Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, phản biện và giám định xã hội
Tập hợp đội ngũ trí thức khoa học và công nghệ tham gia tư vấn, phản biện và giám định xã hội (TVPB&GĐXH) nhằm tham mưu cho tỉnh có thêm căn cứ, cơ sở khoa học để xem xét quyết định các vấn đề quan trọng, phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Thanh Hóa (gọi tắt là Liên hiệp hội) xác định trong thời gian qua.
Giai đoạn 2016-2020, Liên hiệp hội được Chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ thí điểm tư vấn, phản biện một số chương trình, quy hoạch, kế hoạch, đề án lớn của tỉnh (mỗi năm 5 nhiệm vụ). Qua hơn 5 năm thí điểm triển khai thực hiện các nhiệm vụ tư vấn, phản biện, Liên hiệp hội đã xây dựng và tập hợp được đội ngũ, chuyên gia, nhà khoa học giàu kinh nghiệm để thực hiện các nhiệm vụ TVPB&GĐXH trên mọi lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh. Đến năm 2021 trở đi, căn cứ vào chương trình công tác hằng năm của UBND tỉnh, Liên hiệp hội đã nghiên cứu lựa chọn, có văn bản đề nghị và được Chủ tịch UBND tỉnh tin tưởng giao phản biện 10 nhiệm vụ/năm.
Năm 2024, Liên hiệp hội đã đề nghị và được Chủ tịch UBND tỉnh giao phản biện 10 nhiệm vụ, thuộc các lĩnh vực đào tạo nghề; giáo dục - đào tạo; du lịch; thể thao; công nghiệp - xây dựng..., cụ thể: Quy định tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa trong cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh, thực hiện từ năm học 2021-2022 do Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan chủ trì xây dựng; Quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu Công nghiệp phía Tây TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa do Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh là cơ quan chủ trì xây dựng; Chính sách khuyến khích phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2025-2030 do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì xây dựng; Chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao tỉnh Thanh Hóa do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan chủ trì xây dựng; Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng ngân sách nhà nước thuộc lĩnh vực nghiên cứu khoa học, công nghệ trong nông nghiệp cho Viện Nông nghiệp Thanh Hóa do Viện Nông nghiệp Thanh Hóa là cơ quan chủ trì xây dựng; Đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2000 Khu Công nghiệp Hà Long, huyện Hà Trung, do Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh là cơ quan chủ trì xây dựng... Đến nay, Liên hiệp hội đã hoàn thành 100% kế hoạch được giao.
Để đạt được kết quả trên, hằng năm, Liên hiệp hội đã tập trung nâng cao chất lượng phản biện thông qua các hoạt động: Tăng số lượng các cuộc khảo sát thực tế nhằm nâng cao tính thực tiễn trong công tác phản biện đối với các chương trình, đề án; duy trì tỷ lệ số lượng chuyên gia công tác tại các cơ quan trung ương trong hội đồng; tăng số lượng thành viên phản biện; duy trì, thực hiện các bước quy trình chuẩn bị và lấy ý kiến xây dựng báo cáo phản biện. Nhờ đó, chất lượng các báo cáo phản biện của Liên hiệp hội trong năm được Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các cơ quan soạn thảo chương trình, kế hoạch, đề án đánh giá cao. Đây chính là căn cứ để các cơ quan được giao chủ trì xây dựng các chương trình, kế hoạch, đề án, nhận thức đầy đủ hơn về ý nghĩa và lợi ích của công tác phản biện; nâng cao được ý thức, trách nhiệm trong việc cung cấp hồ sơ tài liệu ngày càng đầy đủ hơn, chủ động và lắng nghe ý kiến của hội đồng phản biện, tiếp thu nội dung nêu trong báo cáo phản biện nghiêm túc hoàn chỉnh chương trình, kế hoạch, đề án được giao.
Cùng với các hoạt động trên, Liên hiệp hội đã phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, Viện Nông nghiệp Thanh Hóa lựa chọn chuyên gia, tổ chức 2 cuộc hội thảo khoa học và xây dựng báo cáo về 2 chuyên đề tham vấn theo yêu cầu của Thường trực Tỉnh ủy, gồm: Những giải pháp tăng cường hoạt động hợp tác, liên kết, gắn kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp của tỉnh từ sản xuất đến chế biến, phân phối và tiêu thụ sản phẩm nhằm nâng cao giá trị và sức cạnh tranh các sản phẩm nông nghiệp, nhất là sản phẩm OCOP và các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có thế mạnh của tỉnh; giải pháp nâng cao nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ các ngành kinh tế - xã hội trọng điểm của tỉnh, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 58-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị (khóa XII) “Về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Nội dung chuẩn bị của Liên hiệp hội đã được Thường trực Tỉnh ủy đánh giá cao, nhiều đề xuất kiến nghị của đội ngũ trí thức được ghi nhận, được lãnh đạo tỉnh chỉ đạo các ngành giải quyết...
Tổng thư ký Liên hiệp hội Phạm Kim Tân, khẳng định: "Hoạt động TVPB&GĐXH của Liên hiệp hội thể hiện tính độc lập, khách quan, được lập luận trên cơ sở khoa học, thực tiễn nhất định, phù hợp với xu hướng chung, lợi ích chung của cộng đồng, xã hội. Đây chính là yếu tố quan trọng liên quan trực tiếp đến hiệu quả, giá trị của nội dung phản biện. Trên cơ sở đó, các cán bộ khoa học của liên hiệp hội, các hội thành viên đã tham gia các hoạt động tư vấn phản biện và hội đồng khoa học chuyên ngành, đóng góp có hiệu quả cho các chương trình, dự án của các bộ, ngành và địa phương".
Cũng theo ông Tân, thời gian tới, Liên hiệp hội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản quy định hiện hành của Nhà nước về hoạt động TVPB&GĐXH; phản biện với chất lượng cao nhất đối với các nhiệm vụ được Chủ tịch UBND tỉnh giao thực hiện trong năm 2025. Đồng thời, chủ động tập hợp, xây dựng hệ thống mạng lưới chuyên gia trong và ngoài tỉnh, đảm bảo đủ năng lực để thực hiện tốt nhiệm vụ, đặc biệt là các chuyên gia đầu ngành có trình độ chuyên môn cao, uy tín về khoa học và có nhiều kinh nghiệm trong TVPB&GĐXH...