Đẩy mạnh 'chiến dịch' thu thập cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và cấp căn cước công dân
Ngày 1-3, phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến giữa Ban chỉ đạo (BCĐ) xây dựng Dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư (CSDLQG về DC) và Dự án Sản xuất, cấp, và Quản lý căn cước công dân (CCCD) với Công an (CA) 10 tỉnh, thành phố trọng điểm (gồm Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Đồng Nai, Bình Dương, Thanh Hóa, Nghệ An và Bắc Ninh), Đại tướng Tô Lâm- Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ CA, Trưởng BCĐ chỉ đạo Giám đốc CA 10 địa phương phải xác định rõ trách nhiệm và tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ của 2 Dự án nêu trên, nhất là hoàn thành việc cấp CCCD cho công dân tại địa bàn theo đúng tiến độ, tiết kiệm chi phí.
Tại điểm cầu CATP Đà Nẵng, Thiếu tướng Vũ Xuân Viên- Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc CATP chủ trì.
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, trên cơ sở kết quả rà soát và phân loại theo nhóm những người đến tuổi cấp CCCD ở địa phương, CA các địa phương phải nghiên cứu, áp dụng những cách làm sáng tạo, hiệu quả phù hợp với từng nhóm đối tượng và đặc điểm tình hình của từng địa bàn; có kế hoạch khoa học, chi tiết, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng, phấn đấu hoàn thành càng sớm càng tốt để tăng cường chi viện cho các địa bàn khác. Tinh thần là vừa làm vừa rút kinh nghiệm, linh hoạt điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế.
Bộ trưởng Tô Lâm cũng yêu cầu các đơn vị thành viên BCĐ căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao chuẩn bị tốt các điều kiện đảm bảo để thực hiện Dự án, xem đây là "chiến dịch" trọng điểm; qua đó, những khó khăn, vướng mắc của các địa phương đều phải được kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ ngay, không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện; phải kết hợp triển khai các biện pháp nghiệp vụ với việc thực hiện "chiến dịch" cấp CCCD và thu thập cơ sở dữ liệu dân cư; cần tăng cường công tác tuyên truyền để các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân hiểu rõ, ủng hộ quá trình thực hiện. Đồng chí Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Truyền thông CAND chủ trì, phối hợp với CA các đơn vị, địa phương và phối hợp với các cơ quan truyền thông ngoài ngành thực hiện tốt công tác tuyên truyền.
Ngoài ra, Bộ trưởng cũng chỉ đạo các đơn vị, địa phương liên quan thực hiện tốt công tác thi đua khen thưởng và giải quyết chế độ, chính sách cho CBCS tham gia; Cục CSQLHC về TTXH với trách nhiệm là Cơ quan Thường trực chủ trì phối hợp với Văn phòng Bộ CA theo dõi chặt chẽ quá trình thực hiện, tham mưu lãnh đạo Bộ tổ chức kiểm tra, đôn đốc thực hiện tại địa bàn cơ sở, định kỳ hàng ngày có báo cáo kết quả cấp CCCD tại 10 địa phương và toàn quốc.
Trước đó tại Hội nghị, báo cáo tình hình thực hiện 2 Dự án tại 10 tỉnh, thành phố, trọng tâm là công tác cấp CCCD, Thượng tá Tô Anh Dũng- Phó Cục trưởng Cục CSQLHC về TTXH, Giám đốc Trung tâm DLQG về DC cho biết, tính đến ngày 26-2, CA các địa phương đã thu nhận được 973.544 hồ sơ CCCD; phối hợp với nhà thầu sản xuất, in cá thể hóa và chuyển trả CA địa phương 139.526 thẻ.
