Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương English Edition
Trong thời gian qua, đặc biệt là 2 năm 2020-2021, mặc dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 nhưng công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế của tỉnh Long An vẫn được quan tâm duy trì và đạt những thành tựu quan trọng, khá toàn diện. Qua đó, góp phần vun đắp truyền thống đoàn kết, hữu nghị; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hợp tác với các địa phương và các tổ chức nước ngoài, thúc đẩy phát triển KT-XH của tỉnh.
Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, hợp tác với nước ngoài
Long An hiện là 1 trong 10 địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút các dự án đầu tư nước ngoài (FDI). Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 1.155 dự án FDI, vốn đăng ký gần 9,98 tỉ USD, đến từ 36 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 588 dự án đi vào hoạt động với tổng vốn đầu tư trên 3,6 tỉ USD. Đạt được kết quả này là nhờ tỉnh có những giải pháp toàn diện, đồng bộ trong cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, sẵn sàng tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, doanh nghiệp (DN) nước ngoài tìm hiểu thị trường, môi trường đầu tư trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, lãnh đạo tỉnh thường xuyên có những cuộc tiếp xúc, làm việc với các địa phương, DN, tổ chức nước ngoài để giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và mong muốn mở rộng hợp tác cùng phát triển.
Năm 2022, để chủ động đón làn sóng đầu tư sau đại dịch Covid-19, tỉnh đã tập trung triển khai kế hoạch chương trình xúc tiến thương mại và công nghiệp, nhất là việc tham gia hội chợ, triển lãm và tổ chức các đoàn giao dịch thương mại ở nước ngoài. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức các đoàn công tác sang thăm, làm việc, xúc tiến đầu tư, kết nối địa phương và DN tại Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc,... Qua đó, có khoảng 150 lượt DN được tỉnh tạo điều kiện tham gia các sự kiện kết nối giao thương, tư vấn thị trường xuất khẩu nước ngoài; hỗ trợ DN tham gia Diễn đàn DN Việt Nam - Ấn Độ tại TP.HCM; Diễn đàn kinh doanh Việt Nam - Hà Lan. Phối hợp Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức 2 phiên tư vấn xuất khẩu thanh long sang thị trường New Zealand và Úc; tư vấn xuất khẩu hạt điều sang thị trường khu vực Đông và Tây Âu cho các DN tại tỉnh.
Hiện nay, toàn tỉnh có khoảng 800 DN tham gia hoạt động xuất, nhập khẩu sang hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới; mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng và chuyển dần từ nhóm hàng nông sản sang nhóm hàng công nghiệp chế biến, chế tạo; chất lượng sản phẩm xuất khẩu từng bước được cải thiện và nâng cao tính cạnh tranh.
Long An ký kết biên bản ghi nhớ, hợp đồng với đối tác trong chương trình Tọa đàm “Định hướng phát triển vùng kinh tế công nghệ cao”(Ảnh TL)
Bên cạnh đó, việc tổ chức chu đáo, chặt chẽ các đoàn công tác của tỉnh tại Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc và tham gia các đoàn do Trung ương tổ chức (tại Trung Quốc, Hàn Quốc, Đan Mạch, Campuchia,...), vừa bảo đảm yếu tố ngoại giao hữu nghị với chính quyền các địa phương, vừa mang tính thiết thực, học tập và kết nối trên các lĩnh vực đầu tư sản xuất công nghiệp, giao lưu thương mại, lao động, bất động sản, phát triển đô thị; vừa hỗ trợ được các DN tháp tùng cùng đoàn trong việc xúc tiến các hoạt động hợp tác kinh tế với các đối tác. Ngoài ra, thông qua việc tổ chức thành công các hội nghị xúc tiến đầu tư, xúc tiến tiếp nhận lao động của tỉnh Long An tại các địa phương nước ngoài đã tạo điều kiện kết nối và ký kết được nhiều thỏa thuận hợp tác kinh tế lớn với các đối tác.
Thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị
Đến nay, Long An ký kết và thiết lập quan hệ hợp tác với 8 tỉnh, thành phố nước ngoài: Svay Rieng và Prey Veng (Vương quốc Campuchia), Khăm Muộn (Lào), Chungcheongnam-do (Hàn Quốc), Trat (Thái Lan), Hyogo (Nhật Bản), TP.Sacramento (tiểu bang California, Hoa Kỳ) và TP.Leipzig (Cộng hòa Liên bang Đức); trong đó, đã triển khai, thực hiện 17 bản ghi nhớ, hiệp đồng, thỏa thuận hợp tác. Thời gian qua, các địa phương nước ngoài thực hiện tốt những điều, khoản ký kết, duy trì các hoạt động giao thương hàng hóa, điện mừng nhân các ngày lễ, kỷ niệm, Tết Cổ truyền của các dân tộc.
