Đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế

Ngày 18/7, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài về đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm 2024 và những năm tiếp theo.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Trọng Tấn chủ trì hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Hội nghị được tổ chức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu Trụ sở Chính phủ với 94 cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đại diện điểm cầu Phú Thọ có đồng chí Phan Trọng Tấn - TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Trong 6 tháng đầu năm, công tác ngoại giao kinh tế được triển khai hiệu quả, đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội.

Việt Nam đã rà soát và đẩy nhanh tiến độ thực thi các Hiệp định thương mại tự do FTA chủ chốt. Đồng thời chủ động, tích cực tham gia và đóng góp có trách nhiệm, hiệu quả tại các cơ chế hợp tác đa phương quan trọng như: Tiểu vùng Mekong, ASEAN, APEC, WTO, Liên Hợp quốc, G20... nhằm tận dụng nguồn lực phục vụ phát triển.

Lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương tích cực gặp gỡ các tập đoàn nước ngoài để vận động đầu tư chất lượng cao, phát triển kinh tế xanh. Bộ Ngoại giao hỗ trợ các tỉnh, thành ký kết hơn 20 bản ghi nhớ với các đối tác quốc tế.

Đối với doanh nghiệp trong nước, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương chú trọng hỗ trợ các dự án của doanh nghiệp Việt Nam vươn ra nước ngoài, tổ chức các sự kiện xúc tiến đầu tư quốc tế và ứng phó với nhiều vụ kiện chống bán phá giá nhằm vào nông sản Việt Nam tại các thị trường trọng điểm.

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Phú Thọ

Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích kết quả đạt được, cơ hội và thách thức đặt ra với Việt Nam, từ đó đề xuất một số kiến nghị nhằm đẩy mạnh công tác ngoại giao kinh tế.

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu, các bộ, ngành Trung ương, địa phương, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tiếp tục thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, giao lưu Nhân dân, đẩy mạnh phát triển du lịch. Tập trung giữ vững, củng cố các thị trường xuất khẩu truyền thống; mở rộng và khai thác các thị trường mới, tiềm năng, các thị trường còn nhiều dư địa, góp phần đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới về kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ. Kết nối các nền kinh tế của thế giới với nền kinh tế của nước ta, kết nối các doanh nghiệp của thế giới với doanh nghiệp trong nước; tranh thủ tối đa các quan hệ chính trị đối ngoại để thúc đẩy hợp tác, liên kết kinh tế phục vụ phát triển. Tiếp tục đàm phán, ký kết, hoàn thiện các Hiệp định thương mại tự do FTA ở nhiều cấp độ; nghiên cứu, thiết lập khuôn khổ kinh tế, thương mại dài hạn, ổn định với các đối tác quan trọng, thúc đẩy đàm phán mới với các đối tác tiềm năng để mở rộng không gian phát triển. Đồng thời tập trung nghiên cứu giải pháp mới trong chuyển giao công nghệ, đổi mới sáng tạo.

Thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc trên cơ sở bảo đảm yếu tố môi trường, phát triển bền vững; ưu tiên các ngành, lĩnh vực, chương trình, dự án có giá trị gia tăng cao, sử dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại phục vụ phát triển cơ sở hạ tầng, kinh tế số, chuyển đổi số, tăng trưởng xanh.

Các doanh nghiệp cần chủ động kết nối với các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để kịp thời thông tin, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về tình hình thị trường, xuất nhập khẩu; nâng cao chất lượng sản phẩm, bao bì, mẫu mã, phát triển sản phẩm xanh đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của các thị trường lớn.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/day-manh-cong-tac-ngoai-giao-kinh-te-215653.htm