Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số
Chiều 15-1, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình chủ trì trực tuyến Phiên họp thứ chín của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ về đánh giá kết quả triển khai công tác CCHC năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ CCHC năm 2025.
Chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có đồng chí Nguyễn Văn Vĩnh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang; cùng đại diện lãnh đạo Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Tiền Giang đến dự.
Năm 2024, với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, cùng sự vào cuộc mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương và người dân, doanh nghiệp, việc rà soát, xử lý vướng mắc, bất cập về CCHC đã được tích cực triển khai thực hiện, góp phần thúc đẩy CCHC, cải thiện môi trường kinh doanh.
Thực hiện kế hoạch hoạt động năm 2024 với 64 nhóm nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể tính đến nay, các bộ, ngành đã hoàn thành 18/21 nhiệm vụ (85,71%); chưa hoàn thành 3/21 nhiệm vụ (14,28%), còn lại 42 nhiệm vụ là nhiệm vụ thường xuyên (có 1 nhiệm vụ xin lùi thời gian sang năm 2025).
Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành tổng số 4.673 văn bản để chỉ đạo, đôn đốc, quán triệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ CCHC; trong đó, các bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành 468 văn bản và các địa phương đã ban hành 4.205 văn bản.
Theo kết quả thống kê, trong năm 2024, các bộ, cơ quan ngang bộ đã đề ra 1.049 nhiệm vụ; UBND các tỉnh, thành phố đã đề ra 2.917 nhiệm vụ. Đến nay, các bộ, ngành Trung ương đã hoàn thành 1.019/1.049 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 97,14% so với kế hoạch, cao hơn 2,74% so với cùng kỳ năm 2023; UBND các tỉnh, thành phố đã hoàn thành 2.842/2.917 nhiệm vụ, đạt tỷ lệ 97,43% so với kế hoạch đề ra, thấp hơn 1,22% so với cùng kỳ năm 2023.
Bộ Nội vụ phối hợp với các bộ, ngành đã kiểm tra tại 166 cơ quan, đơn vị trực thuộc; qua đó, kịp thời xử lý và chỉ đạo xử lý đối với 37/139 vấn đề tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra, đạt tỷ lệ 26,62%. Các địa phương đã tiến hành kiểm tra tại 761 cơ quan, đơn vị; qua đó, kịp thời xử lý và chỉ đạo xử lý đối với 1.958/2.056 nhóm vấn đề tồn tại, hạn chế phát hiện qua kiểm tra, đạt tỷ lệ 95,23%.
Bên cạnh đó, kết quả sắp xếp tổ chức bộ máy cơ quan hành chính nhà nước các cấp tại 63 tỉnh, thành phố đã tiếp tục giảm 12 tổ chức chi cục, phòng và tương đương của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh; giảm 29 tổ chức phòng và tương đương thuộc UBND cấp huyện; lũy kế đến nay, đã giảm 13 sở và tương đương, 2.613 tổ chức cấp phòng và tương đương ở địa phương.
Kết quả thực hiện tinh giản biên chế công chức, viên chức của bộ, ngành, địa phương theo quy định tại các Nghị định của Chính phủ tổng số là 16.149 người (trong đó, bộ, ngành là 217 người; địa phương là 15.932 người). Thực hiện thành lập mới TP. Huế trực thuộc Trung ương; sắp xếp 38 đơn vị hành chính cấp huyện và 1.178 đơn vị hành chính cấp xã, sau sắp xếp giảm 9 đơn vị cấp huyện và 563 đơn vị cấp xã.
Tính từ đầu năm đến ngày 20-12-2024, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia trên 12,2 triệu văn bản, tăng hơn 4 triệu văn bản so với năm 2023. Tỷ lệ hồ sơ trực tuyến của bộ, ngành đạt 59,57% (tăng gần 2 lần so với năm 2023); địa phương đạt 56% (tăng 1,92 lần so với năm 2023). Tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính tại các bộ, ngành đạt 61,40% và các địa phương đạt 67,46%.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị trong năm 2025, các bộ, ngành, địa phương bám sát các chủ trương của Đảng, Chính phủ về cải cách tư pháp, trong đó thực hiện tốt Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, đưa Nghị quyết vào cuộc sống, trong đó phân công rõ người rõ việc, đến từng người, từng bộ, ngành, có nội dung, có thời hạn. Đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính; tập trung quyết liệt cho việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW. Xây dựng chính quyền điện tử, nhất là các đơn vị đã có nhiều mô hình hay, phổ biến cách làm để các địa phương, đơn vị học tập, rút kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả.
Đồng thời, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đề nghị sau phiên họp, thành viên Ban Chỉ đạo triển khai thực hiện ngay nhiệm vụ, giải pháp đã thống nhất để đẩy mạnh CCHC, nhất là cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, góp phần vào việc thực hiện hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.