Đẩy mạnh hợp tác giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên
Ngày 4/4, Ủy ban nhân dân (UBND) Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) tổ chức hội nghị sơ kết việc thực hiện thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với 5 tỉnh vùng Tây Nguyên năm 2023 và triển khai kế hoạch hợp tác năm 2024.
Vùng Tây Nguyên và TP.HCM có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước. Để tăng cường hợp tác kinh tế - xã hội giữa TP.HCM với các tỉnh vùng Tây Nguyên, ngày 29/12/2022, UBND TP.HCM và UBND 5 tỉnh vùng Tây Nguyên bao gồm: Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum, Đắk Lắk, Đắk Nông đã ký thỏa thuận hợp tác phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2025.
Trong đó, 5 lĩnh vực hợp tác trọng tâm gồm du lịch, thương mại, nông nghiệp, khoa học công nghệ, y tế giáo dục. Hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích kinh tế mà còn góp phần thắt chặt tình hữu nghị, đoàn kết giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, sự phát triển của TP.HCM luôn song hành, gắn liền với sự phát triển của các địa phương trong cả nước, trong đó có các tỉnh vùng Tây nguyên. Đặc biệt thời gian qua, chương trình hợp tác phát triển kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Tây nguyên đã có những tác động mạnh mẽ trong việc thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, đẩy mạnh dòng luân chuyển hàng hóa, và đáp ứng tốt nhu cầu của người dân tại các tỉnh, thành nói riêng và cả vùng Tây Nguyên nói chung.
Ông Hoan cho rằng, do thời gian thực hiện ngắn (chủ yếu bắt đầu từ quý IV/2023) nên nhiều nội dung hợp tác chưa được triển khai thực hiện; ảnh hưởng đến kết quả tiến độ thực hiện các nhiệm vụ được phân công trong kế hoạch; sự kết nối trong việc chuẩn bị và tổ chức thực hiện các sự kiện giữa các tỉnh Tây Nguyên và TP.HCM còn nhiều hạn chế.
Mặt khác, phần lớn cơ chế hợp tác giữa hai địa phương chủ yếu là sự hỗ trợ một chiều của TP.HCM dành cho các tỉnh trong vùng; các kết quả hợp tác kinh tế - xã hội chưa thực sự xứng tầm với tiềm năng, thế mạnh của hai địa phương, nhất là các dự án thuộc lĩnh vực kinh tế và lĩnh vực đầu tư xã hội hóa.
Để khắc phục những hạn chế, ông Hoan cho biết, trong năm 2024 các bên cần tập trung khai thác thế mạnh tiềm năng sẵn có, phát huy lợi thế của các tỉnh vùng Tây Nguyên trong một số lĩnh vực có tiềm năng hợp tác với TP.HCM, góp phần phát triển kinh tế - xã hội hiệu quả, bền vững của từng địa phương, vùng Tây Nguyên và cả nước.
Trong đó, tập trung triển khai 32 nội dung về lĩnh vực công thương; tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, hợp tác với nhau; thúc đẩy hợp tác công - tư trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung của các bên.
Cũng tại hội nghị đã diễn ra hoạt động trao biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác kinh tế - xã hội giữa TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên giai đoạn 2024 - 2025; trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Sở Y tế TP.HCM với các Sở Y Tế của các tỉnh vùng; trao biên bản ghi nhớ hợp tác giữa 5 bệnh viện của TP.HCM và các tỉnh vùng Tây Nguyên.