Đẩy mạnh công tác xã hội hóa nguồn lực tôn tạo và bảo vệ di tích
Thực hiện chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động tu bổ, tôn tạo di tích trên địa bàn, các cấp chính quyền tỉnh Hà Nam đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân đóng góp kinh phí, ngày công… nhằm giảm gánh nặng cho ngân sách, đồng thời bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của nhân dân.
Toàn tỉnh Hà Nam hiện có 1.784 di tích (gồm 551 đình, 490 chùa, 306 đền và các miếu phủ, văn chỉ, từ đường), trong đó có 64 di tích được xếp hạng cấp tỉnh, 27 di tích cấp quốc gia và 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt. Trải qua bao biến thiên lịch sử, chịu sự tác động của thời gian và thời tiết, nhiều di tích lịch sử, văn hóa bị xuống cấp nghiêm trọng. Do vậy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di tích được các cấp, ngành chú trọng và đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.
Ông Nguyễn Đức Ngọc, Chủ tịch UBND xã Đức Lý, huyện Lý Nhân, cho biết: “Hằng năm, chúng tôi có đoàn kiểm tra và báo cáo thực trạng các di tích lên các đơn vị quản lý cấp cao để tìm phương án trùng tu, tôn tạo các di tích xuống cấp. Nếu chỉ có nguồn vốn Nhà nước thì không thể làm được, vì vậy chúng tôi đã kêu gọi xã hội hóa, Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hiện nay, đời sống kinh tế của nhân dân địa phương đã khá giả hơn nên công tác vận động xã hội hóa bảo tồn di tích cũng thuận lợi hơn. Đặc biệt, những người con xa quê đã thể hiện tâm đức của mình với quê hương bằng nguồn vốn đầu tư tôn tạo di tích hàng tỷ đồng. Đây vừa là trách nhiệm, vừa thể hiện tinh thần tự hào về truyền thống quê hương của người dân. Từ kinh nghiệm của đình Ngò chúng tôi sẽ thực hiện chính sách xã hội hóa đối với các di tích khác trong địa phương”.
Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hà Nam, trong 10 năm, tỉnh Hà Nam đã có 56 di tích quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt và 32 di tích cấp tỉnh được đầu tư từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia và Đề án chống xuống cấp, tu bổ tôn tạo di tích xếp hạng cấp tỉnh giai đoạn 2016-2020 để tu bổ sửa chữa lớn như: Từ đường Nguyễn Khuyến, đền Trần Thương, đình Cao Đà (huyện Lý Nhân); đình Thanh Nghĩa, đình Triệu Hội (huyện Bình Lục)…
Công tác xã hội hóa nguồn lực bảo tồn di tích thời gian qua đã góp phần không nhỏ chống xuống cấp nhiều di tích, khôi phục các lễ hội truyền thống, phát huy giá trị của di tích trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên, đáng lưu ý là vẫn còn một số di tích tùy ý sử dụng tiền công đức để tự xây dựng và tu sửa một cách tự phát, không bảo đảm nguyên tắc kỹ thuật, mỹ thuật, kiểu dáng và chưa hiểu rõ được nguyên tắc trùng tu, tu bổ theo quy định của Luật Di sản văn hóa.
Để tránh tình trạng các địa phương tự ý tu bổ làm sai lệch di tích, cơ quan quản lý văn hóa và chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ, đồng thời định hướng cho các Ban quản lý di tích địa phương phải chú trọng công tác bảo tồn, tôn tạo di tích. UBND tỉnh Hà Nam đã có các văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh công tác vận động, tuyên truyền nhân dân đóng góp để bảo tồn, bảo vệ di tích, di sản văn hóa trên địa bàn theo phân cấp quản lý, qua đó phát huy giá trị di tích, di sản, phục vụ phát triển văn hóa, du lịch, kinh tế - xã hội của địa phương.
Ông Đỗ Văn Hiến, Giám đốc Bảo tàng Hà Nam cho biết: "Xã hội hóa nguồn lực bảo tồn di tích không thể đồng nghĩa với việc tự do hóa và tư nhân hóa mọi hoạt động; cần nâng cao nhận thức của nhân dân về vấn đề này bằng nhiều hình thức. Bên cạnh đó, chúng tôi đang xây dựng các đề án bổ trợ như Đề án gắn công tác tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử, danh thắng trên địa bàn với phát triển du lịch của tỉnh Hà Nam vào Đề án phát triển du lịch Hà Nam giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030. Ngoài ra, chúng tôi đã và đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quyết định mới sửa đổi Quyết định 48 về phân cấp, quản lý di tích, đồng thời hướng dẫn nhân dân tham gia bảo vệ di tích, phát triển di tích".