Đẩy mạnh chuyển đổi số, tạo bứt phá để phát triển kinh tế số, xã hội số

Chuyển đổi số mang lại những thay đổi bước ngoặt, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh không chỉ giữa các doanh nghiệp mà còn giữa các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới. Chính vì thế, chuyển đổi số nền kinh tế số hiện tại là mục tiêu quan trọng hàng đầu trong quá trình phát triển của nền kinh tế Việt Nam.

Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số diễn ra ngày 19/7/2024

Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số diễn ra ngày 19/7/2024

Chuyển đổi số được triển khai đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm

Ngày 27/9/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Trên cơ sở đó, ngày 03/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030.

Theo đó, xây dựng Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới; đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động quản lý, điều hành của Chính phủ, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân, phát triển môi trường số an toàn, nhân văn, rộng khắp. Chương trình Chuyển đổi số quốc gia nhằm mục tiêu kép là vừa phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, vừa hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực đi ra toàn cầu, với một số chỉ số cơ bản.

Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII tiếp tục nhấn mạnh, coi chuyển đổi số là phương thức mới có tính đột phá để rút ngắn quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII nêu rõ đất nước ta phải “Phát triển nhanh và bền vững dựa chủ yếu vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo và công nghệ số. Phải đổi mới tư duy và hành động, chủ động nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với quá trình hội nhập quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số...”.

Thời gian qua, nhiệm vụ chuyển đổi số đã được triển khai bài bản, tích cực, đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm đặc biệt là việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đạt kết quả tương đối tốt so với nhiều nước, với quan điểm dữ liệu là quan trọng và cấp bách. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp để thực hiện ngày càng hiệu quả, thiết thực công cuộc chuyển đổi số quốc gia; đẩy mạnh chuyển đổi số trên hầu hết các lĩnh vực; tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách nhằm thúc đẩy phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số, công dân số.

Cụ thể, trong giai đoạn 2021-2024, chuyển đổi số được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, bao trùm, xuyên suốt, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hạ tầng số, nền tảng số được quan tâm đầu tư và có bước phát triển. 100% xã, phường, thị trấn kết nối Internet cáp quang. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá về kết quả chuyển đổi số của Việt Nam. Chỉ số Chính phủ điện tử năm 2022 xếp hạng 86/193. Chỉ số Đổi mới sáng tạo luôn duy trì trong nhóm 50 nước dẫn đầu từ năm 2018 đến nay; năm 2023 xếp hạng 46/132. Chỉ số Bưu chính năm 2023 đạt cấp độ 6/10, xếp hạng 47/172.

Kinh tế số Việt Nam tăng cao nhất ASEAN 2 năm liên tiếp

Tại Hội nghị Thường trực Chính phủ về chuyển đổi số diễn ra ngày 19/7/2024, các báo cáo, ý kiến phát biểu đã thống nhất đánh giá, chuyển đổi số thời gian qua đạt được nhiều kết quả nổi bật. Đáng chú ý, về kinh tế số, xã hội số, được đánh giá là “tiếp tục phát triển mạnh mẽ”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số.

Cụ thể, sản phẩm số của doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục phát triển và xuất khẩu đi khắp thế giới. Theo báo cáo của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu sản phẩm số tăng từ 113,5 tỷ USD năm 2021 lên 117,3 tỷ USD năm 2023; 6 tháng năm 2024 đạt 64,9 tỷ USD, tăng 23%.

Doanh thu phần mềm và dịch vụ công nghệ thông tin tăng khá (năm 2023: 13 tỷ USD; 6 tháng 2024: 6 tỷ USD); xuất khẩu năm 2023 đạt 7,5 tỷ USD; 6 tháng 2024 đạt gần 3 tỷ USD.

Nhiều tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới đã đầu tư lớn tại Việt Nam, cam kết đầu tư mới và mở rộng đầu tư, nhất là trong lĩnh vực mới như điện tử, chip bán dẫn, nghiên cứu phát triển, trí tuệ nhân tạo (AI)...

