Đẩy mạnh công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông
Đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa hiện có 3.582 hộ, với 18.844 nhân khẩu, sinh sống tập trung ở 44 bản, thuộc 10 xã của 3 huyện Mường Lát, Quan Hóa, Quan Sơn. Trong đó, có 13 bản giáp biên, số còn lại đều là vùng sâu, vùng xa và đều thuộc diện đặc biệt khó khăn.
Hội nghị triển khai Kết luận số 684-KL/TU ngày 10-12-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và ra mắt mô hình “Chính quyền dân vận khéo” tại xã Trung Lý (Mường Lát).
Để đồng bào dân tộc Mông ổn định đời sống, xóa bỏ các hủ tục, nhiều năm qua, hệ thống dân vận đã tham mưu cho cấp ủy, tổ chức đảng quán triệt, triển khai, thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo; tăng cường công tác tập huấn nghiệp vụ công tác dân vận cho đội ngũ cán bộ, công chức các xã miền núi, biên giới, vùng đồng bào dân tộc Mông; xây dựng và phát huy vai trò người có uy tín, già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ của đồng bào dân tộc Mông; triển khai thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” trong vùng đồng bào dân tộc Mông, nhất là xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới... Đến nay, đã xây dựng được trên 90 mô hình dân vận khéo trong phát triển kinh tế - xã hội, 23 mô hình xóa đói, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc Mông. Công tác dân vận của lực lượng vũ trang vùng đồng bào Mông được tăng cường, từ năm 2011 đến nay lực lượng công an, biên phòng, quân sự đã tăng cường 17 tổ liên ngành đóng tại các bản trọng điểm về an ninh trật tự vùng dân tộc Mông ở các huyện Mường Lát, Quan Hóa. Điều động, tăng cường 17 cán bộ biên phòng về làm phó bí thư đảng ủy 16 xã biên giới và vùng đệm Mường Lý (huyện Mường Lát). Tổ chức các mô hình, điển hình “Dân vận khéo” của lực lượng vũ trang, như: “Đường biên giới bình an”; Diễn đàn “Công an lắng nghe ý kiến Nhân dân”... Công tác kiện toàn, tổ chức bộ máy, cán bộ và xây dựng hệ thống chính trị vùng đồng bào Mông được quan tâm. Công tác xây dựng, củng cố các tổ chức đảng được chú trọng, nhất là củng cố các chi bộ, đảng bộ yếu kém, không để tái trắng đảng viên, tái ghép chi bộ và tăng cường cán bộ cho các bản còn nhiều khó khăn.
Nhằm phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc Mông, tỉnh Thanh Hóa đã cụ thể hóa và ban hành nhiều đề án, dự án, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ sản xuất, xóa đói, giảm nghèo, quy hoạch dân cư, xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu. Từ năm 2015 đến nay, thông qua các chương trình, dự án, đề án. Nhà nước đã đầu tư xây dựng 115 công trình kết cấu hạ tầng vùng đồng bào dân tộc Mông. Cùng với đó, giai đoạn 2016-2020, tỉnh cũng đã đầu tư xây dựng 42 công trình giao thông, thủy lợi, điện, nước sạch, trường học, nhà văn hóa, trạm y tế; hỗ trợ 8 mô hình phát triển sản xuất... với tổng mức đầu tư trên 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên, vùng đồng bào dân tộc Mông sinh sống là địa bàn trọng yếu về quốc phòng - an ninh của tỉnh, đời sống đồng bào còn gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, du canh, du cư vẫn còn diễn ra; việc mua bán, vận chuyển, tàng trữ, nghiện hút các chất ma túy còn nhiều; các thế lực thù địch thường xuyên lợi dụng để tuyên truyền, xuyên tạc đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, kích động Nhân dân chống phá Đảng, Nhà nước...
Để làm tốt công tác dân vận vùng đồng bào dân tộc Mông trong giai đoạn hiện nay, Ban Dân vận Tỉnh ủy đã xây dựng và triển khai Đề án “Tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào dân tộc Mông tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2021-2025” và Kết luận số 684 KL/TU ngày 10-12-2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Qua đó, nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, thay đổi tư duy, cách nghĩ, cách làm của cấp ủy, chính quyền và người dân, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc Mông.