Đẩy mạnh cải cách hành chính và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh

Một trong những yêu cầu quan trọng đặt ra cho TP Sầm Sơn, nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 07-NQ/TU về xây dựng và phát triển TP Sầm Sơn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, đó là đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và đa dạng hóa, sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho đầu tư phát triển.

Diện mạo đô thị Sầm Sơn hiện đại có sự góp sức của nhiều nhà đầu tư tiềm lực.

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trên, trong 3 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 07-NQ/TU, thành phố đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, đơn giản hóa quy trình, thủ tục, mẫu hóa hồ sơ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, tạo thuận lợi nhất cho tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin; nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, thủ tục hành chính; tăng cường cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4, tích hợp vào hệ thống điều hành đô thị thông minh thành phố. Đến nay, 100% xã, phường đã thực hiện xử lý công việc trên hệ thống phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc. Kỷ luật, kỷ cương hành chính, lề lối, tác phong làm việc của cán bộ, công chức, viên chức được tăng cường; phát huy vai trò tự giác, gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc, củng cố niềm tin của Nhân dân đối với cơ quan Nhà nước. Công tác tiếp công dân được duy trì thường xuyên, thực hiện theo đúng quy định. Chính quyền thành phố đã tập trung kiểm tra, rà soát, đối thoại giải quyết các vụ việc khiếu kiện còn tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Chất lượng tham gia xây dựng, rà soát văn bản quy phạm pháp luật, phổ biến, giáo dục pháp luật, bổ trợ tư pháp, trợ giúp pháp lý từng bước được nâng lên.

Cùng với đó, thành phố tiếp tục quan tâm cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn. Từng bước giải quyết kịp thời khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, các nút thắt về đất đai, về hạ tầng, về thủ tục hành chính để thu hút các nhà đầu tư, nhất là nhà đầu tư chiến lược, có năng lực và tiềm năng tài chính lớn... Nhờ đó, môi trường đầu tư kinh doanh trên địa bàn tiếp tục được cải thiện; chỉ số năng lực cạnh tranh (DDCI) tăng từ vị trí thứ 9 năm 2021 lên vị trí thứ 3 năm 2022 với 77,44 điểm và thứ 2 năm 2023 với 89,94 điểm.

Đặc biệt, thành phố đã và đang tập trung huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư các dự án trọng điểm, mở rộng không gian đô thị và tăng tính kết nối với các địa phương khác, nhất là các khu vực kinh tế động lực. Tăng cường quản lý Nhà nước trong lĩnh vực đầu tư công; thực hiện tốt Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 và hằng năm, ưu tiên bố trí vốn tập trung để đầu tư các công trình trọng điểm, có tính đột phá và sức lan tỏa lớn, các công trình cấp bách... Nhờ đó, tổng huy động vốn đầu tư phát triển tăng đều hàng năm; riêng giai đoạn 2021-2023 ước đạt 25.495 tỷ đồng, đứng thứ 3 toàn tỉnh (sau TP Thanh Hóa và thị xã Nghi Sơn).

Ngoài ra, thành phố cũng thực hiện nhiều giải pháp tăng thu ngân sách; rà soát các khoản thu, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu triệt để cho ngân sách; khai thác có hiệu quả các dự án đầu tư có sử dụng đất để tạo nguồn lực cho đầu tư phát triển. Đồng thời, đẩy mạnh phát triển doanh nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ kinh doanh chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX theo hướng phát triển các hình thức hợp tác, liên kết theo chuỗi giá trị... Nhờ đó, thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt cao so với dự toán tỉnh giao. Tổng thu ngân sách giai đoạn 2021-2023 ước đạt 4.585 tỷ đồng, gấp 1,38 lần so với cả giai đoạn 2016-2020; tỷ lệ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm (không bao gồm tiền sử dụng đất) so với dự toán tỉnh giao đạt từ 30% trở lên. Chi ngân sách Nhà nước đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, ưu tiên chi đầu tư phát triển. Tổng chi ngân sách địa phương giai đoạn 2021-2023 ước đạt 4.135 tỷ đồng; trong đó, chi đầu tư phát triển chiếm tỷ trọng 68%, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng 32%. Công tác phát triển doanh nghiệp trên địa bàn thành phố được quan tâm, số doanh nghiệp thành lập mới hàng năm đều vượt kế hoạch tỉnh giao. Ước giai đoạn 2021-2023, thành phố thành lập mới được 425 doanh nghiệp...

Có thể nói, với sự quyết tâm, quyết liệt của chính quyền thành phố trong việc cải cách hành chính, cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, đã và đang góp phần xây dựng Sầm Sơn trở thành điểm đầu tư hấp dẫn. Từ đó, thu hút mạnh mẽ các nguồn lực để từng bước xây dựng và phát triển Sầm Sơn thành đô thị du lịch biển thông minh, hiện đại, hấp dẫn và thân thiện.

Bài và ảnh: Trường Giang

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/day-manh-cai-cach-hanh-chinh-nbsp-va-cai-thien-moi-truong-dau-tu-kinh-doanh-217532.htm