Cục CSQLHC về TTXH và các đơn vị đã đánh giá và xác định việc trang cấp 1.648 bộ thu nhận hồ sơ cấp CCCD cho CA các đơn vị, địa phương hoàn toàn đáp ứng và bảo đảm tiến độ thu nhận đủ 50 triệu hồ sơ CCCD tại CA các địa phương. Ngoài ra, theo Cục CSQLHC về TTXH, để đảm bảo hoàn thành 50 triệu thẻ có 3 yếu tố quyết định đó là: Điều tra cơ bản người dân theo nhóm đối tượng (học sinh, sinh viên; công nhân trong các nhà máy, xí nghiệp; công nhân viên chức trong các cơ quan hành chính sự nghiệp; doanh trại lực lượng vũ trang; số người ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, người sống trên vùng sông nước); theo địa bàn và theo thời gian; kỹ thuật lấy đường vân của cán bộ; dữ liệu dân cư phải chính xác… Căn cứ vào 3 yếu tố này, CA các địa phương triển khai thực hiện phù hợp với điều kiện, tình hình cụ thể tại địa phương mình.
Tại Đà Nẵng, liên quan đến việc triển khai các giải pháp làm sạch dữ liệu, theo báo cáo của CATP, tính đến ngày 23-2-2021 đã thu thập được hơn 976 ngàn phiếu/995 ngàn nhân khẩu thường trú, còn hơn 19 ngàn nhân khẩu thường trú chưa thu thập (do vắng mặt tại địa phương). CATP cũng đã chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương triển khai nhiều giải pháp nhằm làm sạch dữ liệu, thực hiện thu thập đối với nhân khẩu thường trú vắng mặt tại địa phương. Theo đó, đã rà soát đối với những trường hợp là phạm nhân có địa chỉ thường trú tại Đà Nẵng đang thi hành án tại các trại tạm giam trên toàn quốc (hiện đã rà soát được 861/1.495 trường hợp). Bên cạnh đó, đã rà soát trường hợp công dân thôi quốc tịch Việt Nam có địa chỉ nơi cư trú trước khi xuất cảnh tại Đà Nẵng, nhằm loại bỏ những trường hợp này ra khỏi cơ sở dữ liệu để không cấp số định danh cá nhân.
Liên quan đến công tác triển khai thu nhận hồ sơ cấp CCCD, từ ngày 4-1 đến 22-2, đã nhận 5.299 hồ sơ, trong đó có 1.081 trường hợp phải lập DC01 (phiếu thu thập thông tin dân cư), 2.130 hồ sơ phải cập nhật DC02 (phiếu cập nhật thông tin dân cư). CATP Đà Nẵng cũng đã chỉ đạo CA các đơn vị, địa phương sau khi nhận được USB Token (là thiết bị phần cứng - USB dùng để tạo ra cặp khóa công khai và bí mật cũng như lưu trữ thông tin của khách hàng) sẽ tiến hành đăng nhập vào hệ thống CSDLQG, thực hiện các thao tác nghiệp vụ theo kịch bản thí điểm, từ đó đưa ra đánh giá về hệ thống.
Cũng theo CATP Đà Nẵng, qua triển khai thí điểm tại Phòng CSQLHC về TTXH và CA quận, huyện, phường, xã, do thời gian thí điểm, vận hành hệ thống ít (từ ngày 21-2 đến 24-2), máy chủ đang trong giai đoạn hoàn thiện dẫn đến việc kết nối hệ thống không ổn định, do đó khó có thể đánh giá chính xác khả năng đáp ứng của hệ thống, nhằm đưa ra những đề xuất phù hợp với thực tiễn, nhiều tài khoản đăng nhập vào hệ thống bị lỗi, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình thí điểm.
Bên cạnh đó, phần mềm vận hành thường xảy ra lỗi, bị treo máy, nhất là khi chụp ảnh. Máy tính và máy in đã được đồng bộ nhưng nhiều lúc vẫn không in được. Máy thu nhận vân tay không nhạy, nhiều trường hợp như vân tay khô hay nhiều mồ hôi nên máy nhận vân tay không ghi nhận dẫn đến thời gian thu nhận kéo dài…