Đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp
Sáng 27/10, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ do ông Phạm Minh Hùng - Vụ trưởng Vụ CCHC, Bộ Nội vụ - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo CCHC của Chính phủ làm Trưởng đoàn có buổi làm việc với UBND tỉnh Bình Thuận về tình hình thực hiện nhiệm vụ CCHC 9 tháng năm 2022.
Tiếp và làm việc với Đoàn có ông Đỗ Thái Dương - Giám đốc Sở Nội vụ và đại diện lãnh đạo các sở, ngành, địa phương có liên quan.
Báo cáo của UBND tỉnh đã nêu rõ những kết quả nổi bật trong công tác CCHC 9 tháng năm 2022. Nổi rõ, công tác cải cách thủ tục hành chính được triển khai quyết liệt, đồng bộ. Các thủ tục hành chính
(TTHC) sau khi được Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định công bố thực hiện trên địa bàn tỉnh đã được cập nhật kịp thời đầy đủ, chính xác vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC. Tính đến thời điểm hiện tại đã cập nhật công khai trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về TTHC và liên kết trên Cổng dịch vụ công của tỉnh là 1.849/1.849, đạt tỷ lệ 100%; 100% các sở, ngành, UBND cấp huyện đều thực hiện công khai, niêm yết TTHC.
Bên cạnh đó, Trung tâm Hành chính công tỉnh hoạt động phát huy có hiệu quả; các thủ tục hành chính đã được thường xuyên kiểm tra, rà soát, công bố chuẩn hóa và niêm yết công khai. Tỉnh đã triển khai mở rộng cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho các sở, ngành, địa phương trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; thực hiện tích hợp, cung cấp trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Đến nay, tỉnh đã đầu tư và triển khai sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 cho 17/19 cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, 10/10 đơn vị cấp huyện và 124/124 đơn vị cấp xã; 100% dịch vụ công được hỗ trợ sử dụng, giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức bộ máy bên trong các cơ quan, địa phương được tiếp tục rà soát, kiện toàn, khắc phục những chồng chéo, vướng mắc của từng cơ quan, đơn vị…
Tại buổi làm việc, UBND tỉnh đã kiến nghị Văn phòng Chính phủ sớm sửa đổi Thông tư số 02 và Thông tư số 01 để phù hợp với tình hình thực tế. Đồng thời, nên quy định rõ loại TTHC nào tiếp nhận bằng hình thức trực tuyến (không tiếp nhận bằng hình thức trực tiếp) để áp dụng thực hiện đồng bộ trên phạm vi toàn quốc. Đối với Bộ, ngành Trung ương cần ban hành Thông tư hướng dẫn thực hiện Nghị định số 60 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công lập…
Ông Phạm Minh Hùng phát biểu kết luận.
Phát biểu kết luận, ông Phạm Minh Hùng ghi nhận và đánh giá cao những kết quả Bình Thuận đạt được trong công tác CCHC 9 tháng qua. Nhấn mạnh nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, ông Phạm Minh Hùng lưu ý tỉnh Bình Thuận tập trung chỉ đạo, điều hành để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2022 đảm bảo đúng tiến độ, chất lượng. Trong đó, xác định CCHC là giải pháp xuyên suốt bằng những công việc cụ thể, bố trí nguồn lực cho CCHC về tài chính, con người. CCHC có tính đồng bộ và trách nhiệm chung do vậy cần tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ của các sở, ngành, địa phương và cơ quan liên quan để phối hợp đưa công tác CCHC đạt hiệu quả cao hơn. Rà soát đơn giản thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông; Đề án 06… Qua đó, hướng đến mục tiêu cao nhất là giảm phiền hà, trễ hẹn, thời gian giải quyết nhanh, đảm bảo lợi ích và tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, trách nhiệm của các ngành, các cấp, của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhằm nâng cao chất lượng triển khai CCHC tại các cơ quan hành chính nhà nước các cấp ở địa phương đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Tiếp tục phát huy những kết quả đạt được đồng thời có biện pháp khắc phục tồn tại, hạn chế, bất cập công tác CCHC; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác CCHC để phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…
Trước đó, Đoàn công tác đã làm việc với Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của UBND TP. Phan Thiết.