Đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4

Bộ Thông tin và Truyền thông đã có công văn số 929/BTTTT-THH ngày 19-3-2020 gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, thành phố về việc đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong bối cảnh dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp.

Lãnh đạo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội kiểm tra việc ứng dụng công nghệ thông tin tại bộ phận một cửa của UBND phường Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm).

Công văn nêu rõ, tại Nghị quyết số 17/NQ-CP ngày 7-3-2019 của Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng đến năm 2025, Chính phủ đã đặt ra chỉ tiêu, đến năm 2020, cung cấp 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Hiện nay, mới có 5 bộ, 5 tỉnh, thành phố đã đạt chỉ tiêu này.

Tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 được cung cấp tại các bộ, ngành, địa phương nói chung còn rất thấp, trung bình cả nước chỉ đạt 11,13%, trong đó 5 bộ, 14 địa phương đạt tỷ lệ dưới 5%. Do vậy, nếu các cơ quan, đơn vị không có các biện pháp quyết liệt, kịp thời, sẽ không thể đạt được chỉ tiêu đặt ra.

Tại Hội nghị trực tuyến Ủy ban quốc gia về Chính phủ điện tử với các Ban Chỉ đạo xây dựng Chính phủ điện tử, Chính quyền điện tử bộ, ngành, địa phương, Thủ tướng Chính phủ kết luận, giao các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai, ưu tiên nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu về Chính phủ điện tử đặt ra tại Nghị quyết số 17/NQ-CP, đặc biệt là chỉ tiêu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.

Trên cơ sở đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đề nghị các cơ quan nhà nước triển khai biện pháp quyết liệt để cung cấp dịch vụ công trực tuyến với 5 định hướng chính.

Thứ nhất, tận dụng ngay các hệ thống thông tin sẵn có, chủ động bố trí, huy động nguồn lực tại chỗ để bảo đảm khả năng sẵn sàng tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của tất cả thủ tục hành chính.

Thứ hai, triển khai các hoạt động hỗ trợ người dân, doanh nghiệp trong việc tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến hiệu quả, coi người dân và doanh nghiệp là trung tâm, là đối tượng phục vụ; phổ cập kỹ năng số, hướng dẫn, hỗ trợ người dân nộp hồ sơ trực tuyến nhằm nâng cao số lượng hồ sơ xử lý trực tuyến đối với mỗi dịch vụ công.

Thứ ba, triển khai nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu cấp bộ, cấp tỉnh (LGSP) để kết nối các hệ thống thông tin trong nội bộ và kết nối với các bộ, ngành, địa phương khác thông qua nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia.

Thứ tư, cung cấp tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong năm 2020, đồng thời bảo đảm việc triển khai hiệu quả, phù hợp nhu cầu, điều kiện thực tế, tránh hình thức. Trong đó, tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 có phát sinh hồ sơ và tỷ lệ hồ sơ xử lý trực tuyến đến hết năm 2020 tăng gấp đôi so với năm 2019.

Thứ năm, định kỳ hằng quý gửi báo cáo ứng dụng công nghệ thông tin về Bộ Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Châu Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/cai-cach-hanh-chinh/961730/day-manh-cung-cap-dich-vu-cong-truc-tuyen-muc-do-4