Đẩy mạnh chuyển đổi số ngành hải quan
Trong lĩnh vực quản lý nhà nước về hải quan, việc đẩy mạnh chuyển đổi số là yêu cầu khách quan và tất yếu. Đây cũng là cơ sở quan trọng để xây dựng một ngành hải quan thông minh theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, hướng tới xây dựng Chính phủ số, nền kinh tế số, xã hội số.
Công tác triển khai cơ chế một cửa quốc gia thời gian qua bước đầu mang lại lợi ích nhiều mặt cho người dân và doanh nghiệp. Việc áp dụng khoa học, công nghệ giúp các cơ quan quản lý tiết kiệm thời gian hoàn thành thủ tục cấp phép và thông quan lô hàng xuất, nhập khẩu, đồng thời tiết kiệm chi phí và sử dụng nguồn lực hợp lý và hiệu quả, tăng cường tính minh bạch trong quá trình làm thủ tục hành chính.
Mới đây, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn đã ký quyết định phê duyệt kế hoạch chuyển đổi số ngành hải quan đến năm 2025, định hướng năm 2030. Theo đó, nhiệm vụ trọng tâm là ứng dụng công nghệ số và các giải pháp của cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư một cách mạnh mẽ nhằm cải cách, đổi mới toàn diện hoạt động nghiệp vụ hải quan, hướng đến một ngành hải quan thông minh, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước.
Năm 2021, lần đầu tiên tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam đạt 668 tỷ USD, trở thành nước có tỷ trọng xuất, nhập khẩu lớn nhất Đông Nam Á, vượt qua Indonesia và Thái Lan. Chỉ tính riêng trong tháng 3-2022, xuất khẩu của Việt Nam đã đạt được 68 tỷ USD, gấp 20 lần tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2010. Đây là một thành tựu to lớn, góp phần khẳng định Việt Nam trở thành nước xuất khẩu là chủ yếu trước tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động. Để đạt được những thành tựu này, chuyển đổi số nghiệp vụ hải quan đã góp phần tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp, rút ngắn thời gian cũng như tiết giảm chi phí, mang lại những lợi ích bền vững.
Trong giai đoạn phát triển 2021-2025, ngành hải quan tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đặc biệt trong bối cảnh nước ta đang triển khai cơ chế một cửa quốc gia mạnh mẽ song song cùng cơ chế một cửa ASEAN. Bên cạnh đó, các nhiệm vụ tiếp tục phát triển hệ thống nền tảng đáp ứng yêu cầu của một ngành hải quan số cũng như phục vụ kết nối, chia sẻ dữ liệu hệ thống thông tin nội ngành theo mô hình kết nối chia sẻ tập trung cũng được các cơ quan, ban, ngành đẩy mạnh triển khai đồng bộ nhằm hoàn thiện nền tảng cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Những lợi ích mang lại của chuyển đổi số không chỉ đối với ngành hải quan mà còn mang lại lợi ích cho đất nước, hoạt động xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp và các bộ, ngành cùng các bên liên quan.
Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/day-manh-chuyen-doi-so-nganh-hai-quan-697042