Đẩy mạnh đầu tư cho khoa học, công nghệ

Dịch Covid-19 đã tác động đến mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó doanh nghiệp là một trong những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Thế nhưng, dịch Covid-19 cũng đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi phương thức hoạt động của doanh nghiệp. Khó khăn do dịch bệnh là chất xúc tác để doanh nghiệp nhanh chóng thay đổi nhận thức, đẩy mạnh đầu tư cho khoa học, công nghệ, ứng dụng trong sản xuất, kinh doanh.

Hệ thống NOVAO2-Mobile System do Trường Đại học Bách khoa Hà Nội và Công ty Novamed Việt Nam phối hợp nghiên cứu sản xuất để tạo ô xy và khí nén y tế.

Xu hướng tất yếu

Do ảnh hưởng của Covid-19, nhiều lĩnh vực phải tìm hướng chuyển đổi từ phương thức làm việc trực tiếp sang trực tuyến, từ xa. Để nâng cao hiệu quả hoạt động, phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu rủi ro và củng cố thương hiệu trên thị trường, nhiều doanh nghiệp đã đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Đối với ngành da giày, các doanh nghiệp đã và đang tìm kiếm công nghệ tự động hóa dây chuyền sản xuất, tinh gọn bộ máy, giảm chi phí, cơ cấu và thiết lập lại hệ thống quản trị doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh mới. Nhiều doanh nghiệp đã tận dụng các sàn thương mại điện tử để bán hàng, chuyển kênh bán hàng truyền thống sang bán hàng trên mạng internet, nhằm cắt giảm chi phí.

Trong khi đó, ngành dệt may cũng đầu tư vào thiết bị, công nghệ tự động hóa. Đây là một trong những yếu tố giúp ngành dệt may chịu được những áp lực của thị trường về chất lượng, tiến độ giao hàng, giảm số người lao động. Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH Việt Thắng Jean Phạm Văn Việt cho biết, hệ thống thiết bị công nghệ mới được Công ty TNHH Việt Thắng Jean đầu tư đã thay thế vị trí của 800 công nhân. Theo tính toán, trung bình một máy laser sử dụng công nghệ tự động, công nghệ cao trong may mặc có thể thay thế cho 49 công nhân thao tác thủ công.

Theo Tiến sĩ Tô Hoài Nam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là một xu hướng tất yếu, đem lại nhiều lợi ích cho doanh nghiệp. Đặc biệt, việc phát huy các thành tựu của khoa học, công nghệ cùng với việc phối hợp hiệu quả giữa cơ quan quản lý, viện nghiên cứu và doanh nghiệp trong việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học, công nghệ đã tạo ra các sản phẩm, giải pháp có chất lượng trong kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh. Điển hình như Công ty Novamed Việt Nam đã phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội nghiên cứu, chế tạo hệ thống tạo ô xy và khí nén di động để hỗ trợ bệnh viện dã chiến thu dung điều trị người bệnh Covid-19, bảo đảm sự chủ động về nguồn ô xy.

Cần có thêm chính sách hỗ trợ doanh nghiệp

Hiện tại, Nhà nước đã có nhiều chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào khoa học, công nghệ và nhận thức của doanh nghiệp về đổi mới khoa học, công nghệ cũng thay đổi. Khoảng 10 năm trước, kinh phí hoạt động khoa học, công nghệ chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước, thì nay, đầu tư cho khoa học, công nghệ từ ngân sách nhà nước và doanh nghiệp đã tương đối cân bằng, với tỷ lệ tương ứng là 52% và 48%. Tuy nhiên, việc đầu tư, phát triển khoa học, công nghệ tại các doanh nghiệp vẫn còn nhiều bất cập, chưa thực sự mạnh mẽ.

Qua khảo sát cho thấy, doanh nghiệp vừa và nhỏ, nhất là các doanh nghiệp khởi nghiệp khó tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng để tiến hành đổi mới công nghệ do vướng mắc về điều kiện tài sản bảo đảm. Nhiều doanh nghiệp chưa có tầm nhìn dài hạn về việc cải tiến, đổi mới công nghệ để phát triển bền vững nên hoạt động đổi mới công nghệ còn mang tính nhỏ lẻ, thiếu hệ thống và chưa tận dụng được các thế mạnh, điều kiện thuận lợi của từng địa phương, vùng miền…

Tiến sĩ Tô Hoài Nam cho rằng, còn rất nhiều doanh nghiệp chưa thể dễ dàng tiếp cận một số ưu đãi về tiền thuê đất, chính sách thuế đối với doanh nghiệp muốn phát triển thành doanh nghiệp khoa học, công nghệ... Đặc biệt, các doanh nghiệp nhỏ rất khó tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ để đầu tư đổi mới khoa học, công nghệ. Mặt khác, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa chưa đủ kỹ năng để có thể ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh.

Còn Giám đốc Hợp tác xã Đan Hoài (huyện Đan Phượng) Bùi Thị Hường Bích cho rằng, Nhà nước cần có chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng cho các hợp tác xã về đầu tư để nghiên cứu, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Xuân Định cho biết, Bộ luôn quan tâm đến việc hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động đổi mới sáng tạo, trong đó tập trung vào nâng cao năng lực tiếp cận và làm chủ công nghệ cũng như đổi mới về nhận thức, coi đầu tư cho khoa học, công nghệ là đầu tư cho phát triển.

"Hiện tại, Bộ Khoa học và Công nghệ đang rà soát, sửa đổi các quy định về xét duyệt nhiệm vụ khoa học, công nghệ theo hướng đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo thuận lợi để doanh nghiệp tham gia nghiên cứu và ứng dụng kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ vào sản xuất, kinh doanh cũng như xây dựng cơ chế hợp tác công - tư trong đầu tư mạo hiểm cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", ông Lê Xuân Định cho biết thêm.

Thu Hằng

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/khoa-hoc/1014372/day-manh-dau-tu-cho-khoa-hoc-cong-nghe