Đẩy mạnh chung tay, góp sức
Du lịch là lĩnh vực hưởng lợi đầu tiên khi kinh tế - xã hội phát triển, nhưng cũng là lĩnh vực bị ảnh hưởng đầu tiên khi nền kinh tế bất ổn hay xảy ra thiên tai, dịch bệnh.
Theo dự báo của Tổng cục Thống kê, kết thúc quý I-2020, lượng khách quốc tế đến Việt Nam có thể giảm khoảng 800.000 lượt.
Nguyên nhân chủ yếu đến từ dịch bệnh do chủng mới của vi rút corona (Covid-19). Với riêng Hà Nội, ngay trong tháng 1-2020, thành phố đón 2,34 triệu lượt khách, giảm 3,5% so với cùng kỳ tháng 1-2019, trong đó khách quốc tế giảm 9%.
Trong bối cảnh khó khăn đó, sự bình tĩnh ứng phó với dịch bệnh của ngành Du lịch cả nước nói chung, ngành Du lịch Thủ đô nói riêng được thể hiện khá rõ. Chưa đầy 2 ngày sau khi Tổ chức Y tế thế giới đưa ra khuyến cáo không nhất thiết hạn chế các hoạt động đi lại, du lịch (ngày 6-2), Tổng cục Du lịch và các sở du lịch, doanh nghiệp, hiệp hội lữ hành… đã tổ chức hội nghị “Ngành Du lịch ứng phó với dịch viêm đường hô hấp cấp nCoV”.
Tại đây, thông điệp nhất quán được đưa ra là: Cần đẩy mạnh tuyên truyền và chung tay phòng, chống dịch bệnh; đồng thời cần ứng xử văn minh, tạo được sự yên tâm đối với du khách, qua đó tạo hiệu ứng giúp ngành Du lịch sớm lấy lại đà tăng trưởng khi dịch bệnh chấm dứt và tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá ngay khi có thể.
Có thể khẳng định, du lịch là một trong những ngành đầu tiên phản ứng tức thì, chung tay đưa ra phương hướng cụ thể ứng phó với dịch bệnh. Dù vậy, trước diễn biến của dịch bệnh Covid-19 vẫn phức tạp, chặng đường trước mắt của ngành Du lịch, trong đó có Du lịch Thủ đô sẽ còn đối mặt với nhiều khó khăn nên cần sự nỗ lực, chung sức của tất cả các bên liên quan.
Trước hết, Sở Du lịch Hà Nội, Hiệp hội Du lịch Hà Nội, Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội, 1.300 doanh nghiệp lữ hành, 3.000 cơ sở lưu trú, các điểm đến của Thủ đô cần triệt để tuân thủ khuyến cáo của Bộ Y tế về phòng, chống dịch bệnh tại nơi đông người; hỗ trợ chi phí cho các du khách phải ở lại khi kết thúc tour vì các chuyến bay bị hủy… Tất cả vì mục tiêu, giữ vững hình ảnh về một Hà Nội thân thiện, mến khách, là điểm đến an toàn trong mọi tình huống.
Song song đó, cần có sự điều chỉnh thị trường khách. Theo nghiên cứu của các chuyên gia cũng như thực tế tại các địa phương, thị trường nội địa sẽ hồi phục sớm nhất và nhanh nhất. Do đó, cần tập trung các giải pháp ưu tiên thúc đẩy phân khúc này. Trong đó, quan trọng nhất là các đơn vị “bắt tay nhau” xây dựng các gói kích cầu với sự tham gia của toàn hệ thống doanh nghiệp vận chuyển, lữ hành, khách sạn, nhà hàng, cơ sở mua sắm, bảo tàng, di tích, danh lam thắng cảnh, ví như: Giảm giá tour, miễn phí tham quan…
Với khách quốc tế, cần hướng tới thị trường châu Âu, Mỹ, Canada, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản… để giảm phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc. Trong tháng 1-2020, mặc dù khách Trung Quốc tới Hà Nội giảm mạnh, nhưng khách Ấn Độ tăng 65%, khách châu Âu tăng 25%. Điều đó càng cho thấy, việc đa dạng hóa, cơ cấu lại thị trường, đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá tại các thị trường không bị ảnh hưởng của dịch bệnh và có kết nối đường bay trực tiếp, là hướng đi đúng.
Khi tăng trưởng trở lại sau dịch SARS (năm 2003), khủng hoảng tài chính toàn cầu (năm 2009), ngành Du lịch thiếu trầm trọng các hướng dẫn viên, điều hành tour. Rút kinh nghiệm từ bài học đó, trong bối cảnh khách giảm như hiện nay, các doanh nghiệp nên trích Quỹ dự phòng tài chính, củng cố tổ chức, giữ chân - đào tạo bồi dưỡng nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ…, để cơ cấu lại chính mình.
Nỗ lực vượt qua khó khăn, triệt để tận dụng mọi cơ hội, đây chính là lúc ngành Du lịch Thủ đô đẩy mạnh hơn sự hợp tác chung tay, góp sức của các bên liên quan, đồng thời thực hiện triệt để việc tái cơ cấu để tìm hướng đi mới, cơ hội mới, hướng tới sự phát triển bền vững.