Đẩy mạnh đào tạo nhân lực ngành bán dẫn trong kỷ nguyên công nghệ

Ngành học về công nghệ bán dẫn đang chứng tỏ vị thế quan trọng trong kỷ nguyên công nghệ hiện đại, với sự phát triển mạnh mẽ và có tiềm năng lớn trong tương lai.

Ngành công nghệ bán dẫn là một ngành học rất đặc thù, yêu cầu sự hiểu biết sâu về điện tử, vật liệu bán dẫn và thiết kế vi mạch. Với sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp bán dẫn, nhiều trường đại học và viện nghiên cứu đã bắt đầu mở ra các chương trình đào tạo chuyên sâu về lĩnh vực này. Hiện nay, nhiều trường đại học ở Hà Nội đang thông báo tuyển sinh chương trình đào tạo cử nhân/kỹ sư ngành bán dẫn...

Ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu do nhu cầu ngày càng tăng đối với các thiết bị điện tử và công nghệ số - Ảnh: IT

Ngành công nghiệp bán dẫn đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu do nhu cầu ngày càng tăng đối với các thiết bị điện tử và công nghệ số - Ảnh: IT

Ví dụ như trường ĐH Sư phạm Hà Nội mở ngành Vật lý học (Vật lý bán dẫn và kỹ thuật) dự kiến tuyển sinh 120 chỉ tiêu, trường ĐH Công nghệ, trường ĐH Khoa học tự nhiên và trường ĐH Việt Nhật cũng lần đầu mở chương trình đào tạo cử nhân/kỹ sư ngành bán dẫn. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội không có ngành bán dẫn nhưng có ngành kỹ thuật vi điện tử và công nghệ nano.

Công nghệ bán dẫn là nghiên cứu chuyên ngành khoa học và kỹ thuật, thiết kế, chế tạo và ứng dụng các vật liệu bán dẫn trong sản xuất linh kiện điện tử. Các vật liệu bán dẫn như silicon (Si) hay gallium arsenide (GaAs), có tính chất trung gian giữa chất dẫn điện (như kim loại) và chất cách điện, cho phép kiểm soát dòng điện một cách linh hoạt. Công nghệ bán dẫn đóng vai trò nền tảng trong sự phát triển của nền công nghiệp hiện đại, đặc biệt là trong lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa.

Công nghệ bán dẫn là ngành công nghiệp cốt lõi, ảnh hưởng sâu rộng đến hầu hết các lĩnh vực từ công nghệ, kinh tế, y tế, đến phòng quốc gia. Sự phát triển của ngành này không chỉ quyết định tốc độ đổi mới sáng tạo mà còn ảnh hưởng đến vị trí cạnh tranh của các quốc gia trên thế giới. Trong bối cảnh chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0, ngành công nghệ bán dẫn ngày càng trở nên quan trọng.

Ngành công nghệ bán dẫn bao gồm 4 lĩnh vực chính: Thiết kế vi mạch, sản xuất bán dẫn, kiểm thử đảm bảo, đóng gói bán dẫn. Tại Việt Nam, ngành này đang chứng minh tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu. Theo đó, nhiều tập đoàn và doanh nghiệp lớn trong ngành điện tử, bán dẫn như: Intel, Synopsys, Infineon, Amko, Samsung... đang có kế hoạch mở rộng đầu tư tại Việt Nam.

Việt Nam cũng đang dần dần trở thành điểm đến của các công ty bán dẫn mới, mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên theo ngành học này. Ngành bán dẫn nằm trong những lĩnh vực hàng đầu có mức lương khởi điểm cao nhất thế giới. Tại Việt Nam, lương cho người có trình độ kỹ sư thiết kế vi mạch có thể từ 15 - 30 triệu đồng/tháng và còn cao hơn đối với nhân sự làm việc tại các công ty quốc tế.

Sinh viên tốt nghiệp ngành này cũng có nhiều cơ hội làm việc hơn so với các ngành khác tại các công ty công nghệ, nhà sản xuất chip và các trung tâm nghiên cứu hàng đầu. Cụ thể, sau khi tốt nghiệp, sinh viên chuyên ngành công nghệ bán dẫn có thể xin việc vào các vị trí như kỹ sư thiết kế mạch, kỹ sư quy trình sản xuất bán dẫn, kỹ sư kiểm tra và kiểm tra sơ đồ, kỹ sư phần mềm nhúng, kỹ sư R&D trong ngành bán dẫn...

Mức lương cho một kỹ sư thiết kế chip mới ra trường tại Việt Nam có thể lên tới 15.000USD mỗi năm và có thể lên tới 30.000 - 35.000USD cho những kỹ sư có nhiều kinh nghiệm. Sự phát triển này khẳng định vị trí của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu, đồng thời cho thấy rằng công nghệ bán dẫn là lĩnh vực then chốt cho tương lai công nghệ của đất nước.

Ngành công nghiệp bán dẫn phát triển, cũng đặt ra yêu cầu về lực lượng lao động chất lượng. Theo đó, Chính phủ đang giao các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển nguồn nhân lực cho ngành bán dẫn với mục tiêu đào tạo, phát triển 50.000 nhân lực đến năm 2030.

Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo của một số chuyên gia kinh tế, trong 5 năm tới khoảng 20.000 nhân lực và 10 năm tới khoảng 50.000 nhân lực từ trình độ đại học trở lên. Mỗi năm, ngành bán dẫn cần từ 5.000 - 10.000 kỹ sư, nhưng hiện tại khả năng đáp ứng chỉ đạt dưới 20% nhu cầu.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/day-manh-dao-tao-nhan-luc-nganh-ban-dan-trong-ky-nguyen-cong-nghe-231622.html