Đẩy mạnh công tác đào tạo và phát triển điều dưỡng tại Việt Nam

Điều dưỡng được đánh giá là một trong những lực lượng quan trọng trong sự phát triển của ngành y và không thể tách rời, chiếm tới 70% lực lượng phục vụ tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Điều dưỡng chăm sóc cho bệnh nhân nhi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Theo Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, hiện nay nhu cầu chăm sóc sức khỏe của con người ngày càng tăng cao đòi hỏi nguồn nhân lực điều dưỡng đảm bảo cả số lượng và chất lượng. Đây vừa là thách thức đồng thời cũng mở ra cơ hội phát triển cho lĩnh vực này.

Phát biểu tại Hội nghị khoa học Điều dưỡng Nhi khoa toàn quốc lần thứ XVI diễn ra ngày 6/5 tại Hà Nội, Phó giáo sư Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh rằng để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân thì công tác đào tạo và phát triển điều dưỡng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm cần được chú trọng trong quá trình thực hiện mục tiêu nâng cao chất lượng khám chữa bệnh.

Theo ông Khuê, trong hệ thống y tế Việt Nam hiện nay, điều dưỡng được đánh giá là một trong những lực lượng quan trọng trong sự phát triển của ngành y và không thể tách rời. Có tới 70% lực lượng phục vụ cung cấp các dịch vụ khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế là điều dưỡng.

“Đại dịch COVID-19 đối với cả thế giới như một thảm họa, chúng ta đã bước qua giai đoạn thứ 4 của dịch bệnh này. Trong đại dịch COVID-19 đã cho thấy nhiều tấm gương về những người điều dưỡng đã nỗ lực, làm việc hết mình, họ xa gia đình nhiều ngày để phục vụ người bệnh tại những bệnh viện điều trị COVID-19. Hình ảnh những người thầy thuốc, điều dưỡng đó đã góp phần đẩy lùi đại dịch,” ông Khuê nhấn mạnh.

Lực lượng điều dưỡng trong hệ thống y tế có vai trò quan trọng trong việc chăm sóc bệnh nhân, hỗ trợ bác sỹ trong công tác điều trị.

Theo thống kê của Hội điều dưỡng Việt Nam, cả nước có hơn 140.000 điều dưỡng/hộ sinh - chiếm gần 50% nguồn nhân lực y tế, cung cấp dịch vụ nhiều nhất, thường xuyên nhất và và liên tục nhất, là xương sống của ngành y tế.

Tỷ lệ điều dưỡng trung bình trên 10.000 dân ở Việt Nam hiện nay là 11,4, tỷ lệ này thấp hơn rất nhiều so với tỷ lệ trung bình trên thế giới. Để tiến tới tỷ lệ điều dưỡng đạt chuẩn, đảm bảo đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc y tế của người dân thì Việt Nam cần thêm lượng điều dưỡng viên gấp 2,3 lần số lượng điều dưỡng viên hiện có. Hội điều dưỡng Việt Nam đặt mục tiêu phấn đấu đạt chỉ tiêu 25 điều dưỡng/10 nghìn dân vào năm 2025.

Hội nghị có 16 báo cáo, trong đó có 2 báo cáo đến từ chuyên gia nước ngoài thuộc Tổ chức Trao đổi các nguồn lực quốc tế (REI) và Tổ chức Medrix; cùng các báo cáo đến từ các chuyên gia đến từ các bệnh viện trong nước.

Hội nghị là cơ hội để các nhà khoa học, các chuyên gia đào tạo, nhà quản lý trao đổi kinh nghiệm, cũng như tiếp cận với những tiến bộ của thế giới và trong nước thuộc lĩnh vực điều dưỡng./.

T.G (Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/day-manh-cong-tac-dao-tao-va-phat-trien-dieu-duong-tai-viet-nam/788628.vnp