 2 đặc sản được bảo hộ quyền SHCN (thạch đen Thạch An và quýt Trà Lĩnh); 1 dự án về xây dựng và triển khai áp dụng mô hình quản trị TSTT trong doanh nghiệp.

Các sản phẩm được bảo hộ và trong quá trình xác lập quyền SHCN đều được hỗ trợ thiết kế bao bì, nhãn mác, xây dựng cơ chế quản lý nhãn hiệu tập thể, xây dựng các tài liệu kỹ thuật sản xuất nhằm duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa được bảo hộ nhãn hiệu. Hỗ trợ tham gia các hội chợ, triển lãm, trưng bày quảng bá sản phẩm và từng bước xác lập các kênh tiêu thụ, kết nối thương mại. Các hoạt động nghiên cứu, tìm hiểu thị trường, xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm hàng hóa được đẩy mạnh. Thông qua sự hỗ trợ của Nhà nước và nỗ lực của các doanh nghiệp, tổ chức sản xuất, kinh doanh các sản phẩm đặc sản của địa phương, thị trường một số sản phẩm được bảo hộ SHCN của tỉnh liên tục được mở rộng, giá trị kinh tế tăng cao, tạo niềm tin, động lực cho người lao động. Từ đó, khuyến khích họ tích cực áp dụng KH&CN để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đồng thời phát huy vai trò trong việc quản lý và phát triển quyền SHCN.

Tỉnh tiếp tục triển khai hiệu quả kế hoạch, đề án thực hiện chiến lược phát triển TSTT đến năm 2030. Hỗ trợ địa phương công tác bảo hộ các sản phẩm đặc sản, đặc trưng, tiềm năng; chú trọng hỗ trợ nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động quản lý, phát triển các nhãn hiệu tập thể của các hợp tác xã, hội sản xuất, kinh doanh sản phẩm. Xây dựng và triển khai các nhiệm vụ KH&CN về bảo hộ quyền SHTT, chính sách hỗ trợ, tư vấn và bảo hộ quyền SHTT, khai thác thông tin SHTT và quảng bá phát triển TSTT; tăng cường quản lý, sử dụng hiệu quả chỉ dẫn địa lý, nguồn gen, tri thức truyền thống, bí quyết kỹ thuật, văn hóa dân gian nhằm khai thác tiềm năng sản phẩm có thế mạnh của tỉnh, lựa chọn các sản phẩm tiêu biểu để khuyến khích, hỗ trợ đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu, các chỉ dẫn thương mại cho sản phẩm, tạo dựng, phát triển thành sản phẩm mang thương hiệu Cao Bằng.

Thu Hoài

Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/day-manh-cac-hoat-dong-ve-so-huu-tri-tue-trong-giai-doan-hien-nay-3172678.html