Đẩy mạnh hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm về tiết kiệm năng lượng
Ngày 13/4, trong khuôn khổ các hoạt động của Nhóm Đối tác năng lượng Việt Nam (VEPG), Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) và Tổ chức Phát triển liên hợp quốc (UNDP) đã tổ chức Cuộc họp lần thứ 6 nhóm công tác kỹ thuật về hiệu quả năng lượng. Thứ trưởng Bộ Công Thương Đặng Hoàng An chủ trì cuộc họp.
Tham dự cuộc họp còn có gần 50 đại biểu đến từ các bộ, ngành, các tổ chức phát triển trong và ngoài nước, các chuyên gia hoạt động về tiết kiệm năng lượng.
VEPG được thành lập tháng 6/2017 bởi Chính phủ Việt Nam cùng các Đối tác phát triển quốc tế nhằm tăng cường hợp tác, đối thoại và trao đổi kinh nghiệm cũng như kiến thức cho ngành năng lượng Việt Nam. Mục tiêu chung của VEPG là sử dụng hiệu quả hỗ trợ quốc tế cho phát triển năng lượng bền vững tại Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc gia và các công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Tại cuộc họp lần này, các đại biểu đã nghe kết quả hoạt động của VEPG, Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả năm 2019 - 2020 và định hướng năm 2021, chia sẻ kinh nghiệm quốc tế thúc đẩy hoạt động Tiết kiệm năng lượng, định hướng các hoạt động của nhóm công tác kỹ thuật về hiệu quả năng lượng trong thời gian tới.
Trên cơ sở các bài trình bày, các đại biểu đã đề xuất cần đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân vào hoạt động tiết kiệm năng lượng, đây là đối tượng chủ chốt thực hiện và có khả năng triển khai thành công các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Theo đó, trong thời gian tới cần đẩy mạnh các giải pháp về truyền thông, hỗ trợ kỹ thuật, đặc biệt là cần có cơ chế tài chính cụ thể để các doanh nghiệp tư nhân có thể vận dụng, chủ động thực hiện các giải pháp về tiết kiệm năng lượng.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh hoạt động của mô hình ESCO (mô hình cung cấp dịch vụ năng lượng) tại Việt Nam cũng là chủ để quan trọng tại cuộc họp, bên cạnh việc đẩy mạnh truyền thông, xây dựng các mô hình điển hình ESCO thì cần thiết phải có cơ chế tài chính cho doanh nghiệp ESCO và các doanh nghiệp sử dụng dịch vụ của các công ty ESCO.
Ngoài ra, các đại biểu cũng thảo luận các giải pháp để gắn kết các hoạt động về tiết kiệm năng lượng với việc giảm phát thải nhà kính, trong đó xem xét đến việc thể chế hóa trong Luật Bảo vệ môi trường.
Nhìn nhận về chương trình, ông Trịnh Quốc Vũ- Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, chủ trì nhóm công tác, đã đánh giá cao các giải pháp, kiến nghị của các chuyên gia, các tổ chức và các bộ, ngành để đẩy mạnh các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Đặc biệt là việc triển khai Chương trình quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2019 – 2030.
Trong thời gian tới, các hoạt động của chương trình quốc gia sẽ được triển khai rộng rãi trên cả nước kể cả các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân. Các hỗ trợ và hợp tác của các nhà tài trợ, các tổ chức quốc tế sẽ được tận dụng tối đa để hoàn thiện khung pháp lý, xây dựng các cơ chế để các đối tượng dễ vận dụng, xây dựng các mô hình thí điểm về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, tuyên truyền và nâng cao nhận thức cộng đồng và doanh nghiệp.
Ban Thư ký nhóm đối tác năng lượng Việt Nam tiếp tục hỗ trợ, điều phối để đẩy mạnh các hoạt động hợp tác quốc tế, chia sẻ kinh nghiệm về tiết kiệm năng lượng. Các vấn đề thảo luận của các nhóm công tác kỹ thuật sẽ được trình lên các cấp cao hơn của VEPG và đưa vào chương trình công tác cũng như định hướng các hoạt động của giai đoạn mới của VEPG.
Kết luận cuộc họp, Thứ trưởng Đặng Hoàng An ghi nhận vai trò của các hoạt động về hiệu quả năng lượng trong việc góp phần đảm bảo an ninh năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính, đặc biệt là trong bối cảnh nhu cầu sử dụng năng lượng của Việt Nam nói riêng và của các nước ASEAN đang tăng cao.
Thứ trưởng chỉ ra, việc sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Chính phủ Việt Nam coi trọng, đã được thể chế hóa tại Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, các văn bản dưới Luật. “Các khuyến nghị về chính sách năng lượng cần tiếp tục bám sát định hướng của Nhà nước và Chính phủ Việt Nam, đảm bảo tính thực tiễn có thể đưa vào đời sống và không xa rời khuôn khổ pháp luật hiện hành. Gần đây nhất, vấn đề này được nêu trong Nghị quyết của Bộ Chính trị số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; Chỉ thị số 20/CT-TTg về Tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2020 – 2025 đưa vào Quy hoạch Điện VIII”- Thứ trưởng nhấn mạnh!
Bộ Công Thương trong những năm qua đã thực hiện thành công chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả với sự hợp tác và hỗ trợ của các bộ, ngành và các tổ chức quốc tế.