Đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật thuộc Đề án Khám, chữa bệnh từ xa
Để phát triển Đề án Khám, chữa bệnh từ xa, nhiều BV tham gia Đề án đã đẩy mạnh đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, nâng cao chuyên môn cho các y, bác sĩ BV, TTYT tuyến cơ sở.
Tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật
BV Hữu nghị Việt Đức là BV ngoại khoa hạng đặc biệt, là môi trường chuyên nghiệp để các học viên tham gia học tập, thực hành các kỹ thuật từ cơ bản đến chuyên sâu. Thực hiện nhiệm vụ đào tạo - chỉ đạo tuyến của BV, xuất phát từ nhu cầu thực tế của các địa phương, được sự cho phép của Bộ Y tế, năm nay, BV Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khai giảng các khóa đào tạo, chuyển giao kỹ thuật thuộc Đề án Khám, chữa bệnh từ xa năm 2022 là: Cộng hưởng từ kỹ thuật và chẩn đoán - K1; Giải phẫu bệnh đường tiêu hóa và áp dụng một số kỹ thuật cao - K1. Học viên đến từ nhiều địa phương như: Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Kạn, Hà Giang…
Những hoạt động đào tạo này được triển khai với mục đích cung cấp kiến thức, kĩ năng cho nhân viên y tế tại các BV tuyến cơ sở, góp phần nâng cao năng lực chuyên môn nhằm phục vụ tốt cho công tác khám chữa bệnh tại các tỉnh, thành.
Thực hiện nhiệm vụ đào tạo - chỉ đạo tuyến và chương trình Đề án Khám, chữa bệnh từ xa năm 2022, từ ngày 15/7 đến ngày 14/10/2022, BV Trung ương Thái Nguyên tổ chức 2 khóa đào tạo liên tục gồm khóa Kỹ thuật siêu âm ổ bụng và khóa kỹ thuật ghi và đọc điện tâm đồ cơ bản.
Các khóa đào tạo có sự tham gia của 35 học viên là y, bác sĩ đến từ các BV tuyến tỉnh và tuyến huyện của: Thái Nguyên, Bắc Giang và Bắc Kạn. Các khóa đào tạo, giúp các cán bộ y tế trau dồi các kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm trong quá trình học, từ đó áp dụng và triển khai tốt các kỹ thuật, kiến thức đã học vào trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại đơn vị, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe của người dân.
Gần 90% đơn vị y tế tuyến cơ sở được đào tạo, kết nối cung cấp dịch vụ y tế từ xa
Ngày 23/6/2022, tại Hà Nội, Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) và Cục Công nghệ thông tin (Bộ Y tế) tổ chức Hội thảo Tổng kết dự án "Triển khai giải pháp tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở giai đoạn 2 và đề xuất kế hoạch triển khai giai đoạn 3".
Tại Hội thảo, các chuyên gia y tế đã ghi nhận một số kết quả chính của giai đoạn 2 Dự án Giải pháp tư vấn khám, chữa bệnh từ xa tuyến y tế cơ sở do UNDP và Cục Công nghệ thông tin (CNTT) thuộc Bộ Y tế phối hợp với Sở Y tế các tỉnh Hà Giang, Bắc Kạn và Lạng Sơn thực hiện.
Kể từ tháng 12/2020, UNDP đã hợp tác với Cục CNTT Bộ Y tế và 3 tỉnh để phát triển và thí điểm một giải pháp kỹ thuật số có tên gọi “Bác sĩ cho mọi nhà”. Đây là hệ thống hỗ trợ tư vấn, khám, chữa bệnh từ xa được phát triển dựa trên nền tảng web và ứng dụng trên điện thoại thông minh để tăng cường chất lượng công tác tư vấn, khám, chữa bệnh tại tuyến cơ sở, tăng cường tiếp cận dịch vụ y tế cho người dân, đồng thời nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tại tuyến cơ sở. Đến nay, đã có gần 90% đơn vị y tế tuyến cơ sở được đào tạo, kết nối cung cấp dịch vụ y tế từ xa cho người dân trên địa bàn 3 tỉnh.
“Qua đánh giá của các chuyên gia và các địa phương, việc triển khai phần mềm tư vấn, khám chữa bệnh từ xa tại tuyến y tế cơ sở có kết quả bước đầu rất tốt, y tế địa phương đón nhận tích cực, người dân ủng hộ, tham gia có hiệu quả; nhiều bà con dân tộc thiểu số được các bác sỹ tuyến cơ sở khám, chữa bệnh theo hướng dẫn, tư vấn của bác sỹ tuyến Trung ương nên rất tin tưởng và lan truyền nhiều người cùng sử dụng dịch vụ này” - ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin, Bộ Y tế, cho biết.
Thông qua các dự án này, UNDP sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế hỗ trợ nhân rộng giải pháp “Bác sĩ cho mọi nhà” tại các tỉnh Thừa Thiên - Huế, Quảng Ngãi, Bình Định, Đắc Lắk và Cà Mau nhằm phát triển rộng khắp cả nước, đóng góp vào sự phát triển của ngành y tế Việt Nam, đặc biệt tập trung vào hệ thống y tế tuyến cơ sở.