Đẩy mạnh cơ giới hóa vào sản xuất

Những năm qua, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh không ngừng tăng cao, nhiều loại máy móc thiết bị đã được đưa vào sử dụng, góp phần bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất và nâng cao năng suất, thay đổi phương thức canh tác, giảm sức lao động thủ công.

Người dân xã Cò Nòi (Mai Sơn) đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Người dân xã Cò Nòi (Mai Sơn) đưa cơ giới hóa vào sản xuất.

Tỉnh ta hiện có 50.750 ha lúa, 95.404 ha ngô, 37.017 ha sắn, 8.770 ha mía, 9.575 ha rau, trên 71.000 ha cây ăn quả và hàng nghìn ha cây công nghiệp khác... Nếu như trước đây, vào mỗi vụ canh tác, người dân phải mất rất nhiều thời gian và công sức từ làm đất, gieo trồng cho đến thu hoạch, thì nay mọi công đoạn đều được ứng dụng cơ giới hóa, giảm chi phí và ngày công lao động. Anh Tòng Văn Điện, bản Mạt, xã Chiềng Mung (Mai Sơn), cho biết: Gia đình tôi có 1 ha đất nông nghiệp, trước đây, để chuẩn bị được 1 ha đất gieo trồng, tôi phải sử dụng trâu, bò để cày, bừa làm gần một tuần mới xong. Nhưng từ khi mua được chiếc máy cày cầm tay đa năng, tôi chỉ cần làm trong 2 ngày. Điều này rất có lợi trong sản xuất, giúp giảm chi phí nhân công và tiến độ cũng nhanh hơn, việc xuống giống cây trồng đảm bảo kịp thời vụ. Đất được cày bằng máy tơi xốp, việc canh tác cũng thuận lợi hơn. Đặc biệt, mua một máy cày cầm tay từ 10 đến 12 triệu đồng, phù hợp với khả năng tài chính của nhiều hộ dân, mà chỉ bằng một nửa số tiền để mua một con trâu, bò.

Cùng với máy cày, những chiếc máy cắt cỏ, máy cắt chè, máy vắt sữa... cũng đang được nhiều nông dân đưa vào sử dụng phục vụ sản xuất. Anh Nguyễn Văn Tâm, bản Nà Cang, xã Hát Lót (Mai Sơn) chia sẻ: Sử dụng các loại máy móc trong sản xuất nông nghiệp, chúng tôi đỡ vất vả hơn rất nhiều. Gia đình tôi có 1,5 ha xoài và nhãn. Được sự hướng dẫn của cán bộ khuyến nông, chúng tôi không phun thuốc diệt cỏ mà sử dụng máy cắt cỏ, vừa bảo đảm môi trường, cỏ sau khi cắt được gom lại, phơi khô và ủ quanh gốc cây, tạo mùn và giữ ẩm cho cây.

Ngoài việc cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, việc ứng dụng cơ giới hóa trong bảo quản, chế biến nông sản cũng được đầu tư mở rộng và đổi mới, như: sơ chế bảo quản ngô, chế biến mận, sơn tra; công nghệ sấy bảo quản, sơ chế sắn, nhãn, cà phê... góp phần làm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với hàng hóa nông sản. Theo thống kê của ngành Nông nghiệp & PTNT, đến nay việc cơ giới hóa sản xuất đã cơ bản được thực hiện đối với 100% diện tích mía, cao su, chè. Trong khâu chăm sóc, bảo vệ thực vật đối với sản xuất lúa và các cây trồng khác đạt trên 40%... Bên cạnh đó, hệ thống tưới tiết kiệm nước được thực hiện cho trên 500 ha các loại cây trồng như hoa, nấm, cà phê, chè, mía, rau các loại, cây ăn quả; ứng dụng nhà lưới, nhà kính 53 ha hoa, rau các loại, cây ăn quả. Việc cơ giới hóa chuồng trại và cung cấp thức ăn, nước uống, xử lý môi trường đối với chăn nuôi lợn đạt trên 80%; 100% số hộ chăn nuôi bò sữa sử dụng máy vắt sữa...

Theo tính toán của bà con nông dân và cán bộ chuyên môn, các loại cây trồng được sản xuất theo mô hình cơ giới hóa đồng bộ không chỉ tăng năng suất từ 15 - 20% trên diện tích canh tác mà còn giảm chi phí đầu vào từ 3 - 4 triệu đồng/ha/vụ, vừa tiết kiệm giống, thuốc bảo vệ thực vật nên lợi nhuận thu về cao hơn so với phương thức sản xuất thủ công truyền thống. Không những đem lại hiệu quả rõ rệt về kinh tế, việc áp dụng cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp còn góp phần thay đổi tư duy sản xuất của người nông dân, giảm tổn thất trong khâu thu hoạch, đẩy mạnh quá trình thâm canh, tăng vụ; từng bước hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thuận lợi cho việc chỉ đạo, quản lý sản xuất và thu hút doanh nghiệp có vốn đầu tư vào liên kết sản xuất, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030, áp dụng hầu hết các máy móc, thiết bị về cơ giới hóa vào các khâu trong sản xuất nông nghiệp, ngành Nông nghiệp & PTNT đang tiếp tục vận động người dân ứng dụng cơ giới hóa vào sản xuất để giải phóng sức lao động, góp phần tăng năng suất, chất lượng, giảm giá thành các sản phẩm nông sản. Đẩy mạnh công tác dồn điền, đổi thửa tạo điều kiện tập trung đất đai xây dựng cánh đồng lớn cho một số loại cây trồng, như cà phê, mía, ngô, sắn... Đồng thời, đầu tư nâng cấp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng nông nghiệp nông thôn phù hợp với việc đưa máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất.

Nguyễn Yến

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/day-manh-co-gioi-hoa-vao-san-xuat-30693