Đẩy mạnh giải phóng nguồn lực cho đầu tư phát triển và định hướng kế hoạch trung hạn cho địa phương

Ngày 28/7, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến ngành KH-ĐT năm 2020 để bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc nhằm thực hiện tốt nhất các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa và 2 Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Hoàng Việt Lâm và Bùi Văn Lâm chủ trì tại điểm cầu Lâm Đồng

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phan Văn Đa và 2 Phó Giám đốc Sở KH-ĐT Hoàng Việt Lâm và Bùi Văn Lâm chủ trì tại điểm cầu Lâm Đồng

Hội nghị do Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng chủ trì tại điểm cầu Hà Nội với sự tham dự của lãnh đạo 12 bộ ban ngành Trung ương và hơn 1500 đại biểu từ các điểm cầu ở các địa phương trong cả nước.

Tham dự tại điểm cầu tỉnh Lâm Đồng có Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phan Văn Đa, lãnh đạo Đoàn ĐBQH, Ban Giám đốc Sở KH-ĐT; đại diện lãnh đạo các sở ngành: Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên - Môi trường, Công thương, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban quản lý các KCN tỉnh, Cục Thống kê, Văn phòng Đoàn ĐBQH, HĐND và UBND tỉnh.

Báo cáo kết quả công tác 6 tháng đầu năm của Bộ KH-ĐT, cho biết: Bộ KH-ĐT đã nỗ lực phấn đấu và cơ bản hoàn thành các công việc theo chức năng, nhiệm vụ được giao; trình Quốc hội thông qua 3 Luật và 3 Nghị quyết; tập trung triển khai thực hiện tốt và hoàn thành các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao trong Chương trình công tác cũng như giao bổ sung. Đến 30/6, 100% đề án, báo cáo do Bộ chủ trì xây dựng được báo cáo đúng hạn, công tác thực hiện đều bám sát các Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, lấy người dân và doanh nghiệp làm đối tượng phục vụ với chủ đề hành động “Kỷ cương, liêm chính, hành động, trách nhiệm, sáng tạo, hiệu quả”.

Trước tác động của đại dịch Covid-19, Bộ đã chủ động theo dõi sát sao, phân tích thường xuyên, liên tục đánh giá và dự báo tình hình để kịp thời đề xuất những nhiệm vụ, giải pháp chính xác, hiệu quả tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong điều hành phát triển kinh tế - xã hội; đã tập trung, ưu tiên xây dựng, hoàn thiện thể chế, rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung những văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi quản lý, nhất là các thể chế liên quan đến cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng; nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tập trung tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư; đề xuất các giải pháp, chính sách nhằm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp; khuyến khích khởi nghiệp, sáng tạo, khắc phục tác động của đại dịch Covid-19; đồng thời, tận dụng mọi cơ hội, dù nhỏ nhất để phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế.

Bộ KH-ĐT cũng đưa ra nhiều giải pháp tập trung thực hiện các nhiệm vụ trong 6 tháng cuối năm. Trong đó, tập trung vào công tác điều hành kế hoạch đầu tư công; tiếp tục triển khai hướng dẫn thi hành các Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư (sửa đổi), Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) và Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; phối hợp cùng các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương xây dựng các báo cáo và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cho năm 2020, 2021 và các giai đoạn 2015-2020 và 2021-2025, 2021-2030; tham mưu, đề xuất với Chính phủ những giải pháp phù hợp nhằm thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ…

Hội nghị cũng nghe và tham khảo các báo cáo tham luận về: Hướng dẫn công tác xây dựng kế hoạch 2021 và giai đoạn 2021-2025; tình hình thực hiện công tác xây dựng thể chế, pháp luật; tình hình triển khai thi hành Luật Quy hoạch và các giải pháp trọng tâm; một số vấn đề được các Bộ, ngành, địa phương quan tâm trong công tác đấu thầu và đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP); đơn giản hóa thủ tục gia nhập thị trường cho doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; tình hình thu hút đầu tư, giải ngân vốn ODA… Hội nghị cũng dành 2 giờ đồng hồ cho để nghe ý kiến của đại biểu tại các điểm cầu địa phương về tình hình thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội và kế hoạch trong thời gian tới…

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành Lâm Đồng tham dự hội nghị giao ban ngành KH-ĐT

Đại diện lãnh đạo các sở, ngành Lâm Đồng tham dự hội nghị giao ban ngành KH-ĐT

Riêng tỉnh Lâm Đồng, thời gian qua, chưa ghi nhận trường hợp nhiễm dịch Covid-19. Toàn tỉnh nỗ lực thực hiện “mục tiêu kép”, duy trì sản xuất kinh doanh, thúc đẩy các hoạt động phát triển kinh tế, ổn định an sinh xã hội. Đặc biệt, ngành nông nghiệp của tỉnh đã duy trì được tốc độ tăng trưởng, sản xuất ổn định, đây chính là là bệ đỡ, là nền tảng cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội trong thời kỳ khó khăn vừa qua.

Tính đến 31/7, tổng sản phẩm trong nước (GRDP - giá so sánh năm 2010) tăng 0,51% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 3,3% so với cùng kỳ; thu ngân sách tăng 4,7% so cùng kỳ, bằng 61,9% dự toán Trung ương; số dự án được cấp mới trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng tăng 16,7% so với cùng kỳ; lượng khách du lịch đến tỉnh 2,2 triệu lượt khách…

Tuy nhiên, do ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh Covid-19, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng thấp hơn so cùng kỳ, khu vực công nghiệp xây dựng không duy trì được mức tăng trưởng như các năm, khu vực dịch vụ (chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế của tỉnh) giảm sâu so cùng kỳ. Các hoạt động xuất, nhập khẩu, lưu thông, vận chuyển hàng hóa, hành khách, nhiều lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nặng nề… Riêng về kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công, tính đến 31/7/2020, khối lượng thực hiện và số vốn giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2020 là 1.413 tỷ đồng, đạt 39% kế hoạch và đang phấn đấu đến 30/11 sẽ giải ngân hết vốn.

LÊ HOA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202007/day-manh-giai-phong-nguon-luc-cho-dau-tu-phat-trien-va-dinh-huong-ke-hoach-trung-han-cho-dia-phuong-3014644/