Đẩy mạnh chuyển đổi số trong nông nghiệp
Xác định chuyển đổi số (CĐS) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, tất yếu để thay đổi diện mạo cho ngành nông nghiệp, thời gian qua, các đơn vị trong ngành nông nghiệp, các tổ chức, cá nhân trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh CĐS vào trong công tác chỉ đạo, điều hành, cũng như sản xuất. Qua đó, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động và từng bước đưa nông sản Quảng Trị vươn xa.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hồng Phương cho biết, sau thời gian khuyến khích các địa phương, người dân đẩy mạnh phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, nhiều thương hiệu nông sản Quảng Trị đã có mặt ở các thị trường trong và ngoài nước, tiếp cận với phân khúc khách hàng khó tính, góp phần tạo đột phá mạnh mẽ trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Hoạt động CĐS trong lĩnh vực nông nghiệp đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi tư duy sản xuất của nông dân, hướng đến nền nông nghiệp hiện đại, thông minh và bền vững. Có thể kể đến như trong lĩnh vực trồng trọt, đến nay toàn tỉnh đã có hơn 30 nhà kính, nhà lưới với diện tích khoảng 3 ha ứng dụng công nghệ cao; hơn 5.000 ha diện tích cây trồng ứng dụng công nghệ tưới tiết kiệm... Ứng dụng thiết bị bay không người lái để phun thuốc trừ cỏ, phân bón, phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa, sắn, cao su... với diện tích hơn 5.500 ha.
Diện tích các loại cây trồng sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, canh tác tự nhiên, VietGAP, theo hướng hữu cơ, an toàn thực phẩm đạt hơn 1.360 ha. Toàn tỉnh đã có 19 cơ sở áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, ISO trong chế biến nông, lâm, thủy sản; 115 sản phẩm OCOP được hỗ trợ tem OCOP gắn với truy xuất nguồn gốc, được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử. Đặc biệt, đã cấp 27 mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa tại các địa phương với quy mô trên 2.237 ha.
Trong lĩnh vực chăn nuôi đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong sản xuất chăn nuôi, phòng chống dịch bệnh như hệ thống thông tin địa lý - GIS trong việc giám sát và khống chế bệnh cúm gia cầm; quản lý dịch bệnh gia súc, gia cầm thông qua ứng dụng hệ thống thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam - VAHIS; quản lý dịch bệnh thủy sản thông qua ứng dụng hệ thống báo cáo dịch bệnh thủy sản trực tuyến.
Nhiều hộ chăn nuôi đã đưa vào ứng dụng phần mềm quản lý giết mổ, truy xuất nguồn gốc; áp dụng công nghệ chuồng trại khép kín với hệ thống điều hòa nhiệt độ chuồng nuôi, máng ăn và nước uống tự động, máy úm gia cầm tự động, xử lý chất thải đảm bảo vệ sinh môi trường bằng chế phẩm vi sinh, công nghệ khí sinh học (biogas)...
Trong lĩnh vực thủy sản ngày càng có nhiều hộ nuôi sử dụng thiết bị tự động thay thế con người trong nuôi tôm như máy cho tôm ăn tự động, thiết bị cảnh báo oxy, máy cảnh báo nguồn điện...; ứng dụng hệ thống quan trắc và cảnh báo môi trường nước ao nuôi kết nối internet với điện thoại thông minh.
Ứng dụng các công nghệ VMS giám sát hành trình tàu cá để quản lý tàu cá, máy quét sonar dò ngang trong nghề lưới vây khai thác hải sản, máy thông tin liên lạc VX 1700 tích hợp định vị vệ tinh, hệ thống máy quét ra đa trong nghề lưới rê khai thác hải sản và hệ thống lái tự động trên tàu khai thác xa bờ.
Về thủy lợi đã lắp đặt và khai thác, vận hành hiệu quả hệ thống 35 trạm đo mưa tự động và các trạm quan trắc, giám sát, cảnh báo thiên tai tự động, trực quan phục vụ hiệu quả trong công tác cảnh báo, dự báo, chỉ đạo, điều hành ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh. Đồng thời chia sẻ thông tin phục vụ miễn phí cho cộng đồng thông qua website và ứng dụng phần mềm Vrain cài đặt trên điện thoại hoặc máy tính nhằm đảm bảo yêu cầu chủ động sản xuất, ứng phó thiên tai.
Theo bà Nguyễn Hồng Phương, với những thuận lợi như người dân và doanh nghiệp hưởng ứng mạnh mẽ việc CĐS trong sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; hạ tầng viễn thông - công nghệ thông tin phát triển và phủ sóng khá rộng, các thiết bị điện tử thông minh được sử dụng phổ biến trong cuộc sống là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh CĐS trong sản xuất, vận hành, quản lý.
Bước đầu hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao tại khu vực đèo Sa Mù, huyện Hướng Hóa tạo điều kiện thuận lợi để thí điểm áp dụng các thành quả công nghệ vào sản xuất, giúp người dân, doanh nghiệp tiếp cận và áp dụng hiệu quả. Nhiều nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh đã được cấp mã số vùng trồng, chứng nhận hữu cơ, chứng nhận OCOP, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể...
Thời gian tới, ngành nông nghiệp xác định CĐS là nhiệm vụ trọng tâm. Theo đó, tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ trong sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản, áp dụng truy xuất nguồn gốc gắn với mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói đảm bảo yêu cầu cho tiêu thụ nông sản trong nước và xuất khẩu.
Xây dựng, hoàn thiện và phát triển hình thức hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi khép kín hoặc liên kết giữa các khâu theo chuỗi với sự vào cuộc của “4 nhà”. Ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cảm biến, công nghệ nano trong sản xuất nông nghiệp chính xác, công nghệ cao; công nghệ máy bay không người lái trong giám sát và sản xuất nông nghiệp.
Tập trung hoàn thiện hạ tầng và xây dựng, chia sẻ cơ sở dữ liệu của ngành nông nghiệp. Chuẩn hóa và tự động hóa quy trình sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; tự động hóa, cơ giới hóa sản xuất, quy trình quản lý, giám sát nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm hướng đến một nền nông nghiệp được cơ giới hóa đồng bộ.
Đồng thời, nâng cao trình độ nhân lực lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và đào tạo kỹ năng số cho nông dân áp dụng trong sản xuất, cung cấp, phân phối, dự báo, đẩy mạnh triển khai thương mại điện tử trong nông nghiệp.