Đẩy mạnh động lực từ đầu tư công

TP Hồ Chí Minh đang dần mở cửa lại các hoạt động kinh tế, khắc phục thiệt hại do đại dịch Covid-19 gây ra. Trong đó, triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 là nhiệm vụ hết sức quan trọng, đóng vai trò then chốt trong toàn bộ tiến trình phục hồi nền kinh tế thành phố.

Lắp đặt, chạy thử nghiệm các toa tàu trên công trình Đường sắt đô thị thành phố, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Lắp đặt, chạy thử nghiệm các toa tàu trên công trình Đường sắt đô thị thành phố, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên).

Theo UBND thành phố, tổng nhu cầu vốn cho các chương trình, dự án, đối tượng đầu tư công trên địa bàn thành phố trong giai đoạn 2021 - 2025 dự kiến là 716.602 tỷ đồng (chưa bao gồm nhu cầu vốn đầu tư tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, đầu tư nước ngoài...). Trong đó, ngoài nguồn vốn ngân sách Trung ương đề xuất bố trí là 43.740 tỷ đồng, thành phố cần phải cân đối 672.862 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để phục vụ đầu tư theo đúng định hướng chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch của thành phố theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11 (nhiệm kỳ 2020 - 2025) và nghị quyết đại hội đảng bộ các cơ quan, đơn vị, địa phương. Các dự án nổi bật được đầu tư hoặc tiếp tục đầu tư trong giai đoạn 2021 - 2025 như: Dự án xây dựng Đường sắt đô thị thành phố, tuyến số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) với số vốn hơn 6.562 tỷ đồng (trong tổng vốn đầu tư hơn 43.757 tỷ đồng); dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 (Bến Thành - Tham Lương) với số vốn 500 tỷ đồng (trong tổng vốn đầu tư hơn 47.890 tỷ đồng)... Cùng với đó, ở lĩnh vực môi trường có các dự án: Dự án Vệ sinh môi trường thành phố giai đoạn 2 với số vốn 2.000 tỷ đồng (trong tổng vốn đầu tư gần 11.133 tỷ đồng); dự án Cải thiện môi trường nước thành phố lưu vực kênh Tàu Hủ - Bến Nghé - Đôi Tẻ giai đoạn 2 với 1.100 tỷ đồng (trong tổng vốn đầu tư hơn 11.281 tỷ đồng)...

Phó Chủ tịch UBND thành phố Phan Thị Thắng cho biết: Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 của thành phố phải bảo đảm sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả kết hợp nâng cao vai trò "vốn mồi", kích thích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư là yêu cầu hết sức quan trọng, đóng vai trò then chốt trong toàn bộ tiến trình phục hồi nền kinh tế thành phố. Cùng với đó, thành phố sẽ đẩy mạnh việc kêu gọi, thu hút nguồn vốn đầu tư của xã hội tham gia đầu tư các dự án trọng điểm trên địa bàn; bởi nguồn vốn đầu tư công của thành phố có hạn, chưa thể đáp ứng đủ. Ngoài nguồn vốn ngân sách địa phương chi cho đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025 dự tính ban đầu là 142.557 tỷ đồng, thành phố có thể huy động thêm được khoảng 119.410 tỷ đồng vốn từ nguồn ngân sách thành phố. Để có thể có được con số dự kiến này, thành phố sẽ tăng cường khả năng cân đối vốn đầu tư ngân sách thành phố bằng việc tiếp tục trình Trung ương Đề án Điều chỉnh tỷ lệ điều tiết ngân sách cho thành phố giai đoạn 2022 - 2025; rà soát, đánh giá tình hình thu, chi ngân sách, khả năng cân đối của thành phố để phát hành trái phiếu chính quyền địa phương theo hạn mức bội chi ngân sách tối đa mà Nghị quyết số 54/2017/QH14 của Quốc hội cho phép, nhằm tạo thêm nguồn vốn cho đầu tư; báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Quốc hội chấp thuận bổ sung nguồn thu từ phí sử dụng kết cấu hạ tầng, công trình dịch vụ tiện ích công cộng trong khu vực cửa khẩu cảng biển trên địa bàn vào nguồn vốn đầu tư công cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025; rà soát, nâng mức độ tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập do thành phố quản lý, tiết kiệm chi thường xuyên để bố trí vốn cho chi đầu tư phát triển.

Bên cạnh đó, nguồn vốn phục vụ đầu tư công có thể được huy động từ quỹ đất công và tài sản công của thành phố. Trong đó, chú trọng đấu giá các công sản được sử dụng chưa đúng mục đích, chưa hiệu quả; thực hiện tốt Đề án Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn thành phố... Đồng thời, huy động các nguồn lực đầu tư phát triển thông qua công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Trong đó, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ sớm ban hành quyết định phê duyệt danh mục doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa giai đoạn 2021 - 2025 để cơ quan đại diện chủ sở hữu, doanh nghiệp có cơ sở thực hiện; xây dựng và ban hành kế hoạch sắp xếp, cổ phần hóa doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thuộc thành phố theo Quyết định số 22/2021/QĐ-TTg ngày 2/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ... Thành phố sẽ tạo đột phá trong xã hội hóa đầu tư và thu hút vốn đầu tư theo phương thức đối tác công - tư (PPP). Trong đó, chủ động bố trí vốn cho nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư đối với các dự án mang tính chiến lược, phục vụ mục tiêu, định hướng phát triển trong chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ 11 để nghiên cứu, phục vụ mời gọi đầu tư theo hình thức PPP phù hợp với quy định của Luật Đầu tư. Đồng thời, rà soát các dự án mà nguồn vốn đầu tư công còn thiếu, chưa thể đáp ứng nhưng có thể thực hiện xã hội hóa để chủ động mời gọi đầu tư, huy động các nguồn lực xã hội tham gia đầu tư…. Đồng chí Phan Thị Thắng cho biết thêm: Dự kiến, trong giai đoạn 2021 - 2025, thành phố sẽ thực hiện kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP các dự án trọng điểm như: cầu Cần Giờ, cầu Thủ Thiêm 4; đường trên cao - tuyến số 1 (nút giao Cộng Hòa đến đường Ngô Tất Tố), xây dựng Cụm cảng trung chuyển - ICD (TP Thủ Đức)... Thành phố cũng sẽ đẩy mạnh thu hút vốn đầu tư tư nhân vào các lĩnh vực hỗ trợ phục hồi kinh tế và vào 293 dự án ở nhiều lĩnh vực với tổng số vốn đầu tư dự kiến là 836.563 tỷ đồng.

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/tin-chung1/day-manh-dong-luc-tu-dau-tu-cong-672559/