Đẩy mạnh chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho hộ nghèo

Đi đôi với hỗ trợ giống vật nuôi, Trung tâm Khuyến nông tỉnh còn tích cực hướng dẫn người dân về kiến thức kỹ thuật nhằm góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi cho hộ nghèo, bảo đảm các dự án triển khai đạt hiệu quả cao.

Anh Hoàng Công Hợp, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hướng dẫn người dân xã Tân Kim (Phú Bình) kỹ thuật chăm sóc bò đúng cách.

Anh Hoàng Công Hợp, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh, hướng dẫn người dân xã Tân Kim (Phú Bình) kỹ thuật chăm sóc bò đúng cách.

Năm 2024, thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Tiểu dự án 1 của Dự án 3 về hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp), Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã triển khai 2 dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản. Theo đó, 74 hộ nghèo, cận nghèo tại các xã Văn Yên, Bình Thuận, Phú Lạc (Đại Từ) và Tân Khánh, Tân Kim (Phú Bình) được hỗ trợ 74 con bò cái lai Sind sinh sản, với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng.

Trước khi bàn giao bò giống sinh sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã tổ chức cho các hộ đi chọn con giống và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi; tham gia học tập kinh nghiệm thực tế tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp và sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng (tại huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang). Đặc biệt, từ khi được nhận bò đến nay, các hộ dân đều nhận được sự hướng dẫn tận tình của cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh và các xã.

Là một trong 20 hộ nghèo, cận nghèo của xã Tân Khánh được hỗ trợ bò sinh sản nên gia đình anh Tạ Văn Mão, ở xóm Thông, rất vui mừng. Ngay sau khi được nhận được con giống, anh đã áp dụng ngay những kiến thức được tập huấn vào trong chăn nuôi, như: vệ sinh chuồng nuôi; trồng cỏ làm thức ăn cho bò; phối chế thức ăn tinh hỗn hợp… Trong quá trình nuôi, anh Mão cũng thường xuyên điện thoại cho cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh để hỏi cách xử lý khi bò có biểu hiện khác thường.

Anh Tạ Văn Mão: Nhờ sự hướng dẫn tận tình, kịp thời của cán bộ khuyến nông tỉnh nên tôi xử lý được ngay khi bò có biểu hiện lạ. Con bò phát triển khỏe mạnh, đến nay đã tăng hơn 30kg so với lúc nhận.

Cũng như anh Mão, chị Nguyễn Thị Bộ, ở xóm Bạch Thạch, xã Tân Kim, cũng đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ cán bộ nông nghiệp. Chị Bộ cho hay: Sau khi nhận bò từ tháng 8, tôi thường xuyên được hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng bò cái sinh sản. Nhờ đó, bò của gia đình luôn khỏe mạnh và sinh trưởng, phát triển tốt.

Được biết, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã phân công cán bộ theo dõi các hộ dân được hỗ trợ ở từng xã. Ngoài việc hỗ trợ qua điện thoại, các cán bộ còn về từng xã, đến từng hộ dân để “cầm tay” hướng dẫn từ cách xây dựng chuồng nuôi; vệ sinh máng ăn, máng uống đúng cách; cách sử dụng hóa chất sát trùng để tiêu diệt mầm bệnh xung quanh; phát hiện động dục và xác định thời điểm phối giống thích hợp cho bò…

Anh Hoàng Công Hợp, cán bộ Trung tâm Khuyến nông tỉnh: Việc tiếp thu kiến thức kỹ thuật trong chăn nuôi bò sinh sản qua các lớp tập huấn còn hạn chế nên chúng tôi đã phải tích cực hướng dẫn người dân trong quá trình chăn nuôi. Trong tháng đầu khi mới triển khai, nhiều hôm tôi nhận cả chục cuộc gọi để xin tư vấn khi vật nuôi của gia đình có biểu hiện lạ.

Với sự vào cuộc tích cực của ngành chức năng, sau gần 3 tháng dự án được triển khai, đến nay, đàn bò được hỗ trợ đều phát triển tốt, không có con bò nào bị nhiễm bệnh, trung bình mỗi con tăng từ 30-50kg, nhiều con bò hiện đã mang thai. Việc hỗ trợ các hộ nghèo ứng dụng khoa học kỹ thuật vào thực tiễn sản xuất đã bước đầu cho thấy hiệu quả so với phương thức sản xuất truyền thống.

Vũ Công

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/202411/day-manh-chuyen-giao-ky-thuat-san-xuat-cho-ho-ngheo-ed00028/