Đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất
Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của ngành Nông nghiệp tỉnh Long An, nông dân đã mạnh dạn đẩy mạnh việc áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Qua đó, góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng và mùa vụ theo hướng hàng hóa, nâng cao hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.
Vụ Thu Đông năm 2021, Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh triển khai mô hình ứng dụng cơ giới hóa trong gieo, cấy lúa (ứng dụng mạ khay, máy cấy lúa) với diện tích hơn 10ha ở Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Nước Trong (xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa). Với sự hỗ trợ của cán bộ kỹ thuật và sự tham gia tích cực của các thành viên HTX, mô hình đạt kết quả tốt, năng suất trên 65 tạ/ha, cao hơn so với lúa sạ lan thông thường.
Đặc biệt, việc sản xuất mạ khay không những giúp giảm thời gian làm mạ, tiết kiệm nhân công, kiểm soát được sâu, bệnh, giảm khoảng 30% lượng giống, tiết kiệm chi phí sản xuất so với phương pháp làm mạ truyền thống mà còn giúp việc vận chuyển mạ trở nên dễ dàng, nhất là có khả năng chống chịu với điều kiện thời tiết bất lợi, khắc phục được hiện tượng chết mạ, thiếu mạ cấy.
Anh Nguyễn Thế Luân - thành viên HTX Nông nghiệp Nước Trong, chia sẻ: “So với sạ lan thì việc gieo mạ khay và cấy lúa bằng máy giúp nông dân có nhiều thời gian hơn cho khâu làm đất, tiết kiệm lượng giống và hạn chế được những rủi ro do thời tiết gây ra ở giai đoạn sạ. Ngoài ra, việc cấy bằng máy còn giúp lúa thông thoáng, ít sâu, bệnh và ít đổ ngã hơn”.
Tiếp tục thay đổi tập quán canh tác của nông dân, tạo ra vùng sản xuất hàng hóa tập trung, vụ Đông Xuân 2021 - 2022, ngành Nông nghiệp tỉnh mở rộng diện tích triển khai mô hình áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất tại nhiều địa phương. Phó Chi cục Trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Thủy lợi tỉnh - Lê Hồng Sơn thông tin: Năm 2021, Chi cục triển khai 3 mô hình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, gồm: 1 mô hình trên cây lúa tại xã Thủy Đông, huyện Thạnh Hóa; 1 mô hình trên cây mai vàng tại xã Tân Tây, huyện Thạnh Hóa và 1 mô hình trên cây mè ở huyện Tân Hưng.
Hiện nay, với sự tiến bộ của khoa học - kỹ thuật, ngày càng có nhiều loại máy móc ra đời để phục vụ việc sản xuất nông nghiệp như máy làm đất, máy sạ hàng, máy cấy lúa, máy lên luống, máy gặt đập liên hợp,... Các loại máy hỗ trợ này đã mang lại hiệu quả thiết thực cho người sản xuất, giúp tỷ lệ cơ giới hóa trong trồng trọt trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng. Bên cạnh đó, áp dụng cơ giới hóa còn giúp tận dụng được chất hữu cơ cần thiết cho cây trồng, góp phần tạo ra nông sản an toàn.
Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thạnh Hóa - Nguyễn Kinh Kha cho biết: Trong vụ Đông Xuân 2021 - 2022, HTX Nông nghiệp Nước Trong được hỗ trợ từ nguồn vốn hỗ trợ cơ giới hóa sản xuất của tỉnh để đầu tư mua 1 máy cấy lúa và hệ thống gieo mạ khay và khay mạ. Các máy móc, thiết bị này có tổng trị giá 430 triệu đồng, trong đó, kinh phí hỗ trợ 154 triệu đồng, tương đương gần 36%, phần còn lại là vốn đối ứng của HTX.
“Thực tế sản xuất trong những năm gần đây cho thấy, việc đưa máy móc vào sản xuất giúp giảm nhân công, tạo điều kiện thuận lợi để người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng hàng hóa, nâng cao thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích canh tác. Hiện tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất trên địa bàn huyện đạt trên 90% đối với khâu làm đất và thu hoạch lúa” - ông Kha cho biết thêm.
Có thể khẳng định, việc đưa cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất lúa, đặc biệt trong khâu làm mạ và cấy máy đã và đang giúp nông dân khắc phục tình trạng thiếu lao động trầm trọng trong mùa vụ, giúp giảm chi phí sản xuất và sức lao động thủ công. Đồng thời, thúc đẩy nông dân liên kết, sản xuất theo hướng hàng hóa với quy mô diện tích lớn, tạo điều kiện cho ngành nông nghiệp tỉnh chuyển đổi từ sản xuất thủ công kém hiệu quả sang cơ giới hóa, hiện đại hóa, hướng tới phát triển bền vững./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/day-manh-co-gioi-hoa-trong-san-xuat-a126769.html