Đặc biệt, Long An có 134,906km đường biên giới tiếp giáp Vương quốc Campuchia. Nhằm tăng cường quan hệ đoàn kết, hữu nghị với 2 tỉnh láng giềng Svay Rieng và Prey Veng (Vương quốc Campuchia), thời gian qua, tỉnh làm tốt công tác đối ngoại nhân dân, nhất là duy trì tổ chức trao đổi đoàn, điện mừng nhân các ngày lễ, kỷ niệm, hiếu hỷ, Tết Cổ truyền của 2 dân tộc; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa - văn nghệ, thể dục - thể thao và một số hoạt động thiện nguyện như khám bệnh, phát thuốc miễn phí; hỗ trợ vật tư, trang thiết bị, thuốc phòng, chống dịch Covid-19; tặng quà cho hộ nghèo, cận nghèo vùng giáp biên;...
Việc tăng cường ký kết và thiết lập quan hệ hợp tác với các địa phương nước ngoài đã góp phần đưa mối quan hệ hữu nghị, hợp tác ngày càng phát triển cũng như nâng cao vị thế, uy tín của tỉnh.
Thời gian tới, tỉnh Long An không ngừng mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế, quan hệ đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân; tăng cường giao lưu hữu nghị, quảng bá và thúc đẩy hoạt động xúc tiến du lịch, xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư nước ngoài. Qua đó, góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị với các địa phương nước ngoài, xây dựng Long An trở thành tỉnh phát triển khá trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam vào năm 2030.
Tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại
Long An tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại trên 3 trụ cột ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị, ngoại giao văn hóa. Để tích cực, chủ động trong hội nhập quốc tế trên mọi lĩnh vực, tỉnh xác định tập trung triển khai các giải pháp sau:
Một là, tiếp tục triển khai, quán triệt Chỉ thị số 12-CT/TW, ngày 05-01-2022 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao hiệu quả đối ngoại nhân dân trong tình hình mới; Chỉ thị số 15-CT/TW, ngày 10-8-2022 của Ban Bí thư về công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước đến năm 2030; Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Nghị quyết số 31/NQ-CP, ngày 13-5-2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW, ngày 10-4-2013 của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế; Chỉ thị số 15/CT-TTg, ngày 07-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW của Bộ Chính trị về hội nhập quốc tế;...
Hai là, tiếp tục triển khai, quán triệt định hướng, chiến lược tổng thể công tác đối ngoại giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030 phù hợp với tình hình thực tế của tỉnh; nhất là ngoại giao văn hóa, thông tin đối ngoại, công tác người Việt Nam ở nước ngoài, công tác biên giới lãnh thổ,... Trong đó, hoạt động đối ngoại trong toàn hệ thống chính trị, kết hợp hài hòa giữa đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân, tạo sức mạnh và hiệu quả trong triển khai đối ngoại tại địa phương.
Ba là, tiếp tục duy trì triển khai, thực hiện tốt công tác đối ngoại với các địa phương nước ngoài đã ký thỏa thuận với tỉnh. Tăng cường công tác hội nhập quốc tế, xúc tiến đầu tư, thương mại, lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội và du lịch. Triển khai hiệu quả các hoạt động ngoại giao văn hóa với các nước; tổ chức hiệu quả các lễ hội nhằm giới thiệu, quảng bá những nét văn hóa đặc sắc, danh lam, thắng cảnh và các di tích của địa phương. Phối hợp tốt chính quyền Campuchia trong công tác quản lý biên giới lãnh thổ và phân giới, cắm mốc.
Bốn là, tổ chức các đoàn ra - đoàn vào bảo đảm chặt chẽ, chu đáo và đúng theo quy định nhằm tạo điều kiện thực hiện hiệu quả nhiệm vụ đối ngoại và hội nhập quốc tế. Thường xuyên rà soát, kiện toàn ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại các cấp; chú trọng đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, bồi dưỡng kiến thức về thông tin đối ngoại cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, lực lượng tuyên truyền viên, báo cáo viên các cấp.
Năm là, hoạt động đối ngoại phải gắn liền với bảo đảm an ninh chính trị đối ngoại, trật tự, an toàn xã hội; bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và công tác bảo vệ chính trị nội bộ./.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh - Nguyễn Thanh Hải