Số hóa các ngành kinh tế, công tác chuyển đổi số trong quản lý, đầu tư xây dựng, sản xuất được triển khai mạnh mẽ. Doanh thu thương mại điện tử tăng từ 13,7 tỷ USD năm 2021 lên 20,5 tỷ USD năm 2023. Hàng trăm sản phẩm OCOP đã được bán thông qua các sàn thương mại điện tử trong nước và xuyên biên giới, tạo sinh kế và thu nhập cao cho người nông dân.

Thanh toán không dùng tiền mặt được triển khai rộng khắp trên phạm vi cả nước. Tỉ lệ người trưởng thành có tài khoản thanh toán đạt 87%, vượt mục tiêu năm 2025 là 80%. Hiện có 9,13 triệu khách hàng sử dụng Mobile Money, trong đó 72% khách hàng tại khu vực nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.

Các chỉ tiêu cụ thể để thực hiện chuyển đổi số năm 2024.

Các chỉ tiêu cụ thể để thực hiện chuyển đổi số năm 2024.

Hệ thống thuế điện tử được xây dựng đồng bộ từ đăng ký thuế đến khai thuế, nộp thuế, hoàn thuế điện tử và triển khai Hệ thống hóa đơn điện tử trên toàn quốc (xử lý 8,8 tỷ hóa đơn).

Cùng với đó, chuyển đổi số phục vụ người dân, an sinh xã hội có bước phát triển mạnh mẽ, như đăng ký thi tốt nghiệp THPT, đăng ký xét tuyển trực tuyến trong giáo dục; liên thông dữ liệu khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, khai tử...; trong bảo hiểm xã hội (cao điểm COVID-19, trong một tháng, đã chi trả 31.836 tỷ đồng cho trên 13,3 triệu lượt người lao động qua hệ thống điện tử); 63/63 địa phương thực hiện chi trả an sinh xã hội qua tài khoản cho 1,96 triệu người với số tiền trên 8.280 tỷ đồng.

Còn Báo cáo của Bộ Thông tin và Truyền thông - Cơ quan thường trực Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số cho biết, theo đánh giá của thế giới, tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam đang dẫn đầu khu vực Đông Nam Á. Nếu năm 2020, Việt Nam chỉ đứng thứ 6 trong khu vực ASEAN về tốc độ tăng trưởng kinh tế số, thì năm 2021 đứng thứ 3 và hai năm tiếp theo 2022, 2023 đứng thứ nhất. Cụ thể, báo cáo của Google xác định kinh tế số Việt Nam năm 2022 tăng trưởng 28%, 2023 đạt 19%, cao gấp 3,5 lần tốc độ tăng trưởng GDP.

Trong khi đó, Báo cáo chỉ số sẵn sàng AI toàn cầu năm 2022 xếp Việt Nam hạng 55 toàn cầu, trong khi Singapore xếp thứ 2, Malaysia 29, Thái Lan 31. Về xếp hạng an toàn, an ninh mạng toàn cầu, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 25/194 quốc gia, vùng lãnh thổ được xếp hạng…

Tại Phiên họp lần thứ 8 của Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, với trọng tâm thảo luận về kinh tế số, Thủ tướng nêu rõ: Phát triển kinh tế số là đòi hỏi khách quan, yêu cầu bắt buộc trong phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam phù hợp xu thế phát triển hiện nay. Phát triển kinh tế số phải gắn với kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ; góp phần xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

“Phát triển kinh tế số là một quá trình liên tục, bền bỉ, không ngừng nghỉ, không có điểm dừng; chúng ta phải đổi mới tư duy, có tầm nhìn chiến lược, tinh thần quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt; huy động hiệu quả mọi nguồn lực, đẩy mạnh hợp tác công tư để bắt cùng, tiến kịp và vượt lên so với khu vực, thế giới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Nhật Minh

Nguồn Bảo Vệ Công Lý: https://baove.congly.vn/day-manh-chuyen-doi-so-tao-but-pha-de-phat-trien-kinh-te-so-xa-hoi-so-442683.html