Đẩy mạnh hoạt động phát triển văn hóa đọc cộng đồng
Đề án được thực hiện nhằm tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng văn hóa đọc và hoạt động phục vụ học tập trong thời gian tới.
Ngày 11/3, tại Hà Nội, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc họp ban soạn thảo và tổ biên tập xây dựng đề án “Đẩy mạnh các hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2030”.
Trước đó, ngày 8/3, Bộ trưởng Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định ban hành kế hoạch xây dựng đề án này, nhằm thực hiện mục tiêu "xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030".
Tại cuộc họp, ông Phạm Quốc Hùng - Vụ trưởng Vụ Thư viện, Trưởng ban Soạn thảo đề án - thông tin dự thảo đề án gồm 3 phần.
Phần mở đầu trình bày bối cảnh và sự cần thiết xây dựng đề án. Tiếp đến là phần đánh giá kết quả thực hiện “Đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ giai đoạn 2014-2020”.
Phần này sẽ tập trung đưa ra công tác chỉ đạo, kết quả hoạt động triển khai tại các bộ, ngành và địa phương trong việc thực hiện mục tiêu của đề án giai đoạn 2014-2020, từ đó tìm ra những hạn chế, bất cập, nguyên nhân và giải pháp khắc phục.
Phần cuối cùng trình bày những nhiệm vụ, mục tiêu góp phần đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời trong thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ đến năm 2030.
Cũng trong cuộc họp, ông Phạm Quốc Hùng phân công từng nội dung công việc cho các ban, ngành, thành viên trong ban soạn thảo đề án. Theo ông, văn hóa và kinh tế, chính trị là những lĩnh vực luôn song hành cùng nhau.
Đặc biệt, khi xây dựng đề án này, mục tiêu đề ra là giúp công tác phát triển văn hóa đọc đi sâu hơn vào thực tế, từ đó góp phần xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện.
“Trước mắt chúng ta còn khối lượng công việc rất lớn. Tôi mong có sự góp sức từ các bộ, ban, ngành (thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ) để đề án hoàn thành tốt nhiệm vụ chấn hưng văn hóa, giáo dục trong cộng đồng”, ông Hùng nói.
Chia sẻ bên lề sự kiện, Vụ trưởng Vụ Thư viện cho biết đây là một trong những hoạt động quan trọng, góp phần không nhỏ vào việc thúc đẩy văn hóa đọc của giới trẻ.
Ông nhận định: “Văn hóa đọc đang có sự chuyển dạng rõ rệt. Đề án này hướng tới thế hệ trẻ - những trụ cột tương lai của đất nước - và không thể tách rời các đề án lớn của Chính phủ, đặc biệt là ‘Phát triển văn hóa đọc cộng đồng’. Với đề án này, tôi mong thế hệ trẻ sẽ trau dồi thêm tri thức để cùng nhau xây dựng đất nước”.
Ông Hùng cũng thông tin đề án giai đoạn 2014-2020 đã đạt được những kết quả tốt đẹp. Ông bày tỏ mong muốn trong thời gian tới, kết quả này sẽ được nhân lên, lan rộng tại các trường học, thư viện cơ sở, nhà văn hóa, bảo tàng, hướng đến sự phát triển văn hóa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Một số thành tựu nổi bật của đề án “Đẩy mạnh hoạt động học tập suốt đời trong các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, câu lạc bộ giai đoạn 2014-2020” có thể kể đến như: Tổ chức cuộc thi “Đại sứ văn hóa đọc”; triển khai chương trình “Cùng bạn đọc sách - Nâng tầm trí tuệ Việt”; huy động hàng chục nghìn cuốn sách, trang thiết bị thư viện trao tặng các trường học, thư viện cộng đồng, trại giam, không gian đọc tại nhiều địa phương; thiết lập kênh “Cùng bạn đọc sách” trên không gian mạng…
Theo đó, đề án giai đoạn 2021-2030 cũng chính là cơ sở pháp lý, điều kiện cho các cơ quan, đơn vị và tổ chức cùng đóng góp; tạo động lực và khuyến khích mọi cá nhân trong xã hội tích cực tham gia học tập suốt đời tại các thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa và câu lạc bộ.