Đẩy mạnh công tác phòng cháy, chữa cháy

Thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2018 - 2023, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chú trọng và tăng cường phổ biến pháp luật, kiến thức về công tác này. Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị chuyên dụng. Lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng bước đầu được củng cố, phát triển. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư trang bị hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC; tăng cường tổ chức huấn luyện, diễn tập, thực tập các phương án chữa cháy...

Thực hiện chính sách pháp luật về phòng cháy, chữa cháy (PCCC) giai đoạn 2018 - 2023, các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh chú trọng và tăng cường phổ biến pháp luật, kiến thức về công tác này. Lực lượng Cảnh sát PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị chuyên dụng. Lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng bước đầu được củng cố, phát triển. Nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh đầu tư trang bị hệ thống, phương tiện, thiết bị PCCC; tăng cường tổ chức huấn luyện, diễn tập, thực tập các phương án chữa cháy...

Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh hướng dẫn người dân thực hành chữa cháy tại UBND xã Đú Sáng (Kim Bôi).

Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ, Công an tỉnh hướng dẫn người dân thực hành chữa cháy tại UBND xã Đú Sáng (Kim Bôi).

Các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương đã tổ chức trên 2.500 buổi tuyên truyền trực tiếp về PCCC và CNCH với trên 50.000 lượt người tham gia. Tuyên truyền, vận động trên 2.000 gia đình dỡ "chuồng cọp”, "lồng sắt”, tạo lối thoát nạn khẩn cấp nếu sự cố cháy, nổ xảy ra. Đăng trên 5.000 tin, bài, clip tuyên truyền, khuyến cáo trên các trang mạng xã hội zalo, facebook... Phổ biến, hướng dẫn 6.000 lượt người dân cài đặt, sử dụng ứng dụng Báo cháy 114. Phối hợp UBND cấp xã phát hơn 100.000 tờ rơi tuyên truyền và treo trên 5.000 panô, áp phích, băng rôn, khẩu hiệu về PCCC và CNCH tại các khu dân cư. Phối hợp các đơn vị kinh doanh viễn thông gửi trên 5 triệu tin nhắn (SMS) khuyến cáo các biện pháp PCCC, thoát nạn đến các thuê bao di động trên địa bàn tỉnh. Qua công tác tuyên truyền góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, người dân trong đảm bảo an toàn PCCC tại cơ quan, đơn vị, cộng đồng dân cư. Cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, cơ sở đã quan tâm công tác đảm bảo an toàn PCCC, chú trọng thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về PCCC, góp phần hạn chế số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh phối hợp các đơn vị liên quan tham mưu cấp có thẩm quyền phê duyệt 7 phương án phòng ngừa và xử lý tình huống cháy, nổ lớn. Hoàn thành dự thảo phương án ứng phó thảm họa cháy lớn nhà cao tầng, khu dân cư, khu công nghiệp. Hướng dẫn xây dựng và tổ chức thực tập trên 250 phương án chữa cháy, trên 190 phương án CNCH của cơ quan Công an; xây dựng 1 phương án huy động lực lượng, phương tiện, dụng cụ chữa cháy rừng.

Theo thống kê, trong 5 năm (từ tháng 1/2018 - 12/2023), trên địa bàn tỉnh xảy ra 70 vụ cháy, làm 4 người chết, 15 người bị thương, thiệt hại tài sản ước tính 30,84 tỷ đồng và 10,3 ha rừng. Trong đó, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, Công an tỉnh trực tiếp tổ chức cứu chữa 43 vụ cháy. Công tác phối hợp giữa lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp với lực lượng tại chỗ của cơ sở, khu dân cư được duy trì và thực hiện hiệu quả; 100% vụ cháy, nổ có sự tham gia phối hợp chữa cháy của lực lượng PCCC cơ sở, dân phòng; nhiều vụ cháy đã được lực lượng PCCC tại chỗ dập tắt ngay từ khi khởi phát, không để xảy ra cháy lớn, gây thiệt hại về người, tài sản.

UBND các huyện, thành phố phối hợp Công an tỉnh xây dựng, củng cố phong trào Toàn dân PCCC theo phương châm 4 tại chỗ gắn với xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, nhân rộng các mô hình, điển hình theo hướng tự nguyện, tự phòng, tự quản theo cụm dân cư, cụm doanh nghiệp an toàn PCCC. Chú trọng xây dựng mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC”, "Điểm chữa cháy công cộng”... Đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì hoạt động 761 mô hình tổ dân cư tự quản; 115 tổ an ninh trật tự, 10 mô hình "Khu dân cư an toàn PCCC”, 262 mô hình "Tổ liên gia an toàn PCCC”, 189 "Điểm chữa cháy công cộng”, 1 mô hình "Khu nhà trọ an toàn PCCC”, 1 mô hình "Chung cư an toàn PCCC”, 1 mô hình "Cụm doanh nghiệp an toàn PCCC”; duy trì hoạt động 1.345 đội dân phòng với 12.655 đội viên...

Trong 5 năm (2018 - 2023), các đơn vị Công an trong tỉnh đã lập biên bản xử lý vi phạm hành chính và ra quyết định phạt tiền 457 lượt cơ sở với trên 10,5 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động 55 trường hợp, đình chỉ hoạt động 1 trường hợp.

Đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Thời gian tới, các cấp, ngành cần tiếp tục thực hiện nghiêm túc chính sách pháp luật về PCCC. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền Luật PCCC. Các đơn vị, cơ sở cần quan tâm đầu tư trang bị phương tiện PCCC, chuẩn bị tốt các điều kiện phục vụ chữa cháy; xây dựng và tổ chức thực tập phương án chữa cháy. Duy trì thực hiện đầy đủ các giải pháp trong công tác PCCC đối với các dự án, công trình... để hạn chế thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh.

Đinh Thắng

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/191977/day-manh-cong-tac-phong-chay,-chua-chay.htm