Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số trong BĐBP, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế

Trong những năm qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ và chỉ đạo của Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, BĐBP đã triển khai nhiều giải pháp cơ bản, đồng bộ, linh hoạt, chặt chẽ về an ninh - quốc phòng trong cải cách thủ tục hành chính (CCTTHC) gắn với chuyển đổi số. Những chuyển biến đột phá trong đơn giản hóa quy trình thủ tục biên phòng ở cửa khẩu góp phần tạo sự thông thoáng, thuận lợi cho các hoạt động lưu thông biên giới, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế của đất nước. Để tìm hiểu cụ thể hơn về nội dung này, phóng viên Báo Biên phòng đã có cuộc phỏng vấn Thiếu tướng Lê Văn Phúc, Phó Tư lệnh BĐBP.

Thiếu tướng Lê Văn Phúc (thứ hai, từ phải sang) khảo sát công tác quản lý thủ tục, giấy tờ sử dụng trong lưu thông qua lại biên giới tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, BĐBP Quảng Bình. Ảnh: Châu Thành

Thiếu tướng Lê Văn Phúc (thứ hai, từ phải sang) khảo sát công tác quản lý thủ tục, giấy tờ sử dụng trong lưu thông qua lại biên giới tại Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Cha Lo, BĐBP Quảng Bình. Ảnh: Châu Thành

- Từ năm 2021, BĐBP đã thực hiện cải cách 21 thủ tục hành chính, trong đó, có 18 thủ tục trên Cổng thông tin một cửa quốc gia. Bộ Tư lệnh BĐBP đã phối hợp với các cơ quan hoàn thành triển khai hạ tầng, phần mềm kết nối thủ tục biên phòng điện tử tuyến biên giới đất liền theo cơ chế một cửa quốc gia. Đồng chí có thể phân tích một số biện pháp chủ yếu mà BĐBP triển khai và hiệu quả nổi bật của việc cải cách này, nhất là đối với người dân, doanh nghiệp?

- Thời gian qua, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quán triệt, triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Quốc phòng về công tác CCTTHC theo Quyết định 10/2016/QĐ-TTg, Quyết định số 15/2019/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về thủ tục biên phòng điện tử; Quyết định số 2158/QĐ-TTg, 1254/QĐ-TTg, 1258/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN và Quyết định số 06/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030; trong đó, tập trung nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trong lãnh đạo, chỉ huy các cấp và toàn thể cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng.

Đồng thời, các đơn vị trong BĐBP đã tăng cường phối hợp với các lực lượng, cơ quan, đơn vị thuộc các bộ, ngành Trung ương trong triển khai CCTTHC, gắn với chuyển đổi số; chủ động phối hợp với các cơ quan của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thống nhất nội dung, phương thức kết nối đồng bộ khai thác thông tin cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất, nhập cảnh để phục vụ cho các yêu cầu công tác CCTTHC và chuyển đổi số.

Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh BĐBP đã quyết liệt chỉ đạo triển khai các giải pháp ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhất là về hạ tầng công nghệ thông tin trong CCTTHC gắn với chuyển đổi số, phục vụ cho công tác quản lý và kiểm soát xuất, nhập cảnh ở các cửa khẩu do Bộ Quốc phòng quản lý.

Cụ thể, BĐBP đã triển khai 21 thủ tục biên phòng điện tử (trong đó, có 18 thủ tục kết nối hệ thống cơ chế một cửa quốc gia, 3 thủ tục triển khai nội bộ) tại 50 cửa khẩu biên giới đất liền và tất cả cửa khẩu cảng trên toàn quốc; triển khai 19 hệ thống cổng kiểm soát tự động có tính năng nhận diện khuôn mặt, vân tay ở tất cả các cửa khẩu tỉnh tuyến biên giới đất liền; ứng dụng công nghệ mã vạch trong kiểm soát xuất, nhập cảnh đối với cư dân biên giới tuyến Việt Nam, Trung Quốc và cấp kiểm soát các loại giấy tờ, giấy phép; cấp giấy phép bằng hình thức chữ ký số cho toàn bộ các thuyền viên đi bờ và tàu thuyền cập mạn.

Với các nội dung và biện pháp đồng bộ, CCTTHC gắn với chuyển đổi số trong BĐBP những năm qua đã có những chuyển biến tích cực và đem lại hiệu quả, được các bộ, ngành, đặc biệt là người dân và doanh nghiệp đánh giá cao. Việc triển khai thủ tục biên phòng điện tử theo cơ chế một cửa quốc gia được coi là điểm sáng trong thực hiện CCTTHC của BĐBP; góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, công khai minh bạch hành chính; rút ngắn thời gian và tiết kiệm chi phí trong khai báo thủ tục tàu thuyền, phương tiện.

Hệ thống cổng kiểm soát xuất nhập cảnh tự động hóa được triển khai đã rút ngắn thời gian xuất, nhập cảnh của hành khách từ 40 giây xuống còn 12 đến 14 giây đảm bảo thông thoáng, tạo hình ảnh cửa khẩu văn minh, hiện đại, hội nhập quốc tế và khu vực.

- Việc CCTTHC giúp cho người dân, doanh nghiệp được hưởng lợi rất nhiều, nhất là thời gian chờ đợi được cắt giảm rõ rệt. Tuy nhiên, quá trình CCTTHC gắn với chuyển đổi số đã đặt ra những khó khăn, thách thức như thế nào đối với BĐBP, thưa đồng chí?

- Trong quá trình thực hiện CCTTHC gắn với chuyển đổi số, bên cạnh những thành tựu đã đạt được, cán bộ, chiến sĩ BĐBP cũng đã đối mặt với một số khó khăn tác động đến công tác lãnh đạo, chỉ huy.

Đầu tiên, cơ sở pháp lý chưa đồng bộ trong công tác triển khai thủ tục hành chính, CCTTHC với chuyển đổi số. Thứ hai, các dữ liệu của các cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành chưa kết nối liên thông; các hệ thống phần mềm chuyên ngành chưa khai thác, chia sẻ dữ liệu với cơ sở quốc gia về dân cư; cơ sở hạ tầng của nhiều cửa khẩu chưa đáp ứng được yêu cầu.

Thứ ba, hệ thống trang thiết bị công nghệ thông tin, nhất là ở các đơn vị cơ sở chưa đồng bộ, chưa thống nhất. Đây là vấn đề khó khăn nhất cho các đồn Biên phòng cửa khẩu cảng và tuyến cửa khẩu đường bộ để đồng bộ cơ sở dữ liệu khi thực hiện CCTTHC và công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh. Thứ tư, một số người dân, doanh nghiệp chưa quen với cách thức giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử.

Ngoài ra, kỹ năng công nghệ thông tin, ngoại ngữ của cán bộ, chiến sĩ BĐBP - những người trực tiếp làm CCTTHC và chuyển đổi số cũng chưa đồng đều, chưa kịp với trình độ công nghệ thông tin đang phát triển hiện nay, đòi hỏi nhu cầu đào tạo trong thời gian tới.

- CCTTHC gắn với chuyển đổi số trong BĐBP nói chung, đặc biệt là trong công tác kiểm soát ở các cửa khẩu, cảng biển thời gian tới sẽ được triển khai theo những phương hướng trọng tâm ra sao, thưa đồng chí?

- Thời gian tới, Bộ Tư lệnh BĐBP tiếp tục tăng cường công tác CCTTHC gắn với chuyển đổi số trong công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh, trong đó tập trung một số nội dung trọng tâm như sau:

Một là, tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Quốc phòng về đẩy mạnh CCTTHC gắn với chuyển đổi số. Tập trung nghiên cứu ứng dụng nền tảng số để đẩy mạnh hơn nữa công tác CCTTHC, từng bước chuyển dần từ nền tảng thủ tục biên phòng điện tử sang nền tảng thủ tục biên phòng số, tự động hóa trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính.

Gắn chặt chẽ giữa CCTTHC với chuyển đổi số, theo phương châm “cải cách là nền tảng, công nghệ là giải pháp, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm mục tiêu phấn đấu”. Tiếp tục triển khai có hiệu quả CCTTHC điện tử đối với tàu thuyền đến và rời cảng, cấp các loại giấy tờ theo cách thức điện tử; rà soát, tối ưu hóa các quy trình, thủ tục hành chính thuộc phạm vi quản lý.

Hai là, tham mưu hoàn thiện thể chế về công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh, đi đôi với đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ, ứng dụng công nghệ thông tin để đầu tư phương tiện, trang bị kỹ thuật hiện đại.

Ba là, tích cực phối hợp với Bộ Công an, các bộ, ngành liên quan triển khai Đề án 06 của Chính phủ và phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến 2030; mở rộng, kiểm soát xuất, nhập cảnh qua cổng kiểm soát tự động; phối hợp nghiên cứu để tham mưu triển khai nhân rộng mô hình cửa khẩu số, cửa khẩu thông minh tại các cửa khẩu biên giới đất liền trên toàn quốc.

Bốn là, thường xuyên bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, năng lực chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên; xây dựng đội ngũ này vững mạnh về chính trị, tinh thông về nghiệp vụ, có tinh thần thái độ làm việc văn minh chuyên nghiệp. Đẩy mạnh phân cấp phân quyền, cắt giảm các thủ tục hành chính, số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo quy định.

Tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đánh giá kết quả thực hiện CCTTHC, khảo sát đo lường mức độ hài lòng của người dân và doanh nghiệp. Phối hợp với các bộ, ngành đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền công khai, minh bạch và tạo sự đồng thuận của người dân, xã hội; kịp thời khắc phục những tồn tại, hạn chế nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng hiệu quả trong công tác kiểm soát xuất, nhập cảnh; tạo sự đồng thuận, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp.

- Xin trân trọng cảm ơn đồng chí Phó Tư lệnh BĐBP!

Thu Minh (thực hiện)

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/day-manh-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-gan-voi-chuyen-doi-so-trong-bdbp-gop-phan-phat-trien-kinh-te-xa-hoi-va-hoi-nhap-quoc-te-post464564.html