Đẩy mạnh chuyển đổi số trong sản xuất, kinh doanh
Với mục tiêu nâng tầm giá trị doanh nghiệp, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới, mang lại lợi ích thiết thực cho người sử dụng, một số doanh nghiệp và tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã tích cực đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh...
Theo ông Nguyễn Ngọc Đồng - Giám đốc Công ty Lado Taxi, việc chuyển đổi số đối với các doanh nghiệp vận tải không còn là xu thế nữa, mà đã trở thành vấn đề sống còn của doanh nghiệp trong tương lai gần. Nhận thức rõ điều này, cách đây 7 - 8 năm, Lado Taxi đã cử nhân viên đi đào tạo, tiếp cận các kiến thức công nghệ mới, để vận dụng nó một cách tốt nhất trong công việc, chứ không phải đến bây giờ mới nói tới ứng dụng công nghệ. “Riêng cá nhân tôi, hễ có công nghệ nào mới ra đời, hoặc có những kiến thức công nghệ mới, tôi đều cập nhật và sau đó thì cử nhân viên đi đào tạo để ứng dụng vào công việc trong công ty”, Giám đốc Công ty Lado Taxi Nguyễn Ngọc Đồng chia sẻ. Bà Phan Thị Ái Liên - Phụ trách Phòng Tổng đài Công ty Lado Taxi, cho biết: “Thay vì như trước kia với taxi truyền thống, vị trí đậu đỗ xe, điểm đón khách... chúng tôi đều phát qua bộ đàm. Nay, khách hàng chỉ cần tải app về, rồi đặt xe qua app, sau đó lái xe sẽ trực tiếp nhận đón khách với vị trí đã báo sẵn trên smartphone. Nhân viên tổng đài cũng làm việc trực tiếp trên phần mềm, vừa giảm những thao tác thủ công, vừa tiết kiệm được thời gian, công việc thì nhanh hơn và hiệu quả cũng cao hơn”.
Theo ông Nguyễn Ngọc Đồng, lợi ích dễ thấy nhất đối với doanh nghiệp khi thực hiện việc ứng dụng công nghệ trong quản lý nhân sự đó là doanh nghiệp sẽ giảm bớt được một số lượng nhân sự trong giám sát, cũng như cắt giảm được những chi phí không cần thiết. Ngoài ra, việc ứng dụng công nghệ còn giúp khách hàng của doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn với dịch vụ vận tải và tăng khả năng phục vụ khách hàng, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. “Lado Taxi hiện có mặt ở 5 tỉnh, bao gồm Bình Định, Phú Yên, Đồng Nai, Bà Rịa Vũng Tàu và Lâm Đồng, với khoảng 570 người lao động. Năm 2022, chúng tôi đã bật dậy sau đại dịch COVID-19, đầu tư ngay dòng xe điện 50 chiếc, để một mặt tiếp cận công nghệ mới của dòng xe mới, mặt khác kịp thời đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng. Chúng tôi cũng bắt đầu triển khai thử nghiệm ứng dụng đặt xe thông minh trên smartphone. Đây là ứng dụng kết hợp giữa taxi truyền thống và đặt xe dịch vụ theo xu hướng công nghệ”, ông Nguyễn Ngọc Đồng cho hay.
Để sử dụng dịch vụ đặt xe thông minh của Lado Taxi, khách hàng chỉ việc tải phần mềm ứng dụng về smartphone, rồi làm theo các bước hướng dẫn, sau đó sử dụng dịch vụ của công ty. Ông Nguyễn Ngọc Đồng cho rằng, đã đến lúc phải công nghệ hóa tất cả các hoạt động của doanh nghiệp. Nhà nước cũng đã công nghệ hóa ở nhiều lĩnh vực. Nếu chúng ta không tiếp cận kịp, không đi theo kịp bước tiến của công nghệ, chắc chắn doanh nghiệp sẽ không thể phát triển được, vì bị các doanh nghiệp khác cạnh tranh. Một khi không đủ sức cạnh tranh thì sẽ bị lụi tàn. “Lado Taxi cũng như các doanh nghiệp khác, tranh thủ mọi cơ hội và thời gian nhanh nhất có thể để tiếp cận Cuộc cách mạng công nghệ 4.0, từ việc điều xe, đặt xe đến việc sắp xếp, bố trí nguồn nhân lực của mình cũng trên cơ sở ứng dụng công nghệ. Chính điều này mà doanh nghiệp đã tiết kiệm được rất nhiều chi phí; qua đó, lợi nhuận của doanh nghiệp cũng được nâng cao”, Giám đốc Công ty Lado Taxi chia sẻ.
Cũng nhận ra lợi ích to lớn của Cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ông K’Phán, Tổ trưởng Tổ Hợp tác Sản xuất rau, hoa công nghệ cao xã Hiệp An (huyện Đức Trọng), bày tỏ: “Rõ ràng, thực tế đã chứng minh không một ai có thể đứng ngoài Cuộc cách mạng 4.0, kể cả những người trồng rau như chúng tôi cũng phải tự mày mò, học hỏi để áp dụng vào sản xuất, phân phối sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ...”.
Tuy vậy, ông K’Phán cũng thừa nhận: “Với người nông dân, việc tiếp cận công nghệ mới không phải dễ, phần vì trình độ hạn chế, không biết nên bắt đầu từ đâu, phần vì thời gian bị bó hẹp do phải lao động ngoài vườn. Do đó, các ban, ngành, đoàn thể, cùng các cơ quan hữu trách nên xem xét để mở những lớp tập huấn cho nông dân, ví như kinh doanh online, tìm kiếm thị trường, cung ứng nông sản qua app... chẳng hạn”. Theo ông K’Phán, hiện nay, bất cứ ngành nghề nào cũng đều phải cạnh tranh, kinh doanh vận tải và cả sản xuất nông nghiệp đều cạnh tranh. Chuyển đổi số sẽ giúp doanh nghiệp, người nông dân nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hút thêm nguồn lực khách hàng để phát triển.