Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng tầm cạnh tranh
Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng, việc nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trở thành nhiệm vụ cấp thiết đối với mỗi địa phương. Nhận thức rõ điều này, tỉnh đã và đang nỗ lực đẩy mạnh cải cách hành chính (CCHC), tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Nhìn thẳng sự thật, hành động vì tương lai
Năm 2024, công tác CCHC trên địa bàn tỉnh đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Kết quả Chỉ số năm 2023 (PAR Index, PCI) cho thấy An Giang đạt kết quả thấp, giảm so năm 2022. Tuy nhiên, Chỉ số PAPI đạt 41,85 điểm, xếp hạng 35/63 tỉnh, thành phố, tăng 9 bậc so năm 2022, đứng thứ 3 khu vực ĐBSCL.
Trước tình hình này, UBND tỉnh chỉ đạo các ngành, địa phương phân tích hạn chế, đề ra giải pháp cải thiện chỉ số. Sở, ban, ngành, địa phương tích cực triển khai kế hoạch CCHC năm 2024. Kết quả, các đơn vị hoàn thành 66 đầu công việc, đạt 100% kế hoạch. Tuy nhiên, công tác CCHC vẫn còn tồn tại, như: Tỷ lệ hồ sơ thủ tục hành chính (TTHC) số hóa và trực tuyến chưa cao; nhiều địa phương chưa quan tâm chỉnh trang bộ phận tiếp nhận và trả kết quả; tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến còn thấp, chủ yếu do công chức, viên chức làm thay; thiếu sáng kiến, mô hình, giải pháp mới hiệu quả.

Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng thăm hỏi cán bộ làm nhiệm vụ và người dân đến làm căn cước công dân
Để khắc phục tồn tại, hạn chế của năm 2024, góp phần triển khai hiệu quả công tác CCHC, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch CCHC tỉnh năm 2025. Kế hoạch này tập trung vào các giải pháp cụ thể, thiết thực, nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ công, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức, đẩy mạnh sự tham gia của người dân, doanh nghiệp (DN) vào quá trình CCHC. Qua đó, tỉnh quyết tâm tạo ra chuyển biến tích cực, vững chắc trong công tác CCHC.
Nâng cao hiệu quả phục vụ
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng kiểm tra công vụ tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận “Một cửa” phường Mỹ Xuyên (TP. Long Xuyên). Tại các nơi đến, Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ, TTHC, mức độ ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của trung tâm. Đồng thời, trực tiếp trao đổi với cán bộ, công chức về khó khăn, vướng mắc trong quá trình làm việc; quan sát thái độ giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức với người dân, DN; đánh giá mức độ chuyên nghiệp, tận tình trong việc giải quyết TTHC. Mặt khác, hỏi thăm, tiếp nhận phản hồi từ người dân, DN về chất lượng dịch vụ hành chính công.
Đến làm TTHC về bảo hiểm xã hội, ông Nguyễn Văn Cao (ngụ phường Mỹ Xuyên) nhận xét: “Tôi thấy các cô chú ở đây rất nhiệt tình. Tôi không rành về giấy tờ, họ kiên nhẫn hướng dẫn từng bước”. Qua chuyến kiểm tra, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng ghi nhận nỗ lực của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, Bộ phận “Một cửa” phường Mỹ Xuyên trong việc nâng cao chất lượng dịch vụ; chỉ ra hạn chế cần khắc phục, yêu cầu các đơn vị tiếp tục đẩy mạnh CCHC, nâng cao hiệu quả phục vụ, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân, DN.
Hướng tới sự hài lòng
Năm 2025, tỉnh phấn đấu cơ bản hoàn thiện hệ thống thể chế của nền hành chính Nhà nước, trọng tâm là thể chế về tổ chức bộ máy, quản lý cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và kiến tạo phát triển. Sở, ban, ngành tỉnh, địa phương, đơn vị phấn đấu 90% hồ sơ công việc tại tỉnh; 80% hồ sơ công việc tại cấp huyện và 60% hồ sơ công việc tại cấp xã được xử lý trên môi trường mạng. 100% văn bản trao đổi giữa các cơ quan Nhà nước (trừ văn bản mật theo quy định của pháp luật) dưới dạng điện tử. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, tổ chức, khắc phục tình trạng chồng chéo, trùng lắp hoặc bỏ sót chức năng, nhiệm vụ trong hệ thống hành chính Nhà nước.
Tỉnh quyết tâm số hóa 100% kết quả giải quyết TTHC của cơ quan hành chính Nhà nước; duy trì tỷ lệ 100% dịch vụ công (đủ điều kiện) cung cấp trực tuyến mức độ toàn trình. Tỷ lệ người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến và TTHC trên môi trường điện tử tối thiểu đạt 80% so tổng hồ sơ tiếp nhận; từ 80% trở lên hồ sơ giải quyết TTHC được luân chuyển trong nội bộ giữa các cơ quan có thẩm quyền giải quyết, hoặc cơ quan có liên quan được thực hiện bằng phương thức điện tử…
Ngoài ra, tỉnh phấn đấu kết quả đánh giá, xếp hạng các chỉ số: Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Chỉ số CCHC (PAR INDEX), Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính Nhà nước (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI)… năm 2025 cao hơn năm 2024.
“Các nội dung CCHC phải được tiến hành đồng bộ, thống nhất, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp điều kiện thực tiễn, góp phần thúc đẩy thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2025. Không ngừng nâng cao chất lượng cung ứng dịch vụ công của cơ quan hành chính Nhà nước, đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lý, cung cấp dịch vụ công và giải quyết TTHC, gắn số hóa và sử dụng kết quả số hóa hồ sơ, giấy tờ, kết quả giải quyết TTHC, hướng tới việc giải quyết TTHC không phụ thuộc vào địa giới hành chính. Tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người dân, DN thực hiện TTHC nhanh chóng, chính xác, đảm bảo thời gian theo quy định” - Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng yêu cầu