Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu
Tình hình thời tiết đang có những diễn biến phức tạp, khó lường, do đó việc sản xuất nông nghiệp của người dân cũng bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các hiện tượng thời tiết cực đoan. Chính vì vậy, ngành nông nghiệp Thanh Hóa đã và đang thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có chuyển đổi cơ cấu cây trồng để thích ứng và phát triển bền vững trước thách thức từ biến đổi khí hậu.
Mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được chuyển đổi trên diện tích sản xuất lúa khó khăn về nguồn nước tại xã Nga Yên (Nga Sơn).
Biến đổi khí hậu đang gây ra các tác động tiêu cực đến sản xuất nông nghiệp trên diện rộng, đặt ra nhiều vấn đề trong duy trì chất lượng đất trồng, kiểm soát bệnh thực vật, duy trì hiệu quả năng suất cây trồng và quản lý sâu bệnh, dịch hại... Trên địa bàn tỉnh, niên vụ 2022-2023, dù diện tích sản xuất sắn nguyên liệu lớn, nhưng năng suất, sản lượng lại giảm do diện tích sắn bị bệnh khảm lá trên toàn tỉnh lên tới hơn 2.300 ha. Bệnh khảm lá có phần nguyên nhân do biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, người sản xuất tại các vùng trồng sắn nguyên liệu như: Ngọc Lặc, Như Thanh, Như Xuân, Thường Xuân, Thọ Xuân và Triệu Sơn ở niên vụ 2023-2024 đã phải thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm diện tích trồng mới không tái nhiễm. Thậm chí chuyển đổi sang những loại cây trồng khác trên diện tích đất trồng sắn mang mầm bệnh.
Tại huyện Thường Xuân, ở niên vụ trước, diện tích đất trồng sắn bị nhiễm bệnh khoảng hơn 500 ha. Do đó, trong niên vụ này Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện đã vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên diện tích đất trồng sắn nhiễm bệnh khảm lá nặng và thực hiện xử lý đồng ruộng trước khi vào vụ mới. Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thường Xuân Trịnh Văn Trường cho biết: Do thời tiết có nhiều hiện tượng cực đoan, diễn biến bất lợi cho sản xuất nên diện tích cây trồng nhiễm bệnh khá cao, trong đó có diện tích sắn bị nhiễm bệnh khảm lá. Trên diện tích hơn 100 ha sắn vụ trước bị nhiễm bệnh, huyện đã vận động người dân chuyển đổi sang trồng cây gai xanh, cỏ chăn nuôi, cây ăn quả...
Tại xã Nga Yên (Nga Sơn), trên diện tích sản xuất lúa khó khăn về nguồn nước cũng được chuyển đổi sang các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao và thay thế bằng cây trồng chịu hạn tốt như ngô, lạc. Giám đốc HTX dịch vụ nông nghiệp xã Nga Yên Mai Đăng Bắc cho biết: Những năm gần đây, người dân trồng ngô, lạc thậm chí chuyển đổi sang xây dựng nhà lưới để sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao trên đất sản xuất 2 vụ lúa. Cách làm này không chỉ giúp tăng năng suất, tăng thu nhập, mà còn góp phần cải tạo đất nông nghiệp. Sản xuất cây lạc và ngô đã giúp HTX phá thế độc canh cây lúa, tiếp cận khoa học - kỹ thuật, đồng thời trang bị kiến thức để người dân ứng dụng vào sản xuất ngày càng tốt hơn, hiệu quả hơn.
Năm 2023, tỉnh Thanh Hóa đề ra kế hoạch chuyển đổi 1.908,1 ha đất nông nghiệp kém hiệu quả sang trồng cây hàng năm và 560,4 ha trồng cây lâu năm. Trong đó, chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và giảm quy mô diện tích một số cây trồng hiệu quả kinh tế không cao. Bên cạnh đó, căn cứ trên cơ sở khảo sát đánh giá lại chất lượng đất nông nghiệp, tỉnh sẽ tiếp tục rà soát điều chỉnh kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế, nhu cầu thị trường và thích ứng với biến đổi khí hậu tại địa phương.
Vụ mùa năm 2023, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa dự báo có hơn 18.095 ha cây trồng có khả năng thiếu nước, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng. Do đó, ngành đã yêu cầu các địa phương triển khai kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sử dụng đất và ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu. Trong đó, việc chuyển đổi được thực hiện một cách bài bản, khoa học, tuân thủ quy hoạch, không mang tính tự phát. Ngành nông nghiệp sẽ là cầu nối để tiêu thụ các loại cây trồng sau khi chuyển đổi, tạo liên kết bền vững, gắn sản xuất với tiêu thụ. Bên cạnh đó, từ chuyển đổi cây trồng, ngành nông nghiệp và các địa phương sẽ cân đối, lồng ghép nguồn kinh phí hỗ trợ từ các chương trình, dự án để khuyến khích người dân hình thành các vùng chuyên canh sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, những mô hình sản xuất nông nghiệp hiệu quả hay những vùng nguyên liệu đạt các tiêu chuẩn xuất khẩu, làm cơ sở kêu gọi đầu tư vào sơ chế, chế biến...