Đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về bầu cử
Những ngày này trên khắp các cung đường, trung tâm công sở, cơ quan, đơn vị từ khu vực nông thôn đến thành thị đều được trang hoàng rực rỡ với những băng zôn, khẩu hiệu, tranh cổ động, pano tuyên truyền về bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026, tạo nên không khí tưng bừng hướng về ngày hội lớn của toàn dân.
Pano, khẩu hiệu, băng zôn tuyên truyền về bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 được TP Thanh Hóa trang hoàng rực rỡ trên các tuyến phố. Ảnh: Ngân Hà
Là cơ quan Thường trực của Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) tỉnh, Sở Tư pháp đã ban hành kế hoạch tuyên truyền pháp luật về bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026; 4 công văn chỉ đạo, triển khai và hướng dẫn công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về bầu cử tới các sở, ngành và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố. Công văn hướng dẫn và hưởng ứng cuộc thi trực tuyến “Tìm hiểu pháp luật về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND” do Bộ Tư pháp tổ chức. Bên cạnh đó, sở đã triển khai tài liệu hỏi đáp về bầu cử tới các cơ quan, ban, ngành và UBND cấp huyện, thị xã, thành phố để triển khai tới cán bộ và Nhân dân trên địa bàn, đồng thời đăng tải nội dung tài liệu trên trang điện tử của Sở Tư pháp; in 35.000 tờ gấp pháp luật về bầu cử để cấp phát cho các cử tri thuộc đối tượng là thanh niên trên địa bàn tỉnh. Đẩy mạnh tuyên truyền các quy định của pháp luật về bầu cử trên trang điện tử của Sở Tư pháp, đăng tải các văn bản pháp luật, hướng dẫn cũng như các thông tin về bầu cử ĐBQH và đại biểu HĐND các cấp để mọi tầng lớp Nhân dân dễ tiếp cận.
Đồng chí Hoàng Văn Truyền, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết: Thực hiện kế hoạch và công văn chỉ đạo của sở, đến thời điểm này các sở, ban, ngành cấp tỉnh; UBND các huyện, thị xã, thành phố; các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh đã triển khai sâu rộng, có hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về bầu cử với nhiều hình thức sáng tạo, phong phú, phù hợp với điều kiện và từng địa bàn cụ thể, như: tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, loa truyền thanh cơ sở, cổ động trực quan, treo pano, áp phích, băng rôn trên các trục đường chính, công sở, cơ quan, đơn vị... Nội dung tuyên truyền tập trung hướng dẫn về công tác bầu cử, các quy định về giới thiệu người ứng cử, tự ứng cử, quyền bầu cử của công dân, tiêu chuẩn ĐBQH và đại biểu HĐND, các quy định về trình tự, thể thức bầu cử để mọi người dân biết và thực hiện đúng quyền, nghĩa vụ của công dân...
Em Lê Thị Dương, 18 tuổi ở huyện Hoằng Hóa, cho biết: Năm nay em tròn 18 tuổi – đủ tuổi cầm lá phiếu bầu để lựa chọn đại biểu xứng đáng vào Quốc hội và HĐND. Vì vậy, mỗi lần loa truyền thanh xã tuyên truyền các quy định về bầu cử, em đều lắng nghe và hiểu được nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Bầu cử quốc gia, ủy ban bầu cử cấp tỉnh, những người được gọi là cử tri, người có hành vi vi phạm pháp luật về bầu cử tùy theo tính chất mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự... Qua công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, em cũng nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi bỏ phiếu. Do đó, nhất định em sẽ tìm hiểu kỹ lý lịch của từng ứng cử viên để xem xét, cân nhắc đưa ra quyết định cuối cùng vào ngày bầu cử.
Cũng như em Dương, em Mai Phương, ở TP Thanh Hóa bày tỏ: Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2021-2026 là ngày hội lớn của toàn dân tộc, là ngày để công dân Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Ý nghĩa này càng trở nên sâu sắc hơn, đặc biệt với những bạn trẻ đủ 18 tuổi như em. Em đang rất mong đợi đến ngày bầu cử để thể hiện trách nhiệm của một công dân trẻ. Chắc chắn, đó là khoảnh khắc rất xúc động và tự hào.
Từ nhận thức của các bạn trẻ nêu trên cho thấy công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về pháp luật bầu cử đóng vai trò hết sức quan trọng, tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động, sự đồng thuận trong xã hội, do đó các địa phương, đơn vị đều xác định công tác tuyên truyền phải đi trước một bước. Việc tuyên truyền pháp luật về bầu cử đã được Sở Tư pháp đẩy mạnh bằng nhiều hình thức nhằm góp phần tích cực vào sự thành công của cuộc bầu cử. Đồng chí Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hoàng Văn Truyền nhấn mạnh thêm: “Cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 được tổ chức vào ngày chủ nhật 23-5-2021, đây là sự kiện chính trị to lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với cả nước, chính vì vậy công tác tuyên truyền pháp luật về bầu cử cần được các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố, các doanh nghiệp Nhà nước trên địa bàn tỉnh quan tâm tuyên truyền làm cho cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân hiểu, nắm rõ các quy định của pháp luật để qua đó thực hiện quyền và nghĩa vụ bầu cử của mình, tự mình đi bầu cử; chọn những người có đức, có tài xứng đáng đại diện cho Nhân dân tham gia quản lý Nhà nước, quản lý xã hội; bảo đảm sự tham gia rộng rãi của các tầng lớp Nhân dân vào cuộc bầu cử; nguyên tắc bầu cử, tiêu chuẩn ĐBQH, đại biểu HĐND, quyền và nghĩa vụ bầu cử của công dân, quyền và nghĩa vụ của cử tri trong quá trình bầu cử; các quy định về trình tự bầu cử và thể thức bầu cử... Qua đó, tạo sự thống nhất về nhận thức, tư tưởng chính trị và hành động trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội để tổ chức cuộc bầu cử trên địa bàn tỉnh đạt kết quả cao, bảo đảm dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